Cái Tết xa nhà của du học sinh Đức
“Tết này vui gia đình sum họp, tết nào vui bằng tết đoàn viên”
Cứ mỗi năm đến dịp Tết Nguyên Đán, dịp lễ lớn và vui nhất của dân tộc, không cần mỗi du học sinh Đức phải tự viết một bài diễn văn chia sẻ nỗi lòng của những người con xa xứ không kịp bay về quay quần bên gia đình; mà báo mạng, âm nhạc cũng đã thay chúng ta giải bày sự tiếc nuối và tủi thân khôn nguôi từng giờ từng phút một.
Thói quen mỗi năm đi thả cá, xem Táo quân, đi siêu thị mua bánh kẹo, gói bánh chưng, nấu mâm cỗ, và đặc biệt là cảm giác ngồi bên cả nhà đêm giao thừa ăn bữa cơm tất niên, đếm ngược và nhận lì xì đã từng lặp đi lặp lại suốt gần 18 năm cuộc đời mình. Đến năm 19-20 tuổi sang đây không còn không khí ấy nữa nên cảm giác khác hẳn.
Để mọi người có một cái nhìn rõ nét về Tết của du học sinh Đức và cho những ai muốn có được không khí sum họp, vui tươi đúng mục đích của năm mới tết đến xuân về ở nơi cách gia đình hơn 7000km này, mình quyết định “khai bút” bằng bài viết này.

Tổng quan
1. Lệch thời gian Tết
Tết được tính theo lịch âm, nghĩa là cứ mỗi ngày mùng 1/1 của năm mới theo âm lịch là người Việt Nam mới tính là năm mới thật sự. Còn trước đấy mùng 1/1 phỏng theo lịch dương lại là chỉ mới là màn dạo đầu, hay là Tết “fake”, mà mọi người vẫn gọi là Tết dương.
Ở các nước phương Tây nói chung, hay ở Đức nói riêng, mọi người sẽ có hai dịp lễ lớn trong năm, đó là lễ noel cuối năm để có dịp về bên gia đình, và hai là chào đón năm mới bên bạn bè và người yêu.
Cứ đến cuối năm tầm 20/12 là chúng mình cũng được vinh dự như các bạn Đức, được cho phép nghỉ xuyên suốt hai tuần để tất cả từ giáo viên đến học sinh có một khoảng lặng cuối năm để về quây quầy đầm ấm bên gia đình.

Lúc đó ở Việt Nam là dịp cuối năm, bố mẹ thì bận “báo cáo tài chính”, tổng hợp giấy tờ, vân vân và mây mây, nói chung là công việc thì bận bù đầu. Bạn bè ở Việt Nam thì đang ôn thi cuối kì, ai cũng học học học học. Vậy nên thời gian được nghỉ này về Việt Nam chơi là không hợp lý.
Lịch âm lại vận hành theo một kiểu khác, mỗi năm Tết lại đến vào một ngày khác nhau. Có năm tết đến sớm vào cuối tháng một, năm nào muộn lắm thì cuối tháng hai mới được đón năm mới “thật”.
Thời gian từ tháng một đến tháng hai bên Đức lại là lúc các trường tổ chức thi cuối kì, thế là du học sinh Đức lại học, học, học và học… Thế nên các bác, các bạn ở nhà cứ trách chúng cháu là: “Tết năm nay không về được à?” thì chúng cháu cũng buồn lắm ạ!
2. Không khí những ngày giáp Tết
Năm đầu tiên đón giáng sinh bên này, mình được chứng kiến chợ giáng sinh mở từ một tháng trước khi đến ngày chính thức; các cửa hàng bày bán đồ trang trí đầy màu sắc; người người nhà nhà cứ tranh thủ đi sắm đồ như đi trẩy hội ấy, rồi còn hỏi nhau đã mua gì tặng người thân chưa nữa?
Thế mà đến ngày 24/12, 25/12, chợ giáng sinh đóng cửa, đường phố yên lặng không một bóng người.

