An toàn khi tham gia giao thông ở Đức
Bài học về luật an toàn giao thông đầu tiên mình được học là khi còn học lớp một ở bậc tiểu học. Cả một lũ học sinh ngồi trong một hậu trường to, trên sân khấu các cô các chú mặc đồ hoá trang thành cảnh sát, đèn giao thông, ô tô, xe máy,... để diễn kịch về cách ra đường giao thông an toàn. Cả buổi hôm đấy, học sinh cười phớ lớ và mỗi lớp được phát mấy cái quyển luật giao thông màu xanh da trời mang về. Vì trước đây chưa biết đọc nên các bạn chỉ biết nhìn nhau nhoẻn miệng cười.
Nhiều người tham gia giao thông ở Việt Nam vẫn hay coi đèn đỏ chỉ là một màu sắc, họ vẫn lượn lách, vượt lên vỉa hè, thậm chí đè lên cả các vạch kẻ trắng cho người đi bộ ở trên đường. Các chú cảnh sát nhiều khi cũng đến là bó tay, mà bắt chả lẽ bắt hết. Ở Đức thì luật giao thông được tuân thủ hơn nhiều, trong khi chẳng có chú cảnh sát nào giám sát ở mỗi trạm dừng đèn đỏ cả.
Trong bài viết này, mình sẽ kể về cách một người khi tham gia giao thông ở Đức như thể nào để đảm bảo an toàn cho chính họ và những người khác nhé.
1. Ưu tiên bên phải và vượt bên trái:
Đây cũng là bài học mình được dạy trong một giờ giáo dục công dân ở Việt Nam.
Trên đường lúc nào cũng được chia làm hai làn cho xe chạy. Khi xe muốn rẽ trái thì sẽ phải chuyển bánh lái để đưa xe sang bên tay trái, để lúc xong không phải xuyên qua một toán “mũi tên đang phi lên” từ phải qua trái để rẽ. Khi vượt như vậy, hay vượt sang bên tay trái của người lái trước, và đồng thời người phía trước sẽ nhường cho bạn.
Ngoài ra các phương tiện đi từ bên tay phải lúc nào cũng sẽ được ưu tiên cho qua trước.
2. Đường xe đạp:
Ở Việt Nam, xe đạp đồng hành song song cùng xe máy, ô tô, xe bus, và long rong trên các mặt đường. Bàn về số lượng xe máy ở Đức thì không có nhiều. Người Đức không đi xe máy nhiều như người Việt Nam, nên trên đường chỉ có hầu như toàn ô tô, tàu, xe bus và xe đạp.
Các chuyến tàu thì đã được ưu tiên cho những đường ray xuyên qua khắp thành phố. Giờ chỉ còn ô tô, bus và xe đạp chia nhau những con đường.
Nếu tính trung bình vận tốc của ô tô và xe đạp, dù cho những người dốt toán lắm như mình thì cũng thấy sự chênh lệch rất lớn giữa hai phương tiện này. Cả hai đều muốn tự đi trên con đường của riêng mình và không đụng chạm đến người khác.
(Photo by David Marcu on Unsplash)
Hiểu được tâm lý ấy, người Đức đã quyết định ưu tiên phần đường ấy hoàn toàn cho ô tô và xe bus. Vậy còn xe đạp thì sao? Với tốc độ không mấy nhanh của xe đạp, chúng được phân chia đường đi trên vỉa hè, song song với người đi bộ.
Các đường đi cho xe đạp sẽ được phủ một lớp màu đỏ, để những người đi bộ với tốc độ còn chậm hơn sẽ không làm “kỳ đà cản mũi” các chú xe đạp đang phì vù vù trên con đường riêng của mình.
Thế là ai cũng có đường đi riêng của nhau, không ai “chúi mũi” vào việc của người khác. Nhiệm vụ hoàn thành!
3. Đèn giao thông:
Đường sá không phải lúc nào cũng chỉ dành cho một hướng xe đi tới, mà còn có các ngã ba, ngã tư. Để đảm bảo không có tai nạn xảy ra, các chú đèn giao thông được chế tạo ra. Chú có 3 màu sắc rất nổi bật, mỗi màu lại mang một ý nghĩa riêng.
Màu đỏ ra hiệu “dừng lại”, màu xanh thúc giục mọi người “đi đi” còn chú màu vàng vẫn hay bị phân vân giữa việc nhắc nhở “đi chậm lại” (vì anh đỏ sắp hiện lên) hay “đi nhanh lên” (vì anh xanh sắp hết rồi).
Nếu ở Việt Nam, các chú đèn giao thông vẫn hay bị bỏ lơ, vì chả hiểu sao đang đỏ mà các anh xe máy đã nhau nhảu vượt rồi, thì ở Đức các chú lại có một uy lực vĩ đại luôn.
