5 ngữ pháp tiếng Đức cơ bản cần biết
Ngữ pháp của ngôn ngữ gốc Latin như tiếng Đức đều thường “khó nhằn” với nhiều quy tắc chặt chẽ, nhiều yếu tố cần nhớ để có thể sử dụng chính xác. Đấy chính là lý do nhiều học viên tiếng Đức thường “than trời”, cũng như nhiều bạn chưa thử thì ngại không dám chọn.
Nhưng thực ra mỗi thứ tiếng đều có đặc trưng khó và dễ riêng, như tiếng Việt thì phát âm và cách dùng từ lại khá khó với người ngoài. Thế nên hôm nay mình sẽ đi qua 5 ngữ pháp tiếng Đức cơ bản cần biết để các bạn có một cái nhìn đầu tiên về “cách tư duy” của ngôn ngữ này nhé.
Tổng quan
Ngữ pháp tiếng Đức 1: Danh từ luôn được viết hoa
Nghe lạ lạ đúng không? Thường chỉ có địa danh hay tên riêng mới phải viết hoa thôi chứ? Học tiếng Anh tiếng Pháp cũng có thấy người ta viết hoa gì đâu? Tự dưng viết hoa chi cho mất công vậy?
Lúc mới bắt đầu học tiếng Đức A1 mình cũng thấy hơi khó hiểu nhưng thôi kệ, cứ biết vậy rồi theo là được. Thế rồi gần đây khi học ở Dự bị Đại học Hamburg, thầy tiếng Đức của mình (một nhà khoa học ngôn ngữ) có giải thích rằng việc viết hoa danh từ như thế giúp cho quá trình đọc nhanh và hiệu quả hơn, khi mà não không phải bỏ công sức phân biệt cái nào là danh từ, cái nào là động từ, tính từ các kiểu nữa.
(Photo by Christian Lue on Unsplash)
Theo trải nghiệm cá nhân của mình thì đúng thế thật, lúc đọc cuốn Sapiens: Lược sử loài người của Yuval Noah Harari bằng tiếng Đức (Eine kurze Geschichte der Menschheit) thì mình cực kỳ thấy dễ nắm bắt ý chính và hiểu nội dung được viết so với lúc đọc bằng tiếng Anh. Việc kết hợp giữa viết hoa danh từ và lối viết cô đọng thông tin thật sự hỗ trợ rất nhiều khi tham khảo tài liệu khoa học, đặc biệt là với khối lượng lớn như khi học Đại học hay nghiên cứu.
Ví dụ:
- Mein Raum ist nicht so groß. (Phòng tôi không lớn lắm.)
- Ich jogge in dem Park. (Tôi chạy bộ trong công viên.)
- Ein Schüler liest gerade ein Buch. (Một bạn học sinh đang đọc sách.)
Đọc tiếp: Có nên tự học tiếng Đức A1 không?
Ngữ pháp tiếng Đức 2: Danh từ mang giống
Khác với tiếng Anh, mỗi danh từ tiếng Đức sẽ có giống riêng, cụ thể là đực (der), cái (die) hoặc trung (das). Chẳng hạn như: der Hund (con chó), die Katze (con mèo), das Café (quán cà phê). Trừ một số đuôi từ có thể giúp bạn phân biệt từng giống nào thì phần lớn những từ khác bạn buộc phải học thuộc và thấm dần sau khi dùng đủ nhiều.

Những danh từ chỉ vị trí công việc cũng được chia khá dễ nhớ, chẳng hạn như:
- Die Lehrerin (giáo viên nữ) / Der Lehrer (giáo viên nam)
- Die Studentin (sinh viên nữ) / Der Student (sinh viên nam)
- Die Bankkauffrau (nữ nhân viên ngân hàng) / Der Bankkaufmann (nam nhân viên ngân hàng)
Ngoài ra, nhiều danh từ mượn từ tiếng Anh sẽ mang giống trung: das Smartphone, das Radio hay das Internet.
Việc nắm vững giống danh từ ngay khi bắt đầu học là cực kỳ quan trọng, bởi nó còn ảnh hưởng đến nhiều vấn đề ngữ pháp tiếng Đức khác sau này như chọn đúng đại từ, chia theo cách hoặc chia đuôi tính từ. Dù chỉ là yếu tố cơ bản, dễ học (nhưng khó thuộc) thôi nhưng giống lại đóng vai trò chủ chốt khi dùng tiếng Đức. Một khi nó không chuẩn thì những thứ khác có hay đến mấy cũng chẳng còn ý nghĩa gì.
Đọc tiếp: Học tiếng Đức có khó không?
Ngữ pháp tiếng Đức 3: Danh từ số nhiều có nhiều đuôi khác nhau
Nếu như từng tiếp xúc qua tiếng Anh thì bạn biết rằng danh từ số nhiều thường được thêm đuôi s hoặc es, trừ một số trường hợp hiếm hoi đặc biệt. Thế nhưng tiếng Đức thì không chỉ có hai đuôi thôi:
- Đuôi -e: der Tisch → die Tische (bàn), die Hand → die Hände (tay), das Tier → die Tiere (động vật).
- Đuôi -(e)n: der Autor → die Autoren (tác giả), der Name → die Namen (tên), das Bett → die Betten (giường).
- Đuôi -er: das Buch → die Bücher (sách), der Mann → die Männer (đàn ông), das Wort → die Wörter (từ).
