bao-hiem-y-te-cho-du-hoc-sinh-o-duc

Bảo hiểm y tế dành cho du học sinh ở Đức

Bảo hiểm y tế (Krankenversicherung) là bảo hiểm bắt buộc cho du học sinh ở Đức. Có giấy xác nhận đăng ký bảo hiểm y tế là một trong những yêu cầu bắt buộc khi nộp hồ sơ đổi visa tại Ausländersbehörde. Việc khám chữa bệnh tại Đức được chi trả thông qua thẻ bảo hiểm y tế.

Các loại hình bảo hiểm cho du học sinh ở Đức

Ở Đức, có hai loại hình bảo hiểm y tế:

  • Bảo hiểm y tế công – Public Krankenversicherung
  • Bảo hiểm y tế tư – Private Krankenversicherung

Public Krankenversicherung phổ biến dành cho sinh viên là TK (Techniker Krankenkasse) và AOK. Riêng khu vực thành phố Münster thì TK được sử dụng bởi hầu hết sinh viên và nhân viên làm việc tại đây.

Bảo hiểm tư thì mình nghe bạn bè phàn nàn nhiều về chất lượng dịch vụ chứ không sử dụng nên cũng không biết tên các công ty này.

Khi du học sinh ở Đức nhập học có thể liên hệ International Office của trường. Tại đây, họ sẽ xem xét và giới thiệu các công ty bảo hiểm phù hợp thường được sử dụng ở thành phố bạn sinh sống.

bao hiem y te du hoc sinh o duc
International office của trường sẽ giới thiệu cho bạn các công ty bảo hiểm phù hợp thường được sử dụng ở thành phố bạn sinh sống
(Photo: https://www.stuttgarter-nachrichten.de/inhalt.aok-im-land-senkt-tk-wohl-auch-krankenkassen-pokern-um-zusatzbeitrag.594fce80-042f-4672-af69-5e6063741d8a.html)

Mức phí bảo hiểm y tế

Mức phí du học sinh ở Đức phải chi trả hàng tháng cho các công ty bảo hiểm hầu như không khác nhau nhiều. Tại đây, mức đóng bảo hiểm dựa theo tuổi và thu nhập hàng tháng bởi vì:

  • Tuổi càng cao sức khỏe càng nhiều, nguy cơ bị bệnh cũng cao hơn
  • Phí bảo hiểm theo thu nhập vì những người làm việc nhiều cũng sẽ gây hại sức khỏe nhiều hơn

Đối với sinh viên đại học thì phí sẽ thấp hơn vì các bạn không có thu nhập. Tuy nhiên, đối với sinh viên học bậc tiến sĩ (Doktorsarbeits) với mức lương từ 50% tới 65% lương sau khi tốt nghiệp, mức phí bảo hiểm sức khỏe sẽ được tính bằng 15% lương.

So sánh giữa bảo hiểm y tế công và tư

Cả hai loại bảo hiểm đều chi trả cho việc khám chữa trị các bệnh cơ bản, chi phí thuốc men, hoặc tai nạn.

Tuy nhiên, khi đi sâu vào những bệnh chuyên khoa hoặc bệnh cần được tầm soát hàng năm, chỉ có Public Krankenversicherung chi trả chi phí tầm soát hầu hết các bệnh này. Đối với Private Krankenversicherung, danh sách được chi trả tùy thuộc vào từng công ty. Bạn phải liên hệ để xem họ có chi trả không.

Ví dụ:

Đối với TK, họ có danh mục những bệnh được chi trả bởi bảo hiểm theo độ tuổi nhất định.

  • Chẳng hạn khi bạn từ 28 tuổi trở lên sẽ được tầm soát ung thư da mỗi hai năm một lần.
  • Khi bạn 30 tuổi trở lên sẽ được làm xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung mỗi sáu tháng hoặc một năm một lần.
  • Nguy cơ bệnh tiểu đường cũng được kiểm tra hàng năm

Trong bảng dưới đây mình liệt kê một số sự khác biệt đáng kể giữa Public và Private Krankenversicherung để các bạn dễ tham khảo.

Public Krankenversicherung Private Krankenversicherung
– Mức phí cao (cao hơn nhưng không cao hơn nhiều khi so sánh với Private).

– Chất lượng dịch vụ tốt hơn.

– Danh mục điều trị được chi trả bởi bảo hiểm đa dạng và chi tiết, tăng dần theo độ tuổi.

– Mọi chi trả được thực hiện trực tiếp qua thẻ bảo hiểm.
– Mức phí thấp.

– Chất lượng dịch vụ rất hên xui.

– Có sự giới hạn về danh sách bệnh được chi trả bởi bảo hiểm. Thường người dùng phải hỏi bác sĩ hoặc liên hệ công ty bảo hiểm để hỏi xem việc khám chữa trị một số bệnh đặc biệt hoặc đòi hỏi kỹ thuật đắt tiền có được chi trả hay không.

