Những loại bảo hiểm mà du học sinh tại Đức nên biết
Đối với du học sinh tại Đức, ngoài bảo hiểm bắt buộc là bảo hiểm y tế (Krankenversicherung), còn có nhiều gói bảo hiểm khác nhau mà có thể bạn đã từng nghe nhưng chưa bao giờ sử dụng hoặc bạn chưa bao giờ nghe hoặc nghĩ tới. Tuy nhiên, ở điểm này mình rất hâm mộ khả năng tư duy và kiếm tiền của người Đức.
Dưới đây mình sẽ giới thiệu với các bạn một vài gói bảo hiểm mình đang sử dụng, đã từng nghe nhưng chưa bao giờ sử dụng.
Tổng quan
Bảo hiểm du lịch – Reiseversicherung
Thẻ bảo hiểm y tế của Đức sử dụng được khi các bạn đi du lịch ở các nước thuộc khối Châu Âu và một vài nước ngoài khối châu Âu. Tuy nhiên, chi tiết nước nào nằm ngoài khối châu Âu mà vẫn được sử dụng thẻ bảo hiểm y tế của Đức thì các bạn phải lên website hoặc liên hệ công ty bảo hiểm để hỏi trước khi các bạn thực hiện chuyến đi.
Trong trường hợp của mình, mỗi năm mình đều về Việt Nam và có khi đi du lịch tới các nước khác ngoài khối châu Âu. Vì vậy, mình đã quyết định mua riêng một gói bảo hiểm du lịch của Mawista, một gói bảo hiểm được giới thiệu qua dịch vụ bảo hiểm y tế của mình, TK Krankenversicherung.
Đối với gói bảo hiểm này, mỗi năm bạn chỉ phải trả khoảng 9 euro, nhưng ngược lại bạn có cảm giác an toàn cho mỗi chuyến đi.
(Photo by Artem Beliaikin on Unsplash)
Bảo hiểm tai nạn trong quá trình đi học làm việc ở trường đại học của du học sinh tại Đức
Đây là loại bảo hiểm dành cho sinh viên khi đi lại từ nhà tới trường cũng như khi có tai nạn xảy ra trong quá trình học tập làm việc bên trong khuôn viên trường đại học.
Bảo hiểm này được tính gộp vào phí học kỳ (Semester fee) mà các bạn bắt buộc phải đóng vào mỗi kỳ.
Chi phí cho bảo hiểm này chỉ có 0,23 euro cho một học kỳ sáu tháng.
Như mình trong những ngày đầu đến Đức, mình thậm chí không hề nhận ra là mình có trả và được bảo hiểm như vậy cho đến khi nghe các bạn cùng phòng thí nghiệm đề cập tới.
Bảo hiểm trong trường hợp bạn gây hư hỏng đồ của người khác
Haftpflichtversicherung là tên tiếng Đức của loại bảo hiểm này.
Một ví dụ đơn giản là nếu bạn mượn xe đạp của một bạn khác sử dụng và bị trộm mất trong thời gian bạn mượn, thay vì bạn phải trả tiền hoặc mua xe mới đền lại cho người bạn của bạn, thì bên bảo hiểm sẽ chi trả cho tất cả chi phí này.
Một trường hợp rất hay xảy ra đối với các bạn có trí nhớ kém là quên chìa khóa nhà hoặc làm lạc mất chìa khóa. Ở Đức, hầu hết các nhà mới bây giờ nếu muốn mở cửa từ bên ngoài, bạn phải dùng chìa khóa, cho dù bạn chỉ sập cửa mà không khóa cửa.
Làm lạc mất chìa khóa là một vấn đề lớn. Nếu bạn ở ký túc xá sinh viên, chìa khóa của bạn sẽ dùng để mở cửa chính vào tòa nhà và mở cửa phòng riêng của bạn. Khi mất chìa khóa, vì vấn đề an toàn của tòa nhà, họ sẽ phải thay ổ khóa cho cửa chính và phòng bạn, cũng như làm mới chìa khóa cửa chính cho toàn bộ những người sinh sống bên trong tòa nhà đó.
Chi phí cho dịch vụ này có thể lên đến 200 hoặc 300 euro. Nếu bạn có Haftpflichtversicherung, họ sẽ chi trả chi phí cho dịch vụ này.
Đối với các bạn hơi hậu đậu và hay làm hư hỏng đồ đạc, việc đầu tư một ít tiền cho bảo hiểm này theo ý mình là nên làm. Chi phí cho gói bảo hiểm này thường không quá 10 euro.
(Photo by Ali Abdul Rahman on Unsplash)
Tiền hưu trí (Rentenversicherung)
Đối với các bạn sinh viên quốc tế, nếu các bạn xác định sẽ ở lại Đức lâu dài và muốn đổi quốc tịch Đức, các bạn có thể suy nghĩ tới lựa chọn này ngay từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường để giúp giảm bớt thời gian chờ đổi visa hoặc quốc tịch.
Theo luật pháp Đức, muốn quy đổi permanent visa hoặc nhập quốc tịch Đức, người nước ngoài phải chi trả Rentenversicherung đủ một thời gian nhất định, ít nhất là năm năm đối với sinh viên và hai năm đối với người đi làm với một mức lương đáp ứng quy định theo luật.
Thông thường, đối với người đi làm có hợp đồng làm việc, Rentenversicherung sẽ được trả theo tỉ lệ phần trăm bởi cả người làm và công ty. Tuy nhiên, đối với sinh viên, các bạn có thể hỏi công ty bảo hiểm nơi các bạn đóng Krankenversicherung để tự chi trả phần bảo hiểm này.
Việc chi trả sớm sẽ giúp bạn giảm thời gian chờ đợi để đăng ký đổi visa hoặc quốc tịch sau này.
Một số loại bảo hiểm khác
Bên cạnh các loại bảo hiểm trên, các công ty bảo hiểm còn đưa ra các gói bảo hiểm khác chẳng hạn như Hausratversicherung (bảo hiểm nội thất), Fahrradversicherung (bảo hiểm xe đạp), Handyversicherung (bảo hiểm điện thoại), Rechtsschutzversicherung (bảo hiểm chi phí pháp lý), Hundeversicherung (bảo hiểm cho chó), Unfallversicherung (bảo hiểm tai nạn) và vô số những gói bảo hiểm khác. Tuy nhiên, đây là những gói bảo hiểm không bắt buộc.
Ngoài các loại bảo hiểm trên thì ở Đức, nếu các bạn sở hữu nhà hoặc xe, các bạn sẽ phải đóng thêm bảo hiểm nhà, bảo hiểm xe, etc. và đây là bảo hiểm bắt buộc.
Kết
Trên đây mình giới thiệu với các bạn về một vài loại hình bảo hiểm bắt buộc và không bắt buộc nhưng khá phổ biến ở Đức. Mình hy vọng những thông tin này sẽ giúp các bạn dễ dàng hơn trong việc tìm hiểu và đưa ra quyết định đối với việc mua bảo hiểm trong thời gian sinh sống và học tập tại Đức.