di-bac-si-o-duc

Đi bác sĩ ở Đức

Phần 1: Tìm bác sĩ ở Đức

Du học Đức đồng nghĩa với việc các bạn sẽ định cư bên Đức trong thời gian ít nhất là hai năm. Hai năm, một thời gian nói dài thì cũng không dài, mà nói ngắn thì cũng không ngắn, phụ thuộc vào những gì bạn đã trải qua trong hai năm đó.

Đối với những bạn chỉ đi học rồi về nhà coi phim, ngủ giết thời gian thì nó sẽ rất dài. Còn đối với các bạn, những người sống hết mình trong hai năm đó thì đó là khoảng thời gian đó là quá ngắn để trải nghiệm tất cả mọi thứ ở châu Âu.

Nhưng đối với cơ thể của chúng ta, hai năm thì là hai năm. Và trong hai năm đó, bởi vì sự thay đổi lớn trong môi trường sống từ Việt Nam sang Đức, áp lực học hành làm việc, việc cơ thể phải chịu đựng áp lực và đôi khi cần sự hỗ trợ y tế là rất tự nhiên.

Trong bài viết trước về Du học Đức: thích nghi và sống khỏe mạnh với mùa đông nước Đức, mình đã giới thiệu với các bạn về những vấn đề rất thường gặp đối với sinh viên Việt du học ở Đức. Trong bài này, mình sẽ giới thiệu với các bạn về hệ thống y tế ở Đức và bước đầu tiên để tìm kiếm hỗ trợ y tế khi đi du học ở Đức.

1. Sự khác biệt trong hệ thống y tế của Đức nói riêng và các nước khác nói chung so với Việt Nam

Sự khác biệt lớn nhất là cách thức vận hành của hệ thống y tế.

  • Hệ thống y tế ở Đức làm việc theo cấp độ: Praxis và Krankenhaus (bệnh viện). Praxis là hệ thống phòng khám tư. Tuy nhiên, tất cả chi phí điều trị vẫn được chi trả bằng bảo hiểm y tế (Krankenversicherung). Những bệnh cơ bản và không đòi hỏi kỹ thuật điều trị phức tạp sẽ được điều trị tại các Praxis. Mỗi khu vực trung tâm dân cư sẽ có nhiều praxis, với mỗi Praxis là một bác sĩ chuyên khoa khác nhau.
phong kham bac si o duc
Những bệnh cơ bản và không đòi hỏi kỹ thuật điều trị phức tạp sẽ được điều trị tại các Praxis
(Photo by LinkedIn Sales Navigator on Unsplash)
  • Người dân chỉ đến Krankenhaus (bệnh viện) khi thật sự cần thiết. Ví dụ trong trường hợp cấp cứu do tai nạn hoặc tai biến. Trong các trường hợp khác, bệnh nhân cần giấy Überweisung (hay còn gọi là giấy chỉ định, giấy chuyển viện) của bác sĩ khi cần được chữa trị ở bệnh viện. Mục đích của việc phân chia mức độ theo mình hiểu là nhằm giảm tình trạng quá tải cho bệnh viện cũng như tiết kiệm thời gian cho bệnh nhân và bác sĩ.
  • Việc sử dụng thuốc trong điều trị bệnh được quản lý khá chặt chẽ và chỉ được bán theo toa bác sĩ. Đặc biệt là thuốc kháng sinh. Đối với hầu hết thuốc được bán theo toa bác sĩ, người bệnh chỉ cần trả từ 5 tới tối đa 10 euro trên một toa. Apotheke (nhà thuốc) cũng bán những thuốc cùng chức năng nhưng không nằm trong danh mục cần toa bác sĩ. Người bệnh có thể tự tới Apotheke mua những thuốc này nhưng giá khá mắc vì không được bảo hiểm chi trả.

2. Bạn cần làm gì khi bị bệnh ở Đức

Ở Việt Nam, mọi người có thói quen bệnh thì chạy ra nhà thuốc nói triệu chứng rồi được bán cho một đống thuốc. Ở Đức các bạn sẽ không thể làm như vậy.

