5-cach-nho-tu-vung-tieng-duc-lau-ben

5 cách nhớ từ vựng tiếng Đức lâu bền

Học phát âm để tạo ra âm thanh càng giống giọng chuẩn càng tốt, học từ vựng để biết nghĩa của những âm được phát ra, và học ngữ pháp để kết nối những từ ấy một cách hợp lý để mô tả được những gì ta muốn nói, thậm chí cả những ý tưởng phức tạp nhất. Mỗi phần đều đóng vai trò quan trọng khi học bất kỳ ngôn ngữ nào, bao gồm cả tiếng mẹ đẻ. Vì thế, hôm nay mình sẽ tập trung vào một trong ba phần ấy, cụ thể là 5 cách nhớ từ vựng tiếng Đức lâu bền:

1. Học và dùng từ vựng tiếng Đức trong ngữ cảnh

Bắt đầu với một ví dụ nhé:

  • Ich nehme meinen Rucksack und gehe raus. (Tôi lấy balo và ra ngoài.)
  • Wir nehmen einen anderen Weg. (Chúng tôi làm theo cách khác.)
  • Er nimmt die Pille. (Anh ấy uống thuốc thường xuyên.)
  • Sie nehmen dich nicht ernst. (Họ không coi trọng bạn.)
  • Nimm dir Zeit. (Cậu cứ tranh thủ thời gian đi.)

Tất cả những câu trên đều dùng cùng một động từ nehmen nhưng tại sao nghĩa lại khác nhau đến thế? Câu trả lời chính là: ngữ cảnh. Bởi vì trong hầu hết mọi ngôn ngữ, hoàn cảnh và giọng điệu quyết định rất lớn đến nghĩa của từ, thậm chí đôi khi còn khác hẳn nghĩa gốc ban đầu của từ ấy. Đó là lý do mình thấy việc học từ vựng tiếng Đức kiểu viết danh sách thế này rất kém hiệu quả:

  • Nehmen (Verben): Lấy
  • Kommen (Verben): Đến
  • Bequem (Adjektiv): Thoải mái

Không ít người học đã và vẫn đang dùng cách này. Tuy vậy mình nghĩ là khi học được một từ mới, hãy dùng nó ngay lập tức bằng cách viết câu hay nói với người khác. Lý do đầu tiên mình đã đề cập phía trên: nghĩa của từ phụ thuộc vào ngữ cảnh. 

hoc tu vung tieng duc viet danh sach
Học từ vựng tiếng Đức bằng cách viết danh sách không còn nhiều hiệu quả nữa
(Photo by Cathryn Lavery on Unsplash)

Thứ hai là việc học từ theo câu thực tế dễ nhớ hơn rất nhiều so với học từng từ một, bởi vì chúng có sự kết nối với nhau về mặt thời gian, nguyên nhân – kết quả hay những quan hệ khác. Ví dụ như reden (nói chuyện) và Silber (bạc) nghe có vẻ chẳng liên quan gì tới nhau hết đúng không? Nhưng khi ở trong cùng một câu thì lại khác:

Reden ist Silber, Schweigen ist Gold. (Nói chuyện là bạc, im lặng là vàng.)

Đây là một câu ngạn ngữ tiếng Đức rất tương đồng với tiếng Việt nên dễ dàng nhớ ngay. Bên cạnh đó, không chỉ học được từ reden, mà học được cả schweigen vì chúng trái nghĩa. Cũng như không chỉ Silber, mà cả Gold vì chúng đều là kim loại giá trị cao. Như vậy, việc học từng từ đôi khi tốn thời gian mà rất chán, nhưng khi đặt vào ngữ cảnh rồi thì vừa dễ học, dễ nhớ, lại vừa thú vị hơn.

Lý do thứ ba chính là việc nâng cao khả năng giao tiếp. Gắn vào ngữ cảnh không chỉ là đang học từ, mà còn là đang dùng từ. Mỗi câu được đặt ấy là đơn vị cấu thành nên một cuộc hội thoại. Tức là càng nhiều từ vựng tiếng Đức được dùng vào ngữ cảnh thì bạn lại càng có khả năng diễn đạt tốt những gì mình muốn nói với người đối diện, từ đó cải thiện chất lượng giao tiếp và giúp bạn tự tin hơn.

