cac-phuong-tien-cong-cong-tai-duc

Các phương tiện công cộng tại Đức

Mình vẫn nhớ hồi năm lớp 11, khi chúng mình đọc truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam, đặc biệt là phần khi hai nhân vật Liên và An nhìn thấy chiếc tàu từ thành phố đi ngang qua góc phố huyện nhỏ của mình, trái tim mình lại bồi hồi một giây phút.

Ở Hà Nội, thỉnh thoảng lắm những đứa trẻ thành phố cũng mới có cơ hội thấy bác lái tàu vừa rung chuông inh ỏi vừa kéo theo con “tuấn mã” đồ sộ bằng kim loại lướt trên đọan đường sắt được bắc ngang từ thành phố nọ đến thành phố kia. 

Cảm xúc háo hức và bồi hồi đến lạ lùng mỗi khi thấy tàu cập bến đến giờ 2 năm ở Đức rồi mình vẫn còn y nguyên, vì tàu đến là sắp được đến nơi mình muốn rồi. Để giúp các bạn du học sinh mới sang đỡ bỡ ngỡ trong việc đi các phương tiện công cộng, mình quyết định viết bài viết này.

1. Tổng quan về các phương tiện công cộng tại Đức: 

Đầu tiên là xe Bus

phuong tien cong cong tai duc bus
(Photo by Thomas Reaubourg on Unsplash)

Bus có lẽ là phương tiện không mấy gì xa lạ với anh em Việt Nam nữa, vì ngay trong quê hương chúng mình cũng đã có thể bắt bus vi vu khắp nơi. Với hàng loạt các tuyến xe, chạy bon bon trên các loại mặt đường êm ru, điểm trừ duy nhất của xe Bus bên Đức là hay đến muộn vì nhiều khi vẫn bị tắc đường, hoặc các chú lái xe vẫn muốn nán lại giờ nghỉ của mình thêm một chút.

Hồi học dự bị mình cũng toàn phải bắt xe bus đi học và hậu quả là không ít lần đi học muộn vì bus đến muộn tận… 20 phút. Các chuyến bus thường sẽ cách nhau khoảng 10 phút, ở các khu vực xa trung tâm và ít người hơn thì tầm 20 phút mới có một chiếc Bus chạy qua. Ở các thành phố nhỏ thì Bus là phương tiện công cộng duy nhất, và có khi 30 phút mới có một chuyến. 

Những tuyến xe đi đến các điểm như là “sân bay” hay các vùng xa xa mà nếu đi sớm quá thì sẽ được thay bằng các chú taxi. Để các anh taxi đến kịp giờ cho công việc của bạn thì bạn phải gọi trước 30 phút, nói tên và nơi muốn đến. Nếu không thì sẽ không có cái bus nào chạy qua và bạn sẽ bị lỡ việc mất đấy! 

Thích nhất là đi Trams

tram-phuong-tien-cong-cong-tai-duc
(Photo by Hala AlGhanim on Unsplash)

Trams có lẽ là loại tàu phổ biến nhất ở Đức. Lấy “sức mạnh” từ những sợi dây điện giăng mắc khắp thành phố, cùng bàn đạp là những đường sắt đã được xây để mở đường, các chú tàu Trams vi vu sánh vai cùng những chiếc xe đạp, những chiếc ô tô và cả người đi bộ trên đường phố luôn.

Đi trams mọi người có thể nhìn ngắm đường phố cảnh vật xung quanh rõ hơn nữa. Điều mà mình thích nhất ở trams là cứ thường 3-5 phút sẽ có một chuyến trams chạy qua, nên mình sẽ không phải chờ quá lâu. 

U-Bahn hiện đại vô cùng
(U-Bahn là tàu ở dưới lòng đất)

u-bahn-phuong-tien-cong-cong-tai-duc
(Photo by Pau Casals on Unsplash)

Mình vẫn hay đùa là loại tàu này như kiểu đang chơi trốn tìm nhưng lại luôn muốn người ta phải tìm ra mình. Tàu thì chạy ở dưới lòng đất, người ta phải đào rất sâu vào đất, thông các bến này với bến kia, sau đó là tiến hành lắp ráp một đường ray nối qua các bến thật khéo léo để các tàu đi không bị đâm vào nhau.

Ở thế giới dưới lòng đất ấy không chỉ có tàu chạy mà còn có các quầy ăn nhỏ, các tiệm bánh, tiệm mì nhỏ để các hành khách nào có lỡ vì chạy tàu mà chưa ăn sáng vẫn có thể làm đầy cái bụng đói.