- Đuôi -s: der Park → die Parks (công viên), die Kamera → die Kameras (máy chụp hình), das Sofa → die Sofas (ghế sofa).
- Giữ nguyên: der Physiker → die Physiker (nhà vật lý), das Viertel → die Viertel (phần tư/ khu vực).
- Thêm Umlaut (2 dấu chấm trên nguyên âm a, o, u và sẽ phát âm khác đi): der Bruder → die Brüder (anh/ em trai), der Apfel → die Äpfel (táo).
Việc học danh từ số nhiều thật chất không khó, sau khi luyện và dùng đủ nhiều thì bạn sẽ thấy được mỗi đuôi đều sẽ có quy tắc thêm nhất định (tất nhiên luôn có ngoại lệ). Một khi đã hình thành được cảm quan ngôn ngữ như thế rồi thì dù gặp từ mới bạn vẫn biết cách chia chính xác.
Đọc tiếp: Từ A đến Z kinh nghiệm học tiếng Đức A1-B2
Ngữ pháp tiếng Đức 4: Động từ thường đứng ở vị trí thứ hai
Động từ tiếng Đức khá là cứng đầu, lúc nào cũng chỉ muốn đứng một chỗ thôi: cụ thể là vị trí thứ hai trong câu (sau chủ ngữ trong câu bình thường, sau yếu tố chính trong câu đảo ngữ). Ví dụ nhé:
- Meine Freunde und ich / lernen / heute / Deutsch. (Hôm nay tôi và các bạn học tiếng Đức.)
- Heute / lernen / meine Freunde und ich / Deutsch. (Đảo ngữ, yếu tố thời gian lên trước để được nhấn mạnh)
Mỗi thành phần trong câu tiếng Đức có một vị trí đứng. Như động từ thường ở vị trí thứ hai không có nghĩa là từ thứ hai của câu, mà là ngay sau vị trí thứ nhất (có thể ngắn như “heute” mà cũng có thể dài như “meine Freunde und ich”).
(Photo by Álvaro Serrano on Unsplash)
Trong những trường hợp đặc biệt như câu hỏi, câu cầu khiến hay câu phụ thì động từ sẽ có vị trí đứng khác đi. Nhưng đấy là những chủ đề bạn sẽ đào sâu hơn sau này, còn bây giờ mình chỉ giới thiệu những vấn đề ngữ pháp tiếng Đức cơ bản (nhưng vẫn cực kỳ quan trọng) mà thôi.
Đọc tiếp: Học tiếng Đức cơ bản cùng Busuu
Ngữ pháp tiếng Đức 5: Đại từ “bạn” trang trọng (Sie)
Số lượng đại từ ngôi thứ hai trong tiếng Việt rất lớn (anh, chị, em, ông, cháu, cô, dì, chú, bác, tớ, cậu,…) và từ đó hầu như có thể ngay lập tức thể hiện mối quan hệ giữa những người nói. Nhưng phần lớn ngôn ngữ châu Âu thì khác, như tiếng Anh chỉ có mỗi you để dùng trong mọi tình huống hội thoại, mà cũng không phân biệt gần gũi hay trang trọng. Còn một số ngôn ngữ khác như tiếng Pháp hay tiếng Đức lại có sự phân biệt ấy.
Trong tiếng Đức, du thể hiện mối quan hệ gần gũi (với bạn bè, gia đình, người trẻ với nhau) và Sie thể hiện mối quan hệ trang trọng (với người lớn tuổi, đồng nghiệp, giáo viên hay người lạ chẳng hạn). Từ sự khác biệt ấy lại dẫn đến sự khác biệt khi chia động từ: Sie được chia giống với đại từ ngôi thứ ba số nhiều sie (không viết hoa), còn du chia đuôi riêng, ví dụ như:
- essen (ăn): du isst / Sie essen / sie essen
- arbeiten (làm việc): du arbeitest / Sie arbeiten / sie arbeiten
- schlafen (ngủ): du schläfst / Sie schlafen / sie schlafen
Đây là một điểm kiến thức quan trọng khi giao tiếp với người Đức, dù bạn học tiếng với bất kỳ mục đích gì. Bởi sẽ rất khiếm nhã khi dùng du với người lạ mặt lớn tuổi hay ở cơ quan nhà nước. Ngược lại sẽ khá xa cách và nghe không tự nhiên khi dùng Sie với bạn bè, người nhà, người yêu.
Đọc tiếp: Kết bạn với người Đức
Kết
Như vậy, ta có thể thấy rằng ngữ pháp tiếng Đức có khá nhiều quy tắc phải nhớ để áp dụng chuẩn xác, cũng như hiểu rõ những gì mình đọc, nghe. Tuy nhiên, một lợi điểm là tuy nhiều nhưng vẫn khá là logic và quy tắc, thế nên nếu dành thời gian học bài bản thì vẫn có thể nắm chắc được.
Cá nhân mình khi nói chuẩn ngữ pháp cũng cảm thấy tự tin hơn rất nhiều, đối phương nghe xong sẽ đánh giá cao khả năng ngôn ngữ của mình hơn (dù nói chưa chuẩn đôi lúc họ vẫn sẽ hiểu nhưng nghe lại không thuận tai). Thế nên, mình tin rằng mỗi người khi học nên dành đủ sự tập trung để vững ngữ pháp tiếng Đức ngay từ những kiến thức cơ bản nhất, như thế thì lên cao sẽ thuận tiện hơn nhiều.