Đọc tiếp: Từ A đến Z kinh nghiệm học tiếng Đức A1-B2

2. Đọc kết hợp nghe từ vựng tiếng Đức, và ngược lại

Mặc dù chia thành bốn kỹ năng chính nghe – nói – đọc – viết nhưng thật ra chúng đều có quan hệ mật thiết với nhau, chẳng hạn ta thường thấy: nghe tốt thì nói tốt, đọc tốt thì viết tốt. Tương tự như vậy, sự kết hợp giữa đọc và nghe sẽ giúp bạn học từ vựng tiếng Đức hiệu quả hơn. Nhưng tại sao lại thế nhỉ?

nghe doc tu vung tieng duc
Sức mạnh của việc kết hợp nghe và đọc khi học từ vựng tiếng Đức là gì?
(Photo by Konstantin Dyadyun on Unsplash)

Khi đọc sách hay báo có kèm cả file nghe, bạn có thể ngay lập tức nhận biết rồi học cách phát âm của những từ mới tại chỗ. Cũng giống như việc dùng ngữ cảnh phía trên, kiến thức được não tiếp nhận bằng cách tạo sự liên kết giữa cái mới và cái cũ, từ đó hình thành nên mạng lưới trí nhớ của mỗi người. Tức là càng nhiều kết nối, kiến thức càng bền. Việc thấy một từ, nghe nó rồi phát âm lại dẫn tới 3 cơ hội tiếp xúc với từ ấy thay vì 1. Nhờ vậy nâng cao tỷ lệ nhớ, cũng như luyện được nhiều khía cạnh ngôn ngữ cùng một lúc hơn.

Ngược lại cũng thế, khi xem phim Đức, nghe nhạc hay podcast mà không bật phụ đề thì nhiều từ có thể không nghe ra, bị lướt qua và chẳng còn đọng lại gì cả. Nhưng khi vừa nghe vừa đọc thì não có thể dễ dàng gắn âm của một từ với cách viết của từ ấy để tạo nhiều sự kết nối hơn trong quá trình học từ vựng tiếng Đức. Đó là lý do mà mình thấy việc xem những kênh Youtube hay xem phim Netflix có phụ đề Đức hỗ trợ rất nhiều trong quá trình học tiếng, vừa biết thêm gì đó thú vị vừa củng cố vốn từ.

Đọc tiếp: 12 cách tự học tiếng Đức hiệu quả

3. Học từ vựng tiếng Đức trong những chủ đề mình quan tâm

Mỗi chúng ta đều học tiếng với một mục tiêu nào đó, có thể là du học, du học nghề, đi làm, đoàn tụ gia đình hay chỉ đơn giản là yêu thích ngôn ngữ này. Với mỗi hướng đi ấy thì ta lại cần những loại từ vựng khác nhau, không nhất thiết phải giàu vốn từ như người bản xứ liền. Học gắn liền với mục tiêu cụ thể giúp ta có động lực cũng như dễ tập trung trau dồi hơn. Đồng thời, mỗi cá nhân cũng lại có những mới quan tâm khác nhau, việc học những thứ mình thích cũng thúc đẩy hiệu quả của quá trình học từ vựng tiếng Đức này.

muc tieu hoc tu vung tieng duc
Mục tiêu học từ vựng tiếng Đức của mỗi người mỗi khác
(Photo by Estée Janssens on Unsplash)

Ví dụ như mình đang học khối T (kỹ thuật) ở Studienkolleg Hamburg thì sẽ biết đến những từ như Funktion (hàm số), Gleichung (phương trình), x-Achse (trục x), y-Achse (trục y), Zentripetalkraft (lực hướng tâm) hay Isotope (đồng vị hóa học). Vì chúng cần thiết và được dùng thường xuyên nên mình nhớ nghĩa rất kỹ. Tất nhiên là trong ngữ cảnh thông thường chúng có thể mang nghĩa khác nhé.

Hoặc mình thích lịch sử nên có theo dõi một kênh Youtube Đức có phụ đề về chủ đề trên là MrWissen2go Geschichte. Từ đó biết đến những từ như Geschichte (lịch sử), Weltkrieg (thế chiến), Ära (thời kỳ) hay die Vereinten Nation (Liên Hiệp Quốc). Bình thường những từ vựng tiếng Đức như thế có phần khô khan, nhưng khi nằm trong chủ đề mình thích thì lại khác: việc hấp thụ chúng dễ và tự nhiên hơn rất nhiều. Các bạn có thể tham khảo danh sách một số kênh Youtube hay mình từng viết để xem có chủ đề bạn thích không nhé.

Đọc tiếp: Studium in Deutschland – Học đại học tại Đức

4. Dán từ vựng tiếng Đức lên những đồ vật xung quanh

Cách này có vẻ hơi… cổ điển, tuy nhiên hiệu quả của nó thì vẫn còn ở đấy. Khi sang Đức rồi mình mới nhận ra bản thân chẳng còn nhớ mấy từ vựng về đồ vật trong nhà, dù đã học rất kỹ từ A1-A2 rồi. Lúc cần nhờ bạn lấy gì để toàn bị bí từ, phải chỉ thẳng vô vật ấy rồi bảo “cái này”, “cái kia” chứ không nói thẳng ra tên gọi của nó được.

