3 vấn đề thường gặp khi học tiếng Đức
Qua những bài viết chia sẻ kinh nghiệm lẫn phương pháp học tiếng Đức trước đây, có thể dễ dàng thấy rằng quá trình học tiếng Đức không hề đơn giản. Thực tế, nó đòi hỏi nhiều sự trau dồi xuyên suốt một quãng thời gian dài. Trong đó, có một số vấn đề rất không ít người học vẫn vướng phải thường xuyên như phát âm, giao tiếp hay nản chí, mất động lực.
Bài viết này hướng tới việc nêu lên những vấn đề thường gặp ấy, để nếu bạn mới bắt đầu thì nhận ra để tránh dần, hoặc nếu bạn đang học và gặp khó khăn tương tự thì có một số hướng tham khảo để giải quyết.
Tổng quan
1. Phát âm không chuẩn
Theo quan sát của mình, đây là vấn đề không chỉ những ai vừa bắt đầu mới gặp phải, mà ngay cả nhiều người đã học tiếng Đức lâu năm vẫn va vấp. Lý do dễ thấy nhất chính là một số phụ âm tiếng Đức dùng cơ miệng rất khác so với tiếng Việt, dẫn đến việc phải tập phát âm chúng từ đầu. Thế nên việc bạn gặp khó khăn khi cố nói những âm như z, sch, pf hay qu là hoàn toàn bình thường. Tương tự thì khi họ học tiếng Việt nói cũng sẽ nghe lơ lớ, bởi cơ miệng chưa quen và chưa đủ luyện tập.
Ngoài ra, dù đã phát âm rất tốt một từ nào đó riêng lẻ rồi, khi đặt vào câu trong giao tiếp đôi khi lại không còn chuẩn nữa. Tại sao lại thế? Trong trường hợp đầu tiên, não chúng ta chỉ tập trung vào một việc cụ thể: làm sao phát âm từ đấy chính xác nhất.
Nhưng trong trường hợp thứ hai, não phải làm nhiều việc cùng lúc như: giải nghĩa câu nói/câu hỏi của người đối diện, nghĩ ra nội dung trả lời, sắp xếp đúng trật tự ngữ pháp trong câu, đồng thời điều hướng cơ thể và cảm xúc để phản ứng phù hợp. Phải xử lý nhiều hoạt động cùng lúc như thế thì một số âm khó không còn được ưu tiên để phát ra chính xác nữa. Vậy làm thế nào bây giờ?
(Photo by Jason Rosewell on Unsplash)
Để giải quyết hai vấn đề trên, việc dành nhiều thời gian học và luyện phát âm bài bản ngay từ đầu cực kỳ quan trọng. Một khi cơ miệng đã quen rồi thì trong những tình huống bất ngờ cần phản xạ nhanh khi giao tiếp, từ ấy sẽ được bật ra một cách tự động chứ không cần phải tập trung suy nghĩ nữa.
Một số gợi ý để luyện phát âm:
- Phát âm được đặc biệt chú trọng trong khóa A1, hãy tận dụng thời gian này cùng thầy cô và bạn bè trau dồi.
- Chủ động nhờ người bản xứ sửa lỗi phát âm giúp (tại lớp, trong các CLB tiếng Đức hay bạn tandem chẳng hạn).
- Nghe các bài hát thiếu nhi bằng tiếng Đức. Đây là những bản nhạc có lời ca đơn giản giúp chính trẻ em tại Đức tập nói. Việc nghe và bắt chước theo sẽ giúp bạn nắm được những âm cơ bản mà không cảm thấy nản.
- Tìm sách nói, video hay podcast tiếng Đức có phụ đề. Nghe, đọc theo và thu âm lại rồi so sánh. Đến khi nào giống với bản gốc nhất thì thôi, có thể gửi cho bạn bè bản xứ nhờ họ so sánh. (Một số kênh Youtube tiếng Đức hay có phụ đề)
- Tự tìm hiểu kỹ cấu trúc phát âm của ngôn ngữ mới. Do thời gian có hạn nên các lớp học tiếng Đức thường không thể tập trung vào vấn đề này được, nhưng bạn hoàn toàn có thể tìm ra rất nhiều tài liệu trên mạng. Hiểu cốt lõi mang lại cho bạn một nền tảng vững chắc hơn để phát triển về sau.