Thay vào đó, mỗi người sống ở Đức sẽ có một Hausarzt. Hausarzt là bác sĩ tổng quát. Họ sẽ là người thăm khám điều trị những bệnh thông thường như nhức đầu, cảm cúm, sổ mũi, vân vân và vân vân.

Khi bệnh của bạn khá nặng, hoặc cần được thăm khám hoặc chẩn đoán điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa, Hausarzt sẽ giới thiệu bác sĩ chuyên khoa có kết nối với họ và cho bạn giấy Überweisung.

ueberweisung-hausarzt-gioi-thieu-bac-si-o-duc-chuyen-khoa
Hausarzt sẽ giới thiệu bác sĩ chuyên khoa có kết nối với họ và cho bạn giấy Überweisung
(Photo: MZEB RLP Nord)

Khi bạn khám bệnh với bác sĩ chuyên khoa, họ sẽ báo kết quả chẩn đoán và cách chữa trị cho bạn. Bên cạnh đó, thông tin về việc bạn gặp bác sĩ chuyên khoa cũng được gởi về cho Hausarzt của bạn để họ nắm tổng quát tình trạng người bệnh của mình.

Vậy để gặp bác sĩ ở Đức, tất cả những gì bạn cần làm là đặt Termin (lịch hẹn) với Hausarzt (người Đức mà ?). Ngoại trừ trường hợp gặp Zahnarzt (nha sĩ), bạn tự tìm nha sĩ và đặt Termin trực tiếp. Một số Hausarzt khá là nguyên tắc và chỉ gặp bệnh nhân có Termin. Trong khi đó, một số bác sĩ khác thì linh hoạt hơn và họ sẵn sàng dành thời gian nếu bệnh nhân cần gặp gấp.

Đối với bác sĩ chuyên khoa, thời gian đợi Termin ít nhất là 1 tháng tới 3 tháng. Một lần, mình bị đau nửa đầu và đợi Termin gặp bác sĩ bên Neurology mất 2 tháng. Lúc đến khám mình đã hoàn toàn bình phục và cảm thấy không cần phải khám nữa. Mình cũng thắc mắc không hiểu, vì theo mình người bệnh cần được thăm khám ngay khi có triệu chứng bệnh.

Nhưng nghĩ lại, quan niệm của người Đức là khi người bệnh vẫn còn chịu được có nghĩa là họ vẫn ổn. Còn nếu không thể chịu đựng được nữa, người bệnh có thể đi khám cấp cứu. Nhưng các bạn nên cân nhắc kỹ càng trước khi quyết định gọi cấp cứu, lý do mình sẽ giải thích trong bài sau. Dù sao, hệ thống y tế của họ cũng được đánh giá là tốt nhất thế giới cũng có lý do của nó.

3. Kinh nghiệm tìm bác sĩ ở Đức

Hausarzt đầu tiên của mình ở Đức khá nổi tiếng ở thành phố, review vào khoảng 4.9. Và vì khá nổi tiếng, bà chỉ tiếp bệnh nhân có Termin và dành cho mỗi bệnh nhân chỉ khoảng 3 phút để nói chuyện và chẩn đoán. Theo mình, thời gian này là quá ít để hiểu được bệnh nhân.

Sau đó, mình đã thử một Hausarzt khác và theo bác tới tận bây giờ. Lý do đầu tiên là phòng khám của bác có đầy đủ dụng cụ để thăm khám những bệnh cơ bản như siêu âm, đo điện tim, etc. Thứ hai là bác thường dành ít nhất từ 5 tới 10 phút để tìm hiểu cặn kẽ xem bệnh nhân cảm thấy như thế nào. Và cuối cùng là sự linh hoạt trong Termin. Mỗi lần mình bệnh mà thấy chịu hết nổi rồi thì cứ chạy lên vì lúc nào bác cũng dành thời gian cho những trường hợp khẩn cấp (mình chỉ sử dụng khi thực sự không chịu đựng nổi).

Theo mình, trình độ của các Hausarzt không có sự khác biệt nhiều lắm. Và vì họ chỉ đảm nhiệm việc thăm khám chẩn đoán những bệnh cơ bản, nếu bạn cảm thấy không hợp hoặc không hài lòng với Hausarzt hiện tại, bạn có thể thử đổi tới khi nào tìm được một người ưng ý.

