5 cơ hội mua sắm siêu tiết kiệm cho sinh viên du học Đức
Để chuẩn bị hành trang lên đường du học Đức, chúng ta đã phải tốn kha khá tiền để mua sắm đồ mang theo và vé máy bay. Đây không phải là con số cuối cùng vì số tiền bạn phải chi phí trong những ngày đầu mới đến Đức vẫn còn nhiều, chẳng hạn như tiền nhà, mua sắm quần áo đồ gia dụng cho căn hộ mới, vân vân.
Vậy làm sao để mua sắm được những món đồ ưng ý, chất lượng ổn với giá tiết kiệm hết sức khi du học Đức?
Hai bài học kinh nghiệm quan trọng nhất trong mua sắm của mình trong thời gian du học Đức:
- Không bao giờ mua hàng mới, nghĩa là hàng mới bày lên kệ theo mùa. Hãy kiên nhẫn đợi những đợt giảm giá. Mình chỉ mua khi thực sự cần thiết vì số lượng đợt giảm giá ở Đức nhiều vô số, khoảng 2 hoặc 3 tháng là có một đợt. Hoặc đợt giảm giá cuối năm diễn ra liên tục từ tháng 10 tới tháng 12.
- Mua hàng đã qua sử dụng (second hand hoặc gebraucht). Người Đức có xu hướng thay đổi vật dụng trong nhà theo tính năng mới, kích cỡ hoặc đơn giản là vì chuyển nhà (một việc xảy ra thường xuyên đối với người Đức). Vì những lý do trên, họ thường bán lại những món đồ đang sử dụng mặc dù mới mua được vài tháng hoặc sử dụng vài lần và thấy không thích nữa.
Đồ đã qua sử dụng bên Đức chất lượng thường không thua gì đồ mới, vì người Đức giữ gìn đồ đạc rất tốt.
Các cơ hội để mua đồ giảm giá ở Đức:
1. Giảm giá xả kho hàng theo mùa ở Đức
Đức có bốn mùa xuân hạ thu đông. Quần áo giày dép vì vậy cũng được bán theo mùa. Khi trời chuyển mùa, hầu như các shop đều giảm giá để xả kho và có chỗ trống nhập đồ phù hợp cho mùa sắp sang.
Vì vậy, một năm thường có 4 mùa giảm giá chính. Mỗi mùa cách nhau khoảng hai hoặc ba tháng. Giá giảm có thể dao động từ 30% tới 70% trên một món hàng.
Điều quan trọng là người Đức không chạy theo thời trang nhiều. Các mặt hàng quần áo giày dép của mỗi mùa đều giống của mùa trước, chỉ có một vài thiết kế mới. Vì vậy, nếu bạn có lỡ đợt giảm giá để mua cái áo yêu thích, bạn có thể đợi tới đợt giảm giá năm sau.

https://www.dw.com/en/weak-christmas-sales-weigh-on-german-retail-revenue-in-2013/a-17398171
2. Giảm giá đợt Christmas và năm mới
Cũng như VN, người Đức cũng tất bật mua sắm đồ dùng quà cáp nhân dịp năm mới. Vì vậy, đây là đợt giảm giá kinh khủng nhất trong năm, áp dụng cho tất cả các mặt hàng.
Mình thường đợi dịp này để đi mua sắm vì khắp nơi toàn đồ thú vị với nhiều ưu đãi.
3. Amazon prime day
Amazon chắc không ai là không biết. Đây là trang web bán hàng online khá nổi tiếng trên thế giới.
Thông thường, Amazon cũng có các đợt giảm giá nhỏ lẻ hoặc giảm giá lớn vào đợt black Friday và những đợt lễ lớn cuối năm. Mình mua được khá nhiều đồ với giá siêu rẻ vào dịp Giáng Sinh và Năm mới.
Ngoài ra, các bạn có thể đăng ký làm prime member của amazon. Quyền lợi của prime member là xem phim và nghe nhạc online; giảm giá, miễn phí dịch vụ giao hàng và thời gian giao hàng nhanh hơn khi đặt hàng trên trang web.
Ngoài ra, Amazon có đợt giảm giá khủng hàng năm vào tháng 10 dành cho các prime members, gọi là prime day (thông tin chính xác ngày giảm giá các bạn có thể tìm trên google hoặc web). Giá giảm từ khoảng 25% tới 70%.
Là sinh viên du học Đức, các bạn có thể đăng ký gói prime member dành cho sinh viên để được giảm giá thành viên.

