di-cho-o-duc-khac-gi-so-voi-viet-nam

Đi chợ ở Đức khác gì so với ở Việt Nam

Ở Việt Nam, “đi chợ” vốn là một cụm từ quen thuộc của các bà, các mẹ – những người nội trợ tài ba trong gia đình. Trong khuôn viên trường học, ít thấy có học sinh nào hỏi han nhau là: “Mày đã đi chợ chưa?” hay “Tối nay nấu món gì đấy?”, mà chỉ khoe nhau về tài năng nấu ăn đỉnh cao của bà, của mẹ với món thịt kho tàu, canh rau muống luộc “tốn 3-4 bát cơm”.

Hồi xưa ở Việt Nam, mình còn hay lên thực đơn những món mình thích để giúp mẹ dễ dàng hơn trong việc đi chợ. Thực đơn 7 ngày 1 tuần, mỗi ngày 2 bữa, mỗi bữa 3 món được mình lên chi tiết cặn kẽ và lúc nào cũng được ăn ngon như vậy đó.

Một quầy rau ở siêu thị.
(Photo by nrd on Unsplash)

Đặt chân sang Đức rồi, “đi chợ” là người bạn của mỗi du học sinh. Vì ngoài việc lên lớp học bài, mỗi du học sinh cũng bỗng nhiên trở thành những đầu bếp tài ba trong căn bếp của chính mình. Họ đi chợ chăm hơn để đáp ứng nhu cầu cho cái bụng, và cũng vì hạn sử dụng của sản phẩm nên một tuần phải đi ít nhất là 2 lần, để thực phẩm được tươi và ngon hơn. Vậy, đi chợ ở Đức thực sự tiện lợi như thế ư?

1. Phiên họp chợ và thực phẩm đa dạng

Cả Đức và Việt Nam đều có những phiên họp chợ, nơi có cô bán thịt, anh bán rau, bà bán đậu, bác bán khoai tây, ông bán cá,… và tiếng nói ồn ã của những pha trao đổi hàng hoá. Người đi chợ thỉnh thoảng còn dừng lại buôn chuyện và nhiều khi trở thành khách quen của nhau tự lúc nào, để lần sau mỗi lần hàng ngon hàng tươi là “chị phần em”.

phien hop cho o duc
Một góc quầy bán hoa quả ở một phiên họp chợ ở Đức.
(Photo by ZHANG Shaoqi on Unsplash)
Việt Nam
Từ các con phố lớn (chợ đồng Xuân), đến các ngóc ngách đường đi học, đi làm (chợ Giời, chợ Ngã Tư sở) ở thủ đô, người dân nơi đây lúc nào cũng dễ dàng nhìn thấy những phiên họp chợ đầy màu sắc và tiếng người nô nức ra vào sắm đồ.

Mua xong có khi lại rủ nhau ghé hàng chè trước chợ ngồi khoe nhau định nấu món gì, rồi mới xách giỏ đi chợ về. 
Tay xách đầy túi ni lông mà các cô bán hàng cung cấp. 
Các sản phẩm trong chợ có giá cả hợp lí nên hay được các cô ưu tiên ghé qua.
Đức
Bên Đức, các phiên họp chợ không diễn ra thường xuyên như vậy. Có những phiên tổ chức vào cuối tuần, có phiên thì sau một mùa thu hoạch, lúc đó sẽ có nhiều mặt hàng của mùa thu hoạch đó hơn). 
Người đi chợ ở Đức cũng có thể nhận được mặt hàng đặt trong túi bóng mà người bán đã chuẩn bị. Nhưng cũng có thể mọi người sẽ phải tự mang túi đi
Giá cả ở đây thường đắt hơn mặt bằng chung, vì đồ là mọi người tự tay thu hoạch được ở nông trại của mình, nên nó tươi hơn các sản phẩm để ở quầy đông lạnh trong siêu thị.

Mình đã từng đi mua đồ ở đây vài lần khi có các phiên chợ ở Đức, những quả quýt mình mua được ngon và tươi hơn ở siêu thị nhiều lắm! Cắn miếng nào là hạnh phúc miếng đấy.