(Photo: Tran Anh Tuan Photographer)
Cái cảm giác chuẩn bị cho một dịp lễ, sự kiện lúc nào cũng “không khí” hơn nhiều. Cũng như cảm giác lo lắng trước kì thi, lúc bước vào làm bài thi sẽ biến mất. Hay như sự mong chờ háo hức trước mỗi chuyến đi, lúc vào chuyến đi sẽ chuyển biến thành sắc thái vui vẻ cộng chút tiếc nuối vì chuyến đi sẽ kết thúc.
Tết cũng là một dịp như vậy, người ta đón Tết không chỉ là đón ngày đầu năm theo lịch âm, người Việt Nam thấy không khí Tết từ những ngày 20-23 âm lịch: những cành đào rung rinh trước gió, siêu thị bắt đầu bầy đầy những giỏ quà Tết, các shop quần áo tha hồ khách hàng vào sắm sửa ăn diện,..
Thế nhưng với du học sinh ở đây, tiết trời lạnh lẽo âm u, 10 giờ mặt trời lên mà tầm 4 giờ chiều đã lại “say goodbye”, các cháu còn chưa sẵn sàng đón ngày mới mà ông mặt trời đã vội trốn đi ngủ.
Những thân cây trụi lá vặn vẹo trong rừng, đen nhánh như hạt bồ kết ở nhà vẫn hay đun nước gội đầu đêm 30. Bầu trời cao cao mà mờ đục, xám xám như than chì trong bếp lửa hồi xưa ở quê bà vẫn nhóm.
Có những nơi còn phủ trắng một màu tuyết rơi, những bông tuyết đua nhau rơi cũng không sánh vai được với những bông mai, bông đào chum chúm từng nụ chỉ chờ mùng một nở bung bét đón khách sang lì xì chúc tết.
Không khí Tết ở đây dừng lại ở con số 0. Thậm chí là còn trong guồng thi cử, áp lực đè áp lực. Du học sinh Đức thèm lắm được ngồi gói bánh chưng bên gia đình, ăn miếng mứt rồi nằm dài ra xem tivi.
3. Đêm 30 Tết
Ngày làm mình buồn nhất và cũng tủi thân nhất khi ở bên Đức chính là mỗi dịp 30 Tết. Ở nhà bố mẹ bận bịu dọn dẹp nhà cửa, sắp xếp lục lọi mấy con ảnh hồi bé mình tạo dáng người mẫu trong thân hình Baymax lại bật cười khúc khích, rồi choàng những chiếc khăn quàng loè loẹt cho cây đào mới mặc cả được ngoài đường ngã tư sở, rán những chiếc nem mà hôm qua vừa miệt mài trộn nhân cuốn để tý đem lên thắp hương các cụ và đốt giấy bạc.

Mình nhớ năm đầu mình sang trước Tết có một tý thôi, cũng chuẩn bị tinh thần là sẽ không nhớ gì Tết đâu, vì bình thường Tết hay ăn bánh chưng, gà luộc với lẩu, toàn món mình không khoái lắm.
Thế nhưng mà đêm đấy thay vì ăn gà luộc, mình đi ăn KFC gà rán nhân ngày thứ ba khuyến mãi 5 Euro 15 cánh gà rán, một mẩu giò và bánh chưng rán mua ở chợ châu Á thôi, mà thấy ấm hết cả lòng, sao nó ngon thế?
Bánh chưng ở nhà ngấy lắm mà, sao sang đây tự dưng ngon đến lạ người. Mấy bài nhạc Tết bật ở nhà cũng đến chán hết tai rồi, mà sao hôm đấy bật lại bắt tai nghe hay mà tim cứ đập bình bịch bình bịch luôn!
4. Bữa cơm tất niên
Năm đầu sang đây còn được bữa ăn như đã kể trên và xem Táo quân “load hơi chậm” trên VTVGo (Tip cho ai muốn xem chương trình Tết ở nhà, hãy tải app VTVGo về, chạy mượt mà luôn), sang năm thứ hai mình phải học bài cho kì thi sắp tới. Thế mà nhịp đập trái tim vẫn cứ thôi thúc mình, nhất là đập cho đồ ăn Tết.
Theo phong tục là sẽ có một bữa cơm tất niên cúng ông bà tổ tiên ăn trước, rồi con cháu ăn sau, bao gồm những món truyền thống như: gà luộc, nem rán, miến măng lòng gà, thịt bò xào blah blah, xôi gấc, thịt đông, giò (rim) và hoa quả,… Nhà nào càng nhiều đồ ăn, nhà đấy càng được ăn no haha.
Bên này thời gian ôn thi đã thiếu, cuối tuần mùng 1 mùng 2 Tết các bạn còn tranh thủ đi làm thêm kiếm tiền, thời gian quây quần làm một bữa cơm cũng khó. Mà bữa cơm tất niên ngon lành thế kia là thể nào các bạn bè trên facebook cũng up đầy ảnh lên, nhìn mà chảy hết cả dãi!