Lý do to bự của chuyện quên ấy chính là việc không được sử dụng thường xuyên. Ngôn ngữ cũng là một kỹ năng, không dùng thì mất, mà khi học lên cao thì chẳng gặp lại những từ ấy bao nhiêu. Thế nên việc dán từ vựng vào đồ dùng hay đổi ngôn ngữ thiết bị đều giúp ta có cơ hội gặp đi gặp lại một từ để không bị quên đi. Khi đã vững những từ vựng trong nhà rồi thì có thể mở rộng ra những bức ảnh chụp ngoài đường: đánh dấu từng chỗ hay hoạt động trong hình bằng tên gọi tiếng Đức của chúng. 

dan tu vung tieng duc
Dán từ vựng tiếng Đức lên đồ vật xung quanh để liên tục được nhắc nhớ
(Photo by Jo Szczepanska on Unsplash)

Khi ấy, thực tế ta đang vận dụng photographic memory (trí nhớ hình ảnh) để gọi từ vựng tiếng Đức khi cần bằng cách hình dung khung cảnh, hình ảnh của nó. Việc ngày càng nhiều lớp học, công ty áp dụng trình chiếu hay sự lên ngôi của định dạng video đã chứng minh tầm quan trọng của loại trí nhớ trực quan này.

Đọc tiếp: Học tiếng Đức cơ bản cùng Busuu

5. Suy nghĩ bằng tiếng Đức

Nãy giờ mình có nhắc nhiều đến sự kết nốitính lặp đi lặp lại khi học từ vựng tiếng Đức, và việc suy nghĩ bằng ngôn ngữ đang học mang cả hai yếu tố trên. Khi suy nghĩ về một vấn đề cụ thể chính là lúc bạn đang tạo ngữ cảnh phù hợp: não có cơ hội tạo mối liên kết giữa từ này với từ khác, rồi gắn chúng vào một tình huống cụ thể.

Một mạng lưới liên kết như thế giúp việc gợi nhớ một từ vựng khi cần dùng dễ dàng hơn nhiều so với khi chúng đứng riêng lẻ. Đồng thời, suy nghĩ bằng tiếng Đức cũng giúp tần suất sử dụng một từ cụ thể tăng lên và dẫn tới tỷ lệ ở lại trong đầu cao hơn.

Đây là một hoạt động không hề đơn giản vì chúng ta thường quen với việc tư duy bằng ngôn ngữ mình tốt nhất. Thế nên trong thời gian đầu sẽ cần rất nhiều sự luyện tập chủ động: cố ý hướng não suy nghĩ bằng tiếng Đức mỗi khi có thể, bắt đầu từ những thứ đơn giản nhất như mô tả ngày hôm nay làm gì, thời tiết ra sao hay cảnh vật xung quanh thế nào.

Sau đó lại nâng cao dần tới những chủ đề phức tạp hơn, dùng nhiều từ vựng mới được học hơn. Cứ liên tục như vậy dần dần não sẽ quen và đôi khi tự động suy nghĩ bằng ngôn ngữ mới luôn.

ket noi tu vung tieng duc
Sự kết nối giữa các từ vựng tiếng Đức giúp việc nhớ chúng dễ dàng hơn
(Photo by Alina Grubnyak on Unsplash)

Ngoài ra, việc tham gia CLB tiếng Đức cũng thúc đẩy quá trình ấy, bởi khi ấy bạn bắt buộc phải dùng ngôn ngữ này, không còn dựa vào tiếng mẹ đẻ được nữa. Lúc bị “dồn vào chân tường” thế này, não sẽ bắt đầu tìm cách thích nghi với môi trường mới và điều chỉnh lại hướng suy nghĩ. Bản thân mình sau 3 tiếng tham gia CLB hay 4 tiếng học cực lực tại lớp thì sau đó cũng thường tiếp tục nghĩ mọi thứ trong đầu bằng tiếng Đức luôn, vài tiếng sau mới chuyển về lại trạng thái mặc định là tiếng Việt.

Với trải nghiệm cá nhân với cả tiếng Đức lẫn tiếng Anh, khi bắt đầu suy nghĩ bằng ngôn ngữ mới rồi thì nó như “điểm bùng phát” của mình vậy: từ đó về sau cảm quan ngôn ngữ, độ nhạy ngôn từ và sự thoải mái trong giao tiếp đều phát triển cực nhanh so với thời kỳ trước. Tất nhiên là để luyện được chuyện ấy thì không phải dễ, nhưng kết quả đạt được lại rất xứng đáng với công sức bỏ ra.

Đọc tiếp: Du học Đức: Thích nghi với môi trường sống mới

Kết

Qua bài viết hôm nay, mình chia sẻ 5 cách giúp nhớ từ vựng tiếng Đức lâu bền hơn mà mình thấy hiệu quả hoặc từng tự mình thử. Từ đó, hi vọng có thể mang đến một số ý tưởng về cách luyện từ mới cho mọi người, nếu cách nào phù hợp thì có thể gắn bó lâu dài. Bởi vốn từ không bao giờ là đủ cả, mình luôn luôn phải học hỏi cập nhật cũng như sử dụng thường xuyên, không chỉ với tiếng Đức mà thậm chí cả với tiếng mẹ đẻ nữa.


Leave a Comment