2. Các siêu thị lớn

Không gian to hơn, điều hoà mát, sạch sẽ, mặt hàng cũng phong phú hơn.

sieu thi o duc
Khung cảnh trong siêu thị ở Đức
(Photo by Brian Kraus on Unsplash)
Việt Nam
Siêu thị chính là điểm đến ưa thích của người Việt Nam. Có thể kể đến các siêu thị to như là: Big C, L’Place, Lotte Mart, Metro.  
Thế nhưng, vì siêu thị chiếm diện tích đất lớn, nên những người sống ở các đường phố nhỏ khó có thể nào đi siêu thị thường xuyên được. Vì thế, mọi người cần xe máy, xe đạp hoặc đi Grab, Uber đến siêu thị.

Ở các khu nhỏ hơn cũng có hệ thống siêu thị Vinmart, với diện tích nhỏ hơn, nhưng vẫn đủ phục vụ nhu cầu được hưởng thụ điều hoà, và mua được những món hàng trong bao bì “xịn” hơn.
Khi đi những siêu thị lớn ở Việt Nam, mọi người sẽ phải gửi đồ đạc cá nhânxe đẩy thì hoàn toàn miễn phí.

Thậm chí mua xong chúng ta có thể mang xe đẩy ra bãi xe để sắp đồ vào cốp, sau đó nhân viên siêu thị sẽ thu gom chỗ xe đẩy đấy lại.
Sau khi mua hàng, nhân viên thanh toán cũng sẽ tự động xếp đồ của mọi người vào túi của siêu thị và cũng hoàn toàn miễn phí.
Đức
Ở Đức, người người, nhà nhà, ai cũng có thể đi siêu thị, vì hệ thống siêu thị bên này đa dạng và đúng là đỉnh. Có rất nhiều hãng siêu thị lớn mà mọi người có thể để ý được là: Rewe, Lidl, Edeka, Penny, Real, Netto, Kaufland.
Ngoại trừ Kaufland chỉ xây ở những chỗ to (vì cần đất rộng) thì những hãng khác các bạn có thể dễ dàng đi bộ từ nhà và đến được.

Tuỳ từng siêu thị thì mỗi tuần sẽ có những giảm giá cho mặt hàng (Angebot) và quầy thịt tươi nữa.
Chúng ta không cần phải trải qua thủ tục gửi đồ đầy phức tạp, mà dễ dàng mang đồ của mình vào siêu thị (như balo, vali)

Thế nhưng, nếu mọi người muốn lấy xe đẩy thì cần phải chuẩn bị tiền xu (ít nhất là 50 cent) để “sở hữu” cái xe đấy trong thời gian mua hàng.

Sau khi dùng xong, bạn cần phải xếp xe đẩy vào đúng hàng theo quy củ thì mới lấy lại được số tiền vừa cho vào.
Lúc đầu mình cũng hơi bị sốc văn hoá khi túi đi chợ ở Đức mà mình lấy của siêu thị cũng không phải cho miễn phí như Việt Nam, mà cũng phải trả tiền.

Nên từ đó về sau, mình toàn mang theo túi đi chợ riêng (tote bag) để không bị phí mất tiền mua túi này.
Một “đường ray” xe đẩy chở hàng ở siêu thị Rewe, Đức
(Photo by Markus Spiske on Unsplash)

3. Các cửa hàng tiện lợi

Vì tôi luôn có một chiếc bụng đói…
Một cửa hàng tiện lợi giữa đường phố
(Photo by Marcel Painchaud on Unsplash)
Việt Nam
Đáp ứng nhu cầu ăn vặt cho các bạn học sinh trên đường đi học về, các cô các chú ở Việt Nam đã mở ra rất nhiều các hàng đồ ăn vặt trước cổng các trường hay trên đường đi học về (thậm chí ở tất cả mọi nơi ấy!).

Xiên que đủ loại màu, kẹp với chiếc bánh mì xinh xinh, nem chua rán, bim bim, bánh oreo, kem, nước ngọt,… là những món đồ cứu đói và luôn “níu” chân lại các bạn học sinh sau giờ tan học một chút trước khi về nhà.  
Buổi tối, khi quá đói, các cửa hàng ăn đêm cũng mở ra phục vụ, hỗ trợ cho tình thần “ham học” của các cháu.