Đối với hầu hết các bác sĩ chuyên khoa mình đã từng đi, ngoại trừ bác sĩ chuyên khoa da và nha sĩ, mình khá hài lòng và không cần phải đổi nhiều.

4. Quan niệm trị bệnh của người Đức                    

Đối với người Đức hoặc bác sĩ ở Đức, họ quan niệm hoặc đã được dạy rằng cơ thể con người có khả năng tự phục hồi và quá trình này cũng tốt để giúp cơ thể đáp ứng thích nghi tốt hơn. Rằng nghỉ ngơi và thư giãn thì quan trọng và cần thiết hơn là sử dụng thuốc hoặc lạm dụng thuốc.

Người Đức uống các loại trà thảo dược để giúp cơ thể phục hồi khi bị những bệnh thông thường như cảm lạnh thay vì dùng thuốc.
(Photo by Nathan Dumlao on Unsplash)

Mình cho rằng đây là lý do mà đôi khi bạn cảm thấy bệnh kinh khủng nhưng cảm thấy bác sĩ ở Đức lại không quan tâm đủ hoặc không thấy tình trạng của bạn nghiêm trọng như thế nào.

Tuy nhiên, sau ba năm ở đây, mình cũng đã dần bị nhiễm tư tưởng này và thấy cũng khá ổn và khá đúng.

Kết

Trên đây mình giới thiệu với các bạn những thông tin cơ bản về hệ thống y tế và cách thức tiếp cận khi bạn cần hỗ trợ y tế. Về việc tìm bác sĩ ở Đức gần và tiện đường, các bạn chỉ cần hỏi anh google là sẽ có tất cả mọi thông tin.


Phần 2: Khám bệnh chuyên khoa và cấp cứu

Như mình đã giới thiệu phía trên, bước đầu tiên cần thực hiện khi bạn bị bệnh là tìm gặp một Hausarzt hay bác sĩ tổng quát. Dưới sự thăm khám của Hausarzt, họ sẽ quyết định là có cần thiết chỉ định bạn đi gặp bác sĩ chuyên khoa hay vào Krankenhause (bệnh viện) hay không.

Khám chuyên khoa

Nếu bạn cần được chuyển vào khám chuyên sâu, Hausarzt sẽ viết một giấy Überweisung (giấy chuyển viện) với nội dung cần khám chuyên khoa trên đó. Überweisung rất quan trọng và các bạn luôn cần đem nó theo khi gặp bác sĩ chuyên khoa vì:

  • Bác sĩ sẽ biết bạn cần được khám gì. Ví dụ một lần mình bị nhức nửa đầu và được gởi qua Neurology (Khoa Thần kinh). Bác sĩ bên đó lại yêu cầu mình đi gặp một bác sĩ khác chuyên về hình ảnh để chụp MRI. Thời gian đợi để được chụp MRI lên tới ba tháng nên mình quên mất là cất tờ Überweisung ở đâu. Khi gặp bác sĩ, họ không biết mục đích bác sĩ kia gởi mình qua phòng khám để làm gì. Cũng may là mình nhớ bác sĩ kêu chụp MRI toàn diện nên họ đồng ý làm và yêu cầu mình gởi Überweisung lại sau.
  • Việc khám bệnh có được bảo hiểm chi trả không phụ thuộc vào bạn có Überweisung hay không. Trong trường hợp trên, sau khi được khám xong, mình cũng không quan tâm và cứ nghĩ là không cần tờ giấy đó nữa. Khoảng hai tuần sau, mình nhận được thư từ phòng khám với nội dung là nếu trong vòng 1 tuần mình không đem tờ Überweisung tới phòng khám, họ sẽ xuất hóa đơn tiền khám bệnh dưới tên mình vì bảo hiểm không chi trả khi không có giấy chỉ định của bác sĩ.
bac si o duc phau thuat
Khi thăm khám bác sĩ chuyên khoa và có sử dụng những kỹ thuật hiện đại đắt tiền, bệnh nhân chỉ được bảo hiểm chi trả nếu việc thăm khám có sự chỉ định của bác sĩ
(Photo by Olga Guryanova on Unsplash)