Các tàu U-Bahn sẽ đi chủ yếu là dưới lòng đất nên ánh sáng rất kém và khiến người ta buồn ngủ. Hồi mới sang mình vừa jetlag vừa đi U-Bahn mà tự động ngủ không nghĩ gì luôn. (Mọi người đừng như mình nhé!) 

Ở trong U-Bahn thì mọi người không thể nhìn ngắm cảnh vật bên ngoài như đi Tram, nhưng ở mỗi điểm dừng các bến U-Bahn đều được trang trí rất đẹp và có một phong cách riêng, nên không sợ xuống nhầm bến đâu nhé.

Cùng lên không trung với S-Bahn  

Nếu các bạn ở Hà Nội đang tiếc vì tuyến đường sắt Hà Đông – Cát Linh vẫn chưa được đi vào hoạt động, thì ở các thành phố lớn tại Đức, chúng ta sẽ tha hồ được nhìn ngắm thành phố từ trên cao với tàu S-Bahn.

Lần đầu đi tàu trên cao như thế mình còn thấy hơi sợ sợ cơ, nhưng về sau đi quen rồi thì thấy thích lắm. Vừa được nhìn ngắm cảnh vật, vừa thoáng nên không bị buồn ngủ nữa.

Có những thành phố mà mọi người có thể đi tàu S-Bahn ngược nữa. Ví dụ như thế này này: 

s-bahn-phuong-tien-cong-cong-tai-duc
Một tuyến tàu S-Bahn “ngược” ở thành phố Dortmund, Đức
(Photo: Ruhr Nachrichten)

Ngoài ra ở các bến Tram, U-Bahn và S-Bahn thường hay có các bảng điện tử hiện khi nào tàu đến, nên mọi người sẽ không phải lo lắng bồn chồn khi chờ tàu đâu. 

bang-dien-tu-gio-tau
(Photo by ?? Claudio Schwarz | @purzlbaum on Unsplash)

2. Hướng dẫn mua vé đi phương tiện công cộng tại Đức: 

Ở bất cứ đâu cũng vậy, trừ khi bạn đi trên một loại phương tiện mà bạn đã chi trả cho nó (xe máy, xe đạp,…) thì việc mua vé giống như là một cách tôn trọng người lái xe và “đi nhờ” phương tiện công cộng là một lẽ thường tình.

Ở Việt Nam, khi đi Bus cả quãng xa lẫn quãng dài thì đều có một anh bán vé, hay còn được gọi với tên gọi cao cấp hơn là “tài xế phụ” sẽ đi bán vé cho mọi người. Việc mua vé trở nên đơn giản hơn bao giờ hết và cũng sẽ không ai tham gia chuyến xe mà sẽ không có vé cả. 

ve-tau-xe
Vé tàu được in đầy đủ thông tin, từ việc phải dập thẻ, tên vé, những vùng được đi bằng vé này, giá thành,…
(Photo: Berliner Morgenpost)

Ở Đức, tính tự giác và trung thực được đặt lên cao nhất. Không có một anh “tài xế phụ” nào trên tàu cả, mà chỉ có các bác soát vé đột xuất thỉnh thoảng lắm mới lên kiểm tra một đợt mà thôi.

Nếu bạn không tự giác, thì mỗi đợt kiểm tra này có thể tiêu tốn của bạn 60 Euro + tiền mua vé + một dấu đen trong hộ chiếu. Nghe đáng sợ đúng không? Vậy chúng ta phải mua vé thế nào? 

Khi bạn di chuyển bằng xe bus, bạn có thể mua vé ngay chỗ anh tài xế khi vừa lên bus. 

Ở các bến tàu chính, sẽ có những quầy bán vé và có người ngồi trong đó bán vé cho bạn luôn. Vậy nên muốn đi đâu và mua vé thế nào cho hợp lí, họ sẵn sàng tư vấn và bán cho bạn vé đúng nhất! Ngoài ra ở cái Kiosk hay Späti cũng bán vé tàu, nhưng họ sẽ không tư vấn cho bạn nhiệt tình như ở quầy bán vé đâu. 

quay-ban-ve-koeln-phuong-tien-cong-cong-tai-duc
Một quầy bán vé ở các bến tàu chính tại Köln.
(Photo: KVB)

Thế nhưng, không phải lúc nào cũng có các quầy như vậy, thường là chúng ta sẽ phải tự mua vé ở máy bán vé. Các máy bán vé thường được đặt ở các bến tàu đón khách, ở trên các tram và có thể ở trên xe bus nữa. Các máy bán vé sẽ được hoạt động thế nào? 

may-ban-ve-phuong-tien-cong-cong-tai-duc-tu-dong
Những chiếc máy bán vé tàu sẽ trông như thế này.