(Đây là ảnh mình lấy của bạn Phương Nhím trên group “Bếp sinh viên Việt tại Đức”)
Cho các bạn du học sinh Đức, thường thì ở các thành phố lớn như Berlin hay München, cộng đồng người Việt nhiều nên họ cũng có nhiều hoạt động hay lắm. Các cô các bác nấu ăn ngon lành rồi mình chỉ cần mua vé vào buffet ăn no nê thỏa thích thôi, mà các bác các cô nấu thì tuyệt vời luôn, đúng hương vị Việt Nam.
Nếu có thời gian, mọi người có thể ghé qua chợ Châu Á mua cái bánh chưng, rủ bạn bè sang nhà nấu bữa ăn, cùng nhau cuốn nem, rim giò, hay có thể tỉ mỉ làm thịt đông từ tối hôm trước nữa. Học hành là chuyện cả đời, chứ 30 Tết một năm mới có một lần nhỉ?
5. Gọi điện về nhà
Chả hiểu sao viết đến đây mình lại nhớ đến bài “Telephone” của Lady Gaga. Thôi, quay lại chủ đề chính.
Nếu trước đây bố mẹ có thể đứng từ tầng một gọi với lên tầng ba để mình xuống ăn cơm được, thì bây giờ việc gọi mình về nhà ăn cơm với giọng nói cũng không được to lắm của bố mẹ là không thể thực hiện được. Để tài trợ cho chương trình này, chúng ta cần có 2 chiếc điện thoại, một từ phía bố mẹ, một từ phía chúng mình.
Đường mạng kết nối sẽ giúp cho 2 bên dù cách xa muôn vàn cây số vẫn nhìn thấy nhau, rồi bố mẹ khoe đồ ăn, nhà cửa, khoe cây quất, cây đào mới sắm. Ai nấy trông cũng vui tươi, vô lo vô nghĩ, tắm rửa sạch sẽ tâm hồn phơi phới ngồi tóm lại những gì xảy ra trong năm vừa qua rồi động viên nhau tiếp tục năm mới rạng rỡ hơn.
Thế nhưng, chúng mình cũng chỉ là học sinh thôi, vui là cười buồn là khóc. Mình nhiều khi cũng sợ gọi về bố mẹ xong bố mẹ ăn cơm với thịt bò xào, còn mình lại ăn cơm chan nước mắt mất.
6. Mùng một Tết
Mọi người vẫn hay bàn tán về một Hà Nội vắng tanh, yên bình đến thế của những ngày 30, mùng một Tết. Cả năm mới thấy Hà Nội tưởng to mà bé, hàng ngày tấp nập người mua kẻ bán, người đi làm, đi học, đi chơi, phố phường cứ phải gọi là rộn ràng tấp nập, không phải sợ đêm muộn đi về một mình.

Về điểm này thì du học sinh chắc hẳn đã quen, đường ở Đức trừ những khu trung tâm mua sắm hay các địa điểm du lịch ra thì cũng vắng thôi rồi, so sánh với Hà Nội mùng một Tết thì chúng mình cũng được tận hưởng một nước Đức vắng vẻ, yên bình như vốn dĩ ngày nào nó cũng thế.

Thôi, trên đây là những tâm sự nhỏ của một trong vô vàn những du học Đức đang trông ngóng về quê hương, nơi có những đồ ăn ngon đã nuôi chúng mình lớn lên, có những phong tục đã tạo nên con người Việt Nam, có bố mẹ anh chị em yêu thương mình vô điều kiện, có những đứa bạn cứ gặp mặt là cười. Mọi người hãy cố gắng học hành và lấy đó làm mục đích phấn đấu về sau về xây dựng đất nước nhé!