Đánh vào tâm lý phạt tiền, cứ mỗi lần mà đang đèn đỏ mà xe vẫn cố vươn lên vượt qua vạch một tí thôi, là y như rằng hôm sau sẽ thấy thư báo phạt tiền về. Nếu mà vẫn cố vượt thật thì số tiền còn lên cao hơn nữa.
Ở Đức mà vẫn cứ thong dong rẽ phải khi đèn đỏ là cũng bị gửi phiếu phạt tiền về đấy. Mình thì không đi ô tô nhưng thấy các chú ô tô dừng lại đúng luật là đã cảm thấy kì diệu hơn hồi ở Việt Nam rồi.
4. Tốc độ:
Trước khi đến Đức, nghe mọi người kể là ở Đức có thể phóng ô tô mà không giới hạn tốc độ, mình cứ tưởng tượng đến người Đức ai cũng giống cái anh trong phim “Ma tốc độ”, mà cứ phi thế thì người tóe lửa ra mất à?
(Photo by Ed 259 on Unsplash)
Nhưng sự thật là việc lái xe “phi” tốc độ như thế chỉ được phép đi trên đường cao tốc (Autobahn) thôi. Có rất nhiều các ô tô từ các nước khác muốn được một lần thử đua với tốc độ như vậy nên đã lái đến đường cao tốc của Đức để thử rồi sau đó quay về nước.
Tuy nhiên, ngoài đường cao tốc ra, trên đường đi học, đi làm, đi chơi trong thành phố, tốc độ có bị hạn chế, cụ thể là:
- Trong khu dân cư: tối đa 50km/h
- Ngoài khu dân cư: tối đa 100km/h
5. Dây an toàn:
(Photo by Milan De Clercq on Unsplash)
Mình ghét dây an toàn lắm vì ngồi cứ bị bó sát vào ghế và không cử động thoải mái được. Thế nhưng ở Đức khi đi ô tô có một điều mình còn ghét hơn, đó là nếu mà ai đó không cài dây an toàn, thì ô tô sẽ cảnh báo: “Cài dây an toàn vào đi nhé” (Bitte schnallen Sie sich an!). Sau đó nếu bạn vẫn không chịu cài thì ô tô sẽ vang lên âm thanh “tít…tít” rất khó chịu.
Đúng vậy, ô tô sẽ biết khi nào bạn chưa cài dây an toàn và sẽ “trừng phạt” vì bạn không nghĩ đến sự an toàn của chính bạn đấy. Nên hãy nhớ cài dây vào nha!
6. Vạch kẻ trắng trên đường:
Yeah, cuối cùng mình cũng biết vạch trắng đấy để làm gì. Ở Việt Nam mình vẫn hay thắc mắc là sao họ không vẽ hình gì khác đẹp hơn nếu như những vạch ấy chỉ để trang trí đường thôi. Ngoài ra, mỗi khi xe đi qua các vạch ấy, lại có một đoạn bị rung nhẹ mà nếu đưa tay cho lên mồm “aaaaa” thì sẽ có tiếng âm rất hay.
(Photo by Steve Long on Unsplash)
Ở Đức, các vạch kẻ này thật sự đã phát huy tác dụng, vì ở bất cứ nơi đâu, bất cứ chỗ nào, có người đi bộ nào muốn đi qua vạch kẻ này, tất cả các chú ô tô phải dừng lại, dù có lâu thế nào đi chăng nữa.
Mỗi lần đi qua vạch này ở Đức, mình lại cảm thấy mình thật quyền lực. Không biết người nước ngoài sang du lịch Việt Nam mà cũng chờ mòn mỏi để được sang đường sẽ thấy như thế nào nhỉ?
7. Còi xe:
Nếu ở Việt Nam tiếng còi xe đã trở nên quá quen thuộc, nó đi vào trong cả bài hát (“Còi” – Dalab) thì tiếng còi ở Đức lại được hạn chế đến mức tối đa. Mỗi lần tiếng còi vang lên, người “bị còi” có thể giật mình và mất tay lái mất.
Ở Đức mọi người ít khi bấm còi lắm. Thường là còi sẽ báo tin là bạn hoặc người nào đó đang gặp nguy hiểm để họ giật mình rồi tránh ra.
Ví dụ khi bạn đang đi qua đường đeo tai nghe trong khi tàu đang từ phía xa lao nhanh đấy chẳng hạn. Nếu mà bạn bấm còi xe để thúc giục một xe đi trước khi đèn xanh mà họ chưa đi cũng là bị cấm luôn.
Để biết rõ hơn về các vi phạm giao thông và mức tiền phạt, các bạn có thể xem rõ hơn ở link này: www.bussgeldkatalog.de
Chúc các bạn tham gia giao thông an toàn, chậm rãi và không bị phạt!