Chuẩn bị hành lý lên đường đi du học Đức

Xen lẫn niềm vui khi nhận được tấm visa và cầm vé máy bay trên tay là cảm giác hoang mang lo lắng đem gì và không đem gì trên hàng trang đi du học Đức.

Ngoài những giấy tờ tất yếu cần thiết cho cuộc sống và việc học tập bên này, dưới đây là những kinh nghiệm của mình về việc nên và không nên mang gì trong hành lý du học Đức

1. Laptop

Đây là vật dụng không thể thiếu trong hành trang du học Đức. Nếu bạn đã có laptop đang sử dụng ở Việt Nam, bạn có thể bỏ vào hành lý đem theo.

Nếu chưa có, bạn không cần phải gấp rút mua mà có thể đem theo tiền mua bên này. Việc mua laptop bên Đức sẽ tiện lợi hơn về mặt bảo hành, ổ cắm điện phù hợp, bàn phím tiếng Đức.

Giá cả laptop bên Đức không quá mắc. Laptop dành cho mục đích học tập có giá dao động khoảng từ 300 tới 500 eur, tương tự như mua ở VN nhưng chất lượng châu Âu.

du học Đức
Những gì nên và không nên mang trong hành lý đi du học Đức
Photo by Anete Lūsiņa on Unsplash

2. Quần áo

Không cần phải đem thật nhiều nhưng đem đủ loại phục vụ cho các nhu cầu cơ bản khác nhau. Chẳng hạn: nếu bạn nhập học vào mùa đông, hãy đảm bảo là có một cái áo khoác mùa đông và một đôi giày thể thao hoặc giày ấm trong hành lý. Ngoài ra, đồ underware, quần áo đi học, quần áo thể thao, quần áo mặc nhà, khăn tắm, hai ba đôi giày thay đổi, vân vân.

Mua sắm ở Đức không đắt đỏ hơn Việt Nam là mấy. Bên cạnh đó, các cửa hàng thời trang bên Đức có rất nhiều đợt giảm giá và giá rẻ bất ngờ. Chẳng hạn, Zara hoặc H&M đồ giảm giá chỉ từ 2 tới 10 euro. Hoặc áo khoác áo lạnh chỉ từ 10 tới 50 euro.

Mỗi khi giao mùa (khoảng 3 tháng), các cửa hàng lại có một đợt giảm giá để giải phóng nhà kho nhập hàng mới. Đặc biệt các cửa hàng giảm giá điên cuồng vào 3 tháng cuối năm. Vì vậy, các bạn cứ yên tâm đợi đợt giảm giá để sắm sửa đồ đạc phù hợp với thời tiết bên này với giá cả tiết kiệm.

3. Một ít thuốc

Hai tháng đầu tiên là khoảng thời gian nhạy cảm đối với sức khỏe bởi sự thay đổi về môi trường sống. Bên cạnh đó, việc làm giấy tờ để đăng ký được bảo hiểm y tế cũng sẽ mất thời gian.  Vì vậy, việc mang theo một ít thuốc phòng thân là cần thiết. Dưới đây là danh sách một số thuốc thiết yếu:

  • Một ít thuốc cảm sốt nhức đầu
  • Một ít thuốc đường ruột khó tiêu hoặc tiêu chảy
  • Một ít thuốc dị ứng
  • Một ít thuốc nhỏ mắt hoặc những vật dụng cần thiết cho những bạn có vấn đề về mắt như cận thị, xài kính áp tròng, vân vân

Lượng thuốc mang theo không cần phải nhiều, nhưng dự trù nếu cần nên đủ để sử dụng cho khoảng từ hai đến ba tháng (có thể sử dụng được cho 1 tới 3 lần bệnh)

Sở dĩ mình cần làm như vậy bởi vì không chỉ riêng việc mất thời gian đợi có hợp đồng bảo hiểm y tế, mà còn vì việc đặt lịch hẹn gặp bác sĩ bên này cũng cần thời gian (rơi vào khoảng 1 tuần từ lúc đặt lịch hẹn). Trong khi đó, người Việt mình có thói quen là có bệnh phải trị bệnh ngay lập tức. Vì vậy, việc chuẩn bị sẵn thuốc sử dụng sẽ giúp bạn an tâm, tâm lý ổn định hơn trong giai đoạn đầu sống ở Đức.

4. Các loại gia vị, đồ ăn khô gắn liền với cuộc sống

Nếu bạn may mắn ở các thành phố lớn hoặc gần các thành phố lớn như Berlin, Frankfurt, việc ăn uống không cần phải lo nghĩ bởi vì hàng quán bán đồ ăn Việt khá nhiều
https://www.google.com/maps/search/Vietnamese+restaurant+Berlin/@52.5162859,13.3927737,13.5

Cuộc sống bên Đức theo mình là khá thoải mái về việc sinh hoạt ăn uống. Cho dù có ở thành phố nhỏ không có siêu thị châu á đi nữa, các bạn cũng có thể dễ dàng mua được những mặt hàng đồ khô thiết yếu của Việt Nam như gạo, phở khô, bún khô, miến, các loại bột nấu ăn làm bánh, nước tương nước mắm, vân vân.. từ những trang web bán hàng online của người Việt Nam tại Đức.