– Người sử dụng tự chi trả trước, sau đó gởi hóa đơn về cho công ty bảo hiểm để được hoàn tiền.

– Thủ tục hoàn tiền phức tạp và mất thời gian.

Chuyển đổi qua lại giữa Public và Private Krankenversicherung: nên và không nên

Đối với những du học sinh ở Đức tham dự khóa dự bị trước khi nhập học chính thức vào các trường đại học tại Đức, trong thời gian học dự bị có khả năng các bạn sẽ không đăng ký được Public Krankenversicherung. Trong thời gian này, các bạn sẽ tạm sử dụng Private Krankenversicherung.

Đối với các bạn trên 30 tuổi, việc đăng ký Public Krankenversicherung cũng bị giới hạn. Các bạn nên cố gắng tìm hiểu để xem có cơ hội hay không trước khi từ bỏ ý định và chuyển qua dùng Private Krankenversicherung.

  • Ngay khi nhập học chính thức bậc đại học, các bạn có thể đăng ký chuyển qua dùng Public Krankenversicherung, lúc này các bạn nên xin chuyển ngay càng sớm càng tốt.
  • Không nên chuyển lại về Private Krankenversicherung một khi các bạn đã có Public Krankenversicherung. Bởi vì một khi bạn đã chuyển từ Public sang Private, Public Krankanversicherung thường sẽ từ chối cho bạn sử dụng lại dịch vụ của họ.  

Một trong những lý do từ chối mà mình được biết, theo mình khá là hợp lý, bởi vì:  

  • Có nhiều người thích xài bảo hiểm tư cho rẻ vì họ ít khi cần đi bác sĩ. Nhưng ngay khi họ phát hiện bệnh nghiêm trọng và đòi hỏi phải được chữa trị lâu dài với chi phí khá cao, họ sẽ xin đăng ký vào bảo hiểm công.
  • Để đề phòng những sự việc như trên, bảo hiểm công sẽ rất e dè khi nhận thấy bạn có sự chuyển đổi dịch vụ bảo hiểm thường xuyên và thường sẽ từ chối cho bạn sử dụng dịch vụ của họ ngay lập tức. Nhưng cũng có trường hợp họ sẽ cân nhắc và yêu cầu bạn cung cấp kết quả kiểm tra sức khỏe tổng quát để chứng minh bạn hoàn toàn khỏe mạnh khi muốn chuyển qua sử dụng dịch vụ của họ.

Vì vậy, các bạn du học sinh ở Đức nên cân nhắc cẩn thận khi lựa chọn dịch vụ bảo hiểm.

dich vu bao hiem y te duc
Chất lượng dịch vụ và danh mục các bệnh được chi trả bởi Public Krankenversicherung tốt hơn
(Photo by Hush Naidoo on Unsplash)

Bản thân mình thì mình sử dụng dịch vụ của TK từ khi mới qua Đức. Mình khá hài lòng với chất lượng dịch vụ và danh mục chi trả của bảo hiểm, nhất là danh mục bệnh cần tầm soát hàng năm như ung thư da, ung thư cổ tử cung, tiểu đường, etc..

Một trong những ấn tượng về dịch vụ của TK liên quan tới việc mình làm mất thẻ sinh viên. Hôm đó mình đi ăn cơm ở Mensa, lúc về có ghé qua TK. Khi về đến nhà, mình mới nhận ra mình đã làm mất thẻ sinh viên.

Ba ngày sau mình nhận được thư của TK với thẻ sinh viên của mình bên trong. Họ bảo rằng mình làm rơi trong khu vực văn phòng của TK và gởi lại cho mình ngay lập tức vì nghĩ là mình rất lo lắng vì mất thẻ và không sử dụng được các dịch vụ cần thẻ sinh viên như Mensa hoặc thư viện.

Thường ở Münster, khi bạn làm mất thẻ sinh viên, người nhặt được sẽ đưa tới information office hoặc quầy đổi tiền cho sinh viên ngay cửa Mensa hoặc văn phòng của trường. Điều mình ấn tượng ở đây là họ không đem ra quầy đổi tiền của Mensa (nằm cùng tầng và cửa đối diện nhau) để mình đến tìm mà họ gởi thư về tận nhà cho mình. 

Kết

Bảo hiểm y tế rất quan trọng và được yêu cầu phải có theo luật pháp nước Đức. Dù cho bạn là người khỏe mạnh, không bao giờ cần đi bác sĩ, thì bạn vẫn có nghĩa vụ phải mua bảo hiểm y tế ở Đức. Như người ta thường nói, cuộc sống không ai đoán trước được ngày mai ra sao và chi phí điều trị ở Đức nếu phải tự trả là một con số không tưởng.

Bản thân mình rất tán thành với bộ luật này bởi vì từ ngày qua Đức mình không cần phải mỗi tháng để dành tiền đề phòng bệnh tật vì cần phải chi trả số tiền viện phí trên trời như ở Việt Nam.