Một điểm các bạn phải phân biệt ở các máy bán vé tàu là nó sẽ có hai loại máy bán vé, một là máy bán vé tàu đi trong thành phố, hai là máy bán vé tàu để đi từ thành phố này đến thành phố khác. Mỗi một vùng thì các thông tin hiện lên trên máy bán vé lại khác nhau.

Bên cạnh các máy bán vé lúc nào cũng ghi đầy đủ các thông tin mà mọi người phải lưu ý. Mọi người không việc gì phải hốt hoảng và lo sợ vì có quá nhiều chữ hết. Người Đức họ muốn cái gì cũng phải đầy đủ và rõ ràng nên viết hơi nhiều, nhưng nếu đọc hết thì đúng là không thừa thông tin nào thật.

Mọi người có thể xem clip này để nắm được phần nào cách mua vé tàu nhé:

Việc mua vé trên các máy Automat này có vẻ hơi rắc rối đúng không? Đừng lo, có một giải pháp cực kì tối ưu cho các bạn, đấy là mua vé luôn từ trên app. Ở mỗi thành phố sẽ có một app riêng để mua vé cũng như search các tuyến đường đi trong thành phố đó.

Tuy nhiên, có một app mà có thể dùng cho toàn bộ nước Đức, đó là: DB app. Các bạn chỉ cần xác định chỗ bạn hiện tại rồi ghi tên bến mà các bạn muốn đến, app sẽ tính xem bạn cần mua vé loại nào, bao nhiêu tiền. Sau đó bạn có thể mua trực tiếp trên app bằng cách ấn vào phần Ticket, sau đó sẽ nhận được một mã QR để nếu như có người soát vé lên họ sẽ quét.

Ngoài ra khi tìm thông tin trên app như vậy, bạn có thể biết loại vé bạn cần mua rồi ra máy Automat ấn đúng loại vé đó là được. Rất đơn giản phải không?

3. Những lưu ý khi tham gia phương tiện công cộng tại Đức: 

Đây là một trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ với những người 18 năm đầu cuộc đời chỉ ở Việt Nam và cũng chưa đi du lịch ngoài nước bao giờ như mình. Cho những ai cũng giống mình và để chắc chắn hơn với việc đi tàu xá thì mình có những lưu ý nhỏ sau đây:

  • Nhớ nhìn hướng tàu, là con tàu cùng 1 mã hiệu nhưng sẽ đi về 2 hướng khác nhau. Các bến tàu cũng được sắp xếp ngay gần nhau thôi nên mọi người có thể dừng lại nhìn bảng hiệu xem phía tàu mình đang đứng có đi qua bến mình cần đi không nhé. 
  • Trên tàu và bus không được mang đồ ăn hay đồ uống lên, nếu bị phát hiện thì sẽ bị phạt tiền.
  • Nếu thấy có người già hay phụ nữ có bầu thì nhớ lịch sự nhường chỗ cho họ. 
  • Đến bến mình muốn xuống thì nhớ ấn nút màu đỏ ở gần khu vực cửa mở. Thường thì tàu bến nào cũng dừng để đón khách và cho khách xuống, nhưng đi bus nếu bạn không ấn thì nó sẽ không mở đâu, nếu ở bến bus sắp tới cũng không có ai đợi. 
  • Sẽ có những lúc họ sửa đường ray và tàu sẽ không chạy hướng này hướng nọ, luôn luôn có phương tiện thay thế (Ersatzverkehr). Có hồi mình ở Berlin 6 tháng mà lúc nào cũng Ersatzverkehr luôn. Nên nếu mọi người thấy bảng thông báo màu đỏ mà có chữ gì như kiểu “Bauen” (xây dựng) hay “Störungen” (gián đoạn) thì hãy chuẩn bị tinh thần nhé. 

Di chuyển bằng các phương tiện công cộng nhiều khi sẽ làm chúng ta có cảm giác bị phụ thuộc vào giờ giấc tàu xe chạy, không được chủ động và đôi khi cũng bực tức vì tàu xe bên Đức không phải lúc nào cũng đúng giờ như người ta vẫn hay nói về người Đức đâu.

Tuy nhiên, tham gia các phương tiện công cộng tại Đức góp một phần nho nhỏ vào việc bảo vệ môi trường. Hơn nữa, các du học sinh nghèo như chúng mình không phải ai cũng có tiền để mua một chiếc xe đạp, chứ nói gì là xe máy như ở Việt Nam đúng không? Hi vọng bài viết vừa rồi sẽ giúp các bạn phần nào đỡ lo lắng trước khi sang Đức và chuẩn bị tinh thần đi tàu xe dài dài nhé.