Ngoài ra, nếu bạn may mắn ở các thành phố lớn hoặc gần các thành phố lớn như Berlin, Frankfurt, việc ăn uống không cần phải lo nghĩ bởi vì hàng quán bán đồ ăn Việt khá nhiều.

Tâm lý chung của chúng ta khi đi du học Đức là lo lắng về việc đồ ăn có phù hợp hay không, giá cả mắc hay rẻ. Điều này rất bình thường và dễ hiểu. Tuy nhiên, có một số mặt hàng thức ăn nằm trong danh sách cấm. Thiết nghĩ, chỉ vì những món ăn nhỏ mà làm trái luật, nếu bị bắt sẽ bị phạt mấy trăm đô kèm theo bị cảnh cáo hoặc bị ghi tên danh sách vận chuyển hàng cấm thì không đáng tí nào.  

Một số mặt hàng cấm mình biết: các sản phẩm từ thịt heo, bò, gà, các sản phẩm rau củ quả tươi (sản phẩm từ hải sản được phép nhưng phải gói kỹ tránh mùi). Danh sách chính xác các bạn có thể kiểm tra trên trang Zoll của Đức hoặc hỏi trên group hội sinh viên Việt Nam tại Đức.

Vì vậy, chúng ta chỉ nên mang theo những món ăn thực sự cần thiết và không thể mua được bên này. Chẳng hạn, mình sống ở Tây Ninh nên không thể nào sống thiếu muối tôm và bánh tráng Tây Ninh (phải đồ chính gốc TN). Ngoài ra, mình còn đem theo một gói hạt nêm để phục vụ cho việc nấu ăn hàng ngày. Đây là ba thứ luôn luôn nằm trong danh sách đồ cần đem sang Đức của mình mỗi lần về Việt Nam.

5. Những vật dụng khác

Ngoài danh sách cụ thể trên, còn có những món lặt vặt nhỏ khác chẳng hạn như đồ điện tử phục vụ cuộc sống hằng ngày hoặc đồ dùng học tập thì sao.

Trong danh sách đồ điện tử, một số món đồ điện tử khác các bạn thường boăn khoăn trên hành trang du học Đức là nồi cơm điện, máy sấy tóc, etc..Theo mình, bạn không cần mang theo. Nồi cơm điện bạn có thể mua ở siêu thị châu Á (tại cửa hàng hoặc đặt hàng online) với giá tương đương giá ở Việt Nam. Những mặt hàng điện tử khác các bạn có thể mua ở siêu thị Đức, giá cả từ mắc tới rẻ đều có.

Đồ dùng học tập như sách vở giấy bút các bạn có thể mua được bên này. Nếu mua tại nhà sách, giá sẽ khá mắc. Tuy nhiên, Đức có các hệ thống siêu thị giá rẻ như Tedi, Lidl, Euro shop với giá các mặt hàng từ khoảng 1 tới 5 euro.

Hy vọng các bạn sẽ có một tâm lý thoải mái và hành trình nhẹ nhàng trên con đường du học sắp tới
Photo by JESHOOTS.COM on Unsplash

6. Kết

Mình từng du học Hàn 6 năm và giờ là 4 năm du học Đức. Tuy Hàn là nước châu á nhưng vào thời điểm 7 8 năm trước, các mặt hàng Việt Nam rất hạn chế. Có tiền cũng không thể mua được. Mỗi lần về VN sang, mình toàn mang một vali đầy đồ ăn 40 ký. Mỗi lần tới sân bay Hàn là tim đập nhanh, chỉ cầu cho không bị hải quan chặn hoặc không bị chó ngửi hành lý.

Từ lúc sang Đức du học, vali mỗi lần mình qua Đức không nặng tới 20 ký. Mỗi chuyến đi di chuyển nhẹ nhàng với tâm lý thoải mái vì không có nhiều sự thay đổi so với cuộc sống ở Việt Nam.

Sống ở Đức, các bạn không phải đóng học phí. Nhờ vậy, chỉ cần làm thêm với mức thu nhập ổn định và chi tiêu thông minh, cuộc sống ở bên Đức cũng khá là thú vị và không hề thiếu thốn.

Với những kinh nghiệm chia sẻ, mình hy vọng các bạn sẽ có một tâm lý thoải mái và hành trình nhẹ nhàng trên hành trang du học Đức.

Leave a Comment