dao-quanh-nhat-bao-duc-va-viet

Dạo quanh nhật báo Đức và Việt

Phải thú nhận là từ khi đi du học Đức, mình không còn theo dõi báo chí Việt Nam nữa. Thậm chí, sau 2 năm sống ở Đức, mình cũng dừng theo dõi các nhật báo Đức luôn. Lý do tại sao và liệu mình có tìm kiếm thông tin từ đâu khác không, những câu hỏi này mình xin trả lời ở một dịp khác nhé!

Ngày hôm nay, mình muốn cùng các bạn dạo qua một vòng báo Đức và báo Việt với cái nhìn khách quan của một người không thường xuyên đọc báo. Cuối bài, mình sẽ tổng hợp xu hướng đọc báo của người Đức và người Việt, cũng như đưa ra vài lời khuyên về việc đọc báo hợp lý trong thời đại bùng nổ thông tin.

Định nghĩa “nhật báo”

“Nhật báo”, hay tiếng Đức là Tageszeitung, là những tờ báo in truyền thống hoặc báo điện tử xuất bản hàng ngày và cập nhật những thông tin thời sự mới nhất. Ở Việt Nam, chúng ta có thể kể đến những cái tên như báo Lao Động, Thanh Niên, Tiền Phong là các nhật báo lớn, hay các báo điện tử như VnExpress, VietNamNet, Kenh14, v.v.

Những nhật báo Đức truyền thống, lớn là Bild, Süddeutsche Zeitung, Frankfurter Allgemeine Zeitung, còn các báo điện tử thì có Spiegel Online, Stern, Focus, v.v. Khác với báo in, phần lớn các bản điện tử của các trang báo đều miễn phí. Một vài trang khuyến khích độc giả đăng ký thành viên với mức phí nhỏ hàng tháng để được đọc nhiều nội dung độc quyền hơn.

nhat-bao-duc
Nhật báo Đức
deutschland.de)

Tất nhiên, mỗi báo đều có những đối tượng độc giả nhất định. Ví dụ như Kenh14 là trang thông tin dành cho giới trẻ, hay báo Bild nổi tiếng với những cái tít giật gân và những sự kiện “chấn động”. Vì vậy, để có thể so sánh một cách khách quan nhất, mình sẽ chọn ra những bài viết từ các báo có đối tượng tương đồng. Ngoài ra, mình sẽ lấy những bài hiện trên trang chủ, phần nào cho thấy tòa soạn đánh giá cao hoặc có lượng đọc cao.

Tin tức giải trí: Bild và Kenh14

nhat bao duc bild
Nhật báo Đức Bild nhận xét về những lần xuất hiện khó quên của người nổi tiếng tại Lễ hội Bia Oktoberfest. (Link bài báo)
nhat bao viet kenh14
Nhật báo Việt Kenh14 cập nhật tình hình đời sống của người nổi tiếng. (Link bài báo)

Đặc điểm chung của hai báo này là những cái tít giật gân, tính thời sự cực cao và giọng văn vô cùng lôi cuốn. Nội dung thường không có gì cao siêu mà chính là những chủ đề đời sống gần gũi nhất, từ tin tức về người nổi tiếng, cho tới những vụ án gây chấn động. Đặc biệt, các nhật báo dạng này cũng thường xuyên cập nhật các chủ đề đang được nhiều người bàn luận trên các trang mạng xã hội phát triển một cách chóng mặt như Facebook, Youtube hay Instagram.

Cá nhân mình thấy khi đi du học, chúng ta không có nhiều thời gian để giải trí bên cạnh việc đi học và đi làm, vì thế cần có sự cân nhắc khi lựa chọn loại hình giải trí. Những nhật báo như Kenh14 hay Bild được viết với mong muốn thu hút được sự chú ý của người đọc, nên nếu bạn không có “kỷ luật thép”, bạn có thể dễ dàng mất hàng giờ để ngồi theo dõi những tin tức nóng hổi dù chúng không mang lại cho bạn điều gì.

Tin tức chính trị: Spiegel và VietNamNet

nhat bao duc spiegel online
Nhật báo Đức Spiegel Online (SPON) đăng một bài phỏng vấn với chuyên gia kinh tế về tình hình suy thoái của nền kinh tế Đức. (Link bài báo)
nhat bao viet vietnamnet
Nhật báo Việt VietNamNet cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh tăng cao. (Link bài báo)

Cả hai bài báo đều có những thông tin chuyên ngành về xu hướng phát triển kinh tế của Đức và Việt Nam trong tương lai gần. Bài báo của SPON mở đầu với một vài thông tin cơ bản về tình hình kinh tế Đức hiện tại, tiếp đó là phần giới thiệu chuyên gia kinh tế chính trị Henrik Enderlein và bài phỏng vấn chi tiết giữa phóng viên với ông.

Nhờ có yếu tố đối thoại mà bài báo này rất dễ theo dõi. Ngay cả những khái niệm kinh tế khó hiểu cũng được đơn giản hoá hay liên hệ với đời sống để người đọc dễ hình dung. Chẳng hạn, ông Enderlein ví tình trạng nền kinh tế với sức khoẻ của một bệnh nhân, việc người đó có vài chỉ số tốt không có nghĩa là người đó không mắc bệnh. 