Đó, Überweisung tưởng chỉ là tờ giấy nhưng nó lại khá là quan trọng. Sau lần đó, mình có nói chuyện với bên bảo hiểm. Họ xác nhận rằng khi đi thăm khám bác sĩ chuyên khoa và có sử dụng kỹ thuật hiện đại đắt tiền, bệnh nhân chỉ được bảo hiểm trả tiền nếu việc thăm khám là thật sự cần thiết dưới sự chỉ định của bác sĩ.

Việc này theo mình rất thiết thực. Bằng cách kiểm soát chặt chẽ, người bệnh sẽ không tự ý đi bác sĩ chuyên khoa để yêu cầu được khám. Việc kiểm soát chặt chẽ sẽ giúp giảm tải áp lực lên các phòng khám cũng như chi phí khám chữa bệnh.

Tuy nhiên, không phải lúc nào bạn cũng cần Überweisung. Ví dụ: mình được chỉ định đi khám da liễu lần đầu bởi Hausarzt. Sau lần đó, mình không cần giấy từ Hausarzt nữa mà tự đặt Termin bên bác sĩ da liễu đi khám định kỳ. Bởi vì, ở Đức, ở một độ tuổi nhất định, bạn sẽ được tầm soát ung thư da hàng năm. Độ tuổi này được quy định tùy theo hãng bảo hiểm mà bạn sử dụng.

Cấp cứu

Bên trên là những lưu ý khi đi khám chuyên khoa. Còn trong trường hợp bạn bị bệnh vào cuối tuần hoặc ban đêm mà thật sự cần được gặp bác sĩ ở Đức, bạn có thể gọi cấp cứu qua số 112.

cap-cuu-112-o-duc
Xe cấp cứu 112 ở Đức.
(Photo: Malteser)

Tuy nhiên, không phải lúc nào xe cấp cứu cũng xuất hiện ngay lập tức. Có trường hợp họ xuất hiện sau 5 hoặc 10 phút, có khi 20 tới 30 phút. Một phần là tùy vào khu vực bạn sống có xa hay không. Thứ hai là lúc bạn gọi, họ có đang bận với một cuộc gọi cấp cứu khác với tình trạng bệnh nặng và khẩn cấp hơn bạn hay không.

Ở Đức có khá nhiều người già sống một mình nên việc bạn thường xuyên gặp xe cấp cứu đâu đó dọc đường là bình thường.

Về chi phí đối với dịch vụ cấp cứu, bảo hiểm sẽ không chi trả hoàn toàn cho bạn. Mình thì chưa sử dụng dịch vụ bao giờ, chỉ nghe bạn bè kể lại. Chi phí cấp cứu bạn sẽ tự trả nếu bệnh của bạn không thật sự cần thiết phải gọi cấp cứu.

Vì vậy, các bạn nên cân nhắc kỹ trước khi nhấc điện thoại gọi 112. Bạn có thể tự hỏi: liệu bạn có thể chịu đựng nổi tới sáng để đi gặp Hausarzt hay không và có cách gì có thể giúp tình trạng hiện tại của bạn dễ chịu hơn không?

Kết

Theo kinh nghiệm riêng của bản thân mình, dịch vụ y tế ở Đức tốt và mình khá hài lòng về mặt chất lượng. Tuy nhiên, sự hài lòng này cũng một phần phụ thuộc vào chính bản thân bạn. Hãy đổi bác sĩ nếu bạn cảm thấy không ổn. Sẵn sàng chủ động thử qua nhiều bác sĩ ở Đức để tìm ra người bác sĩ hiểu và trị được đúng bệnh của bạn.

Đây cũng là một hành trình và trải nghiệm thú vị đối với dịch vụ y tế ở một nước phát triển. Tuy nhiên, mình hy vọng các bạn sẽ không phải dùng quá nhiều thời gian để trải nghiệm y tế, vì cuộc sống còn nhiều hành trình khác thú vị hơn nhiều!