https://www.t-online.de/ratgeber/id_88710718/prime-day-2020-diese-schnaeppchen-highlights-sind-bei-amazon-immer-noch-reduziert.html
4. Black Friday
Black Friday là một ngày hội mua sắm có nguồn gốc từ Mỹ. Black Friday ở Đức không giảm giá khủng như so với ở Mỹ. Các bạn sẽ không phải đi từ mấy tuần mấy ngày trước để cắm trại nằm chờ mua hàng ^^.
Tuy nhiên, trong dịp này giá của các mặt hàng điện tử cũng được giảm khá nhiều. Đây là thời điểm thích hợp cho các bạn đầu tư mua đồ điện tử chẳng hạn như laptop, kindle, đồ gia dụng dùng trong nhà, vân vân.
Đức có hai siêu thị lớn để mua sắm đồ điện tử là Media markt và Saturn. Về mặt hình thức thì đây là hai siêu thị khác nhau với tên các nhau chuyên bán đồ điện tử. Tuy nhiên, đây thực ra là siêu thị điện tử của cùng một công ty với hai cách bán hàng khác nhau. Media markt chuyên bán online hoặc đặt của hàng nằm xa trung tâm. Trong khi đó, cửa hàng của Saturn luôn nằm trong trung tâm thành phố.
Một kinh nghiệm mua sắm nhỏ của mình là mình thường đến các cửa hàng của Saturn để có dịp xem tận mắt thử tận tay món hàng ưa thích. Sau đó, mình so sánh giá của món hàng đã chọn với giá bán trên website của media markt hoặc một số web khác như Amazon hoặc Ebay để chọn được nơi bán có giá tốt nhất. Thường giá bán của Media markt sẽ rẻ hơn của Saturn do họ trả ít chi phí thuê mặt bằng và nhân viên dịch vụ tại cửa hàng.

https://www.blackfriday.de/
5. Ebay klein anzeige _ nơi mua bán trao đổi đồ của cá nhân người tiêu dùng
Ebay klein Anzeige có cả app trên điện thoại và website. Để mua bán đồ, bạn chỉ cần tạo một tài khoản riêng.
Đây là nơi chuyên mua bán, trao đổi, tặng lại đồ cũ của người Đức với nhau. Mình thường tìm mua đồ second hand trên trang này. Giá của các món đồ khá rẻ mặc dù chất lượng thì không khác gì đồ mới hoặc tốt không chê được.
Khi mua ở trang này, mình có quyền hỏi để tới xem hàng xem có như ý muốn không, rồi quyết định mua hoặc từ chối. Việc trả tiền được thực hiện tại chỗ bằng tiền mặt. Ngoài ra, mình cũng có thể hỏi xem có được giảm giá thêm chút ít so với giá đăng trên web.
Cách đây 3 tháng, mình mua cái máy làm mì sợi chỉ có 10 eur, so với giá máy mới là khoảng 30 eur trở lên. Máy còn khá tốt nhưng chủ cũ bán vì họ muốn mua máy nhiều chức năng hơn.
Cách đây 1 tuần mình cũng mới tìm được một chiếc xe đạp second hand cho một bạn sinh viên mới qua Đức. Giá trên app là 95 eur nhưng mình được giảm còn 80 eur. Xe còn rất tốt, nếu mua ở ngoài cửa hàng xe đạp thì khoảng tầm 150 eur.
Tuy nhiên, cũng có nhiều vụ lừa đảo xảy ra đối với những vụ mua bán có giá trị cao (> 200 eur). Các bạn cần cảnh giác nếu người mua hoặc người bán kêu chuyển tiền hoặc chuyển hàng trước.
Kết
Trên đây là vài kinh nghiệm của mình về mua sắm ở Đức. Sống ở Đức, mình cứ theo phương châm của họ là chậm mà chắc. Mình hy vọng với những tipp mua sắm này, các bạn sẽ có một góc nhìn khác để cân nhắc và mua sắm được những món đồ tốt phù hợp với túi tiền trong thời gian du học Đức.