Cũng về cùng chủ đề kinh tế và suy thoái, VietNamNet có cách tiếp cận hoàn toàn khác. Xuyên suốt bài báo, nhà báo cung cấp rất nhiều số liệu. Tuy nhiên, với dân không chuyên như mình, việc đọc những thông tin khô khan khiến bài báo trở nên “khó nhằn” hơn so với bài phỏng vấn trên SPON. Gần cuối bài, nhà báo cũng đưa ra nhận định từ chuyên gia dưới dạng trích dẫn. Nếu như được góp ý cho tòa soạn, mình sẽ đề nghị có thêm biểu đồ minh hoạ số liệu để bài báo “dễ nuốt” hơn.

Nhìn chung, cả hai báo SPONVietNamNet đều cung cấp thông tin về những chủ đề mang tính “vĩ mô” và chuyên ngành hơn BILDKenh14, vì rõ ràng số lượng bài viết về kinh tế, pháp luật cũng như chính trị cao hơn rất nhiều. Đối tượng đọc hai báo này vì vậy cũng nhỏ và cụ thể hơn.

Tin tức đời sống: Focus và VnExpress

Tin đầu tiên trên trang chủ của hai trang báo này đều về thể thao – một khía cạnh không thể thiếu của đời sống.

nhat bao duc focus
Nhật báo Đức Focus đưa tin về Bundesliga – cúp bóng đá thường niên tại Đức và FC Bayern Munich – đội tuyển có thể coi là mạnh nhất và sở hữu nhiều cầu thủ hạng A nhất. (Link bài báo)
nhat bao viet vnexpress
Nhật báo Việt VnExpress cập nhật tiến độ chuẩn bị của đội tuyển bóng đá Việt Nam trước thềm trận đấu với Malaysia. (Link bài báo)

Điểm nổi bật nhất của cả hai bài báo là sự tương tác cao giữa người đọc và bài viết. Focus nhận được 29 nhận xét từ độc giả, còn trên VnExpress có tới 43 bình luận. Đối với báo điện tử, nhất là những tờ báo với lượng lưu thông bài viết lớn, không dễ gì để một bài viết có thể nhận được nhiều tương tác đến thế. Có lẽ do cùng được “ưu ái” trên trang chủ nên hai tin này được đọc nhiều hơn.

Nếu như Focus đưa tin theo kiểu “3 trong 1” (3 mẩu tin xoay quanh FC Bayern Munich), thì VnExpress điểm tin ngắn gọn mà súc tích. Cả hai bài đều có hình ảnh minh hoạ để tăng yếu tố cảm xúc cho nội dung và cả đường dẫn tới những bài viết liên quan khác. Mình thấy khá thú vị khi cách viết về thể thao ở Đức và Việt Nam không khác nhau nhiều. Có lẽ câu nói “thể thao kết nối tất cả mọi người” là không ngoa.

Xu hướng đọc báo tại Đức và Việt Nam

Đức là thị trường xuất bản báo chí lớn nhất châu Âu và thứ 5 thế giới. Trung bình mỗi năm có tới 14,7 triệu nhật báo Đức được lưu thông và gần 4 triệu ấn bản tuần báo cũng như báo chủ nhật được bán. Trong số 14,7 triệu nhật báo có tới 9,9 triệu ấn bản được giao tận nhà dưới dạng theo dõi thường xuyên (Abonnement).

Hiệp hội các nhà xuất bản báo Đức (BDZV) cũng thống kê rằng hơn một nửa dân số Đức trên 14 tuổi đọc nhật báo in mỗi ngày. Còn về báo điện tử, trung bình mỗi ngày có 44 triệu lượt người dùng trên 14 tuổi ghé thăm các mặt báo. Tổng cộng, 88,5% dân số trên 14 tuổi tại Đức sử dụng báo in hoặc báo điện tử mỗi ngày. (Nguồn số liệu: BDZV)

Số lượng ấn phẩm báo in tại Đức ngày càng giảm xuống…

Tính đến năm 2016, Việt Nam199 cơ quan báo in và 105 cơ quan báo điện tử (Nguồn: Bộ Thông tin và Truyền thông). Đáng tiếc là từ năm 2013 trở đi, báo cáo Số lượng ấn phẩm báo, tạp chí tại Việt Nam không còn được phát hành nữa, nên mình không thể so sánh trực tiếp giữa Đức và Việt Nam. Trong một khảo sát vào năm 2018 của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, có tới 62% trên tổng số 1692 người được hỏi có đọc báo trực tuyến. Con số này khá sát sao với số liệu tại Đức (63,6%). 

…trong khi số lượng báo điện tử được bán ngày càng tăng lên.

Nếu bạn có ý định hoặc mới đi du học ở Đức, mình khuyên bạn nên theo dõi những trang báo điện tử lớn như Spiegel Online, Die Zeit hay Süddeutsche Zeitung. Đọc những báo này, bạn sẽ có cái nhìn tổng quát về những chủ đề nóng tại Đức. Đồng thời, đọc báo cũng là một cách cực kỳ hiệu quả để bổ sung vốn từ vựng về mọi chủ đề. Khi đã hoà nhập với cuộc sống tại Đức, bạn có thể xem xét lại để chọn ra những nguồn đáng tin cậy và hiệu quả với bản thân mình nhất.

Trong thời đại bùng nổ thông tin, chúng ta mỗi phút giây phải tiếp nhận và xử lý khối lượng lớn thông tin mới. Để không bị “quá tải”, chúng ta cần chủ động tiếp thu có chọn lọc, kiểm soát chất lượng thông tin mà mình tiếp nạp mỗi ngày. Bằng cách này, chúng ta mới có thể yên tâm cập nhật những thông tin mới mà không lo bị “nhiễu sóng” bởi những tin lá cải sai lệch.


Leave a Comment