Đọc tiếp: Phương pháp để luyện phát âm tiếng Đức một cách chính xác
2. Ngại nói
Từng học nghiêm túc hai ngoại ngữ và trải qua giai đoạn không dám nói vì sợ sai ngữ pháp, sai phát âm, mình rất hiểu cảm giác ấy khi thấy vấn đề tương tự ở những học viên khác tại lớp, CLB cuối tuần hay thậm chí ở cả bên Đức này.
Một phần ở Việt Nam rõ ràng ít cơ hội tiếp xúc trò chuyện trực tiếp với người bản ngữ, đặc biệt là khi bạn không sinh sống tại các thành phố lớn. Tuy nhiên, mình nghĩ lý do lớn hơn cả là nhiều học viên đã quen với cách học phổ thông trước đây thời còn học sinh.
Tất nhiên là phương pháp học ấy có những ưu điểm riêng, nhưng lại không tập trung nhiều vào kỹ năng giao tiếp cũng như ít có sự trao đổi thông tin, quan điểm trực tiếp giữa thầy cô và học sinh. Thậm chí tại nhà, nhiều bạn cũng không lớn lên trong văn hóa thường xuyên thể hiện quan điểm cá nhân hay cùng nhau thảo luận về một vấn đề.
(Photo by Priscilla Du Preez on Unsplash)
Lớn lên trong những môi trường như thế và đã quen suốt một khoảng thời gian dài, việc thay đổi ngay lập tức đương nhiên là rất khó. Vạn sự khởi đầu nan, những lần “ra khỏi vùng an toàn” đầu tiên để nói lên những gì mình nghĩ bằng tiếng Đức có thể rất đáng sợ, nhưng rồi sẽ thoải mái hơn dần thôi.
Bắt đầu từng bước một ở nơi bạn cảm thấy an toàn thân thuộc như lớp học tiếng, CLB ngôn ngữ hay bạn bè bản ngữ. Khi đã quen hơn thì mở rộng ra hỏi han nhân viên khi mua sắm, đi hàng quán hay bắt chuyện với người lạ hỏi đường.
Một khi không còn ngại nói nữa thì cuộc sống sau này của bạn tại Đức sẽ dễ dàng hơn rất nhiều, nhất là trong những ngày đầu sang đây, phải lo toan nhiều vấn đề giấy tờ hay kết bạn làm quen với cuộc sống mới.
Một số gợi ý để từng bước tăng tự tin nói tiếng Đức:
- Luyện phát âm thật chuẩn. Đây là nền tảng cơ bản để bạn tăng tự tin khi nói.
- Trò chuyện với chính mình trước gương bằng tiếng Đức.
- Nâng cao vốn từ, ngữ pháp hay các kỹ năng nghe – đọc – viết đều hỗ trợ cải thiện khả năng nói. (12 cách tự học tiếng Đức hiệu quả)
- Nghĩ trước câu hỏi và một số câu trả lời trước khi nói. Khi chưa có phản xạ thì cách này khá hiệu quả, bạn không còn phải lo về nội dung và ngữ pháp nữa. Chỉ tập trung nói ra nữa thôi là xong. Qua nhiều lần như thế bạn sẽ dần quen, những câu thường được nói đi nói lại trở thành phản xạ – bạn không cần phải về chúng nghĩ trước khi nói nữa. Mở rộng vùng phản xạ thật chất là việc mỗi người học ngôn ngữ đều vẫn đang liên tục làm mỗi ngày, đặc biệt là khi ở Đức rồi.
- Không ngại hỏi khi không hiểu hoặc nghe chưa rõ. Đa phần người Đức khi thấy mình cố gắng học thứ tiếng của họ đều sẵn lòng giúp đỡ bằng cách nói chậm lại, dùng từ đơn giản hơn hay giải thích thêm. Mới bắt đầu học tiếng Đức chưa hiểu được nhiều là điều hoàn toàn bình thường, không có gì phải xấu hổ cả. Quan trọng nhất vẫn là chúng ta có chịu hỏi hay không mà thôi.
- Chăm chỉ tham gia các CLB tiếng Đức khi có thời gian (như Deutsch Sprachtreff chẳng hạn). Không còn là môi trường với áp lực phải học gì đó như trong lớp, các CLB thường tổ chức hoạt động hay trò chơi để bạn được tiếp cận với tiếng Đức từ một khía cạnh khác. Thoải mái, gần gũi và tự nhiên hơn. Ngày đầu tham gia bạn chỉ cần nói được 3 câu thôi, ngày tiếp theo 6 câu, rồi 9, 12, 15,… Dần dà, bạn sẽ tự tin nói hơn mà ít cảm thấy căng thẳng.
Đọc tiếp: Học tiếng Đức có khó không?
3. Học chỉ đề thi
Không phủ nhận rằng chứng chỉ tiếng Đức đóng vai trò thiết yếu khi làm giấy tờ sang Đức với những mục đích như du học, du học nghề, định cư hay đoàn tụ. Tuy nhiên, một số học viên lại quá ám ảnh với tấm bằng ấy nên đã học nhiều thủ thuật giải đề, phụ thuộc cứng nhắc vào các mẫu câu được dạy, thậm chí có trường hợp cá biệt còn học thuộc luôn cả bài nói hay bài viết đều vào thi là bắn ra thôi.
Như thế dù cho có lấy được bằng thì vẫn rất nguy hiểm, vì nó đi ngược lại với mục đích ban đầu tại sao chính phủ Đức yêu cầu những chứng chỉ ấy: bạn thật sự dùng được tiếng Đức. Để rồi đặt chân đến đây, nhiều người mới vỡ ra rằng B1 hay B2 vẫn chưa là gì cả.
Họ chẳng giao tiếp được nhiều với người Đức, cũng như khó hòa nhập với văn hóa mới hơn, dẫn đến những bức xúc không hài lòng đáng tiếc: làm giấy tờ không giải thích được trường hợp của mình, đến lớp nghe giảng lùng bùng chẳng hiểu gì, bạn bè rủ đi chơi cũng chỉ biết ngồi im nghe ít tham gia nói được hay ở mấy năm trời vẫn chẳng có bao nhiêu bạn mới.
(Photo by Siora Photography on Unsplash)
Tóm lại, mình hi vọng có thể khẳng định lại một lần nữa: học chỉ để thi chưa chắc dùng được tiếng Đức, nhưng giỏi tiếng Đức thật sự chắc chắn kết quả thi cũng không tệ. Rồi đây bạn sống ở Đức, những tấm bằng kia chẳng còn ý nghĩa gì, chủ yếu vẫn là bạn có công cụ để hòa nhập và phát triển xa hơn trong môi trường mới. Đã tốn công học, sao không học để thật sự dùng được tiếng Đức nhỉ?
Một số gợi ý để khắc phục những hạn chế của việc học chỉ để thi:
- Trong phần nói, học một số mẫu câu quan trọng không có gì sai. Tuy nhiên, ngoài chúng thì hãy cố gắng nói tự nhiên nhất có thể. Cảm giác thoải mái khi nói tiếng Việt thế nào, thử ứng dụng thế ấy khi nói tiếng Đức.
- Để có nhiều ý tưởng cho phần viết hay nói, hãy dành thời gian đọc báo, nghe podcast hay video tiếng Đức. Không chỉ luyện đọc nghe ngôn ngữ chuẩn mà còn bổ sung được nhiều từ vựng và quan điểm hữu ích.
- Dù thi tốt thế nào đi nữa, khi sang Đức bạn cũng sẽ thấy rằng vốn tiếng của mình vẫn chưa đủ. Chương trình học hay các kỳ thi chỉ xoay quanh một số chủ đề nhất định thôi, nhưng thực tế ngôn ngữ lại rộng hơn rất nhiều. Thế nên hãy cho bản thân một chút thời gian. Nó sẽ đến từ từ với bạn khi trải nghiệm ngày càng tăng lên. Và tất nhiên điều đó đến sau quá trình dài tích lũy vốn sống chứ không phải ngày một ngày hai là có được ngay.
Đọc tiếp: Những lưu ý quan trọng khi ôn thi tiếng Đức B1
Kết
Qua phần phân tích 3 vấn đề thường gặp khi học tiếng Đức phía trên, mình hi vọng bạn có được một cái nhìn tổng quan hơn để chuẩn bị thật tốt dù đã học tiếng Đức rồi hay chỉ mới bắt đầu. Bản thân người Việt chúng ta đã có những ưu thế đặc biệt khi học ngôn ngữ rồi, phần còn lại cố khắc phục những điểm yếu không mong muốn thì việc học tiếng Đức không chỉ hiệu quả hơn, mà còn thú vị thỏa mãn hơn.