Các quán tạp hoá bánh kẹo hầu hết toàn đóng cửa lúc 10-11 giờ. Còn các hàng ăn đêm hầu như mở đến tận sáng với bún, phở, xôi gà,…

Hay bây giờ còn có hệ thống cửa hàng tiện lợi 24/7 Circle K mở khắp các phố phường để các bạn vào nhâm nhi cốc milô với bát mì tôm cùng học nhóm, kể cả vào lúc nửa đêm.
Trước đây ở Hà Nội, nhà mình cũng không phải ở phố lớn gì nhưng các cửa hàng tạp hoá thì vẫn cứ gọi là đông đúc tấp nập, phục vụ tinh thần ăn uống nhất quả đất!
Đức
Sang Đức, các du học sinh cũng không cần phải sợ. Dù sự thật là các cửa hàng bên này mở cửa muộn và đóng cửa cũng rất sớm.

Nhưng đồ ăn vặt thì các bạn cũng có thể dễ dàng tìm được trong các Kiosk, chỉ có điều giá hơi đắt thôi.
Các cửa hàng Fast food đồ ăn nhanh cũng mở cửa xuyên đêm, như Mc Donald, Burger King,..

Nên khi các bạn lạc đến một thành phố nào đó lúc nửa đêm, cũng đừng khóc vì đói nhé, vì rất nhiều cửa hàng vẫn mở cho bạn đó!
Mình đang sống tại Köln và thành phố này có rất nhiều Kiosk. Bọn mình còn được anh chị khoá trên dẫn đi Kiosk-Tour mà cứ phải ồ oà vì cứ đi 500m lại thấy mấy hàng Kiosk rồi.
Biểu tượng của cửa hàng tiện lợi Circle K, bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy ở bất cứ con phố nào. Mọi người có biết “Circle K” chính là OK không?
(Photo by Anh Vy on Unsplash)

4. Thẻ tích điểm

Mọi người có nhớ hồi nhỏ, chúng ta vẫn hay thích chơi mấy trò chơi tích điểm rồi đổi quà không? Như kiểu mấy trò chơi xèng trên Vincom hay các trung tâm thương mại ý.

Người lớn họ cũng có cách tích điểm riêng của họ. Ở cả Việt Nam và Đức, các bạn đều dễ dàng làm thẻ thành viên và tích điểm sau mỗi lần mua hàng.

Hồi xưa ở Việt Nam mình làm thẻ Vinmart và tích đủ điểm để mua cho mẹ một chai nước mắm mà không cần lôi tiền mặt ra đấy. 

Cứ mỗi lần tính tiền là chỉ cần để cái thẻ vào một cái máy quét là chúng ta đã tiết kiệm được điểm rồi.
(Photo by Blake Wisz on Unsplash)

Bên Đức cũng vậy, mình cứ hay gọi đấy là một khoản đầu tư vậy. Sau khi mua đồ ăn, đống đồ ăn đấy không chỉ giúp mình no bụng, mà nó còn được tích vào một quỹ để về sau chúng ta dùng điểm đấy để trả tiền một món hàng nào đó thì sao? Cảm giác có được một món hàng mà chúng ta tự tích góp được thật tuyệt đúng không?

Khi tải app về, các bạn còn có thể “aktivieren” (kích hoạt) những Coupon có sẵn trong đó và tích được nhiều điểm gấp đôi đó. Nghe thật tuyệt đúng không? 

Cuộc sống du học sẽ giúp mọi người trưởng thành từng ngày, từ những hành động nhỏ nhất. Vì giờ, không ai nhắc bạn đi mua hành như hồi xưa nữa rồi, mà bạn vẫn tự nguyện đi mua hành để lo cho món thịt bò xào hành tây chẳng hạn. Tự lo cho bản thân mình từ bữa ăn là bố mẹ đã tự hào về mọi người lắm rồi! Về Việt Nam chơi, nhất định mình sẽ đi chợ để nấu cho bố mẹ mình những món ăn thật ngon mà đã cứu đói mình trong những ngày tháng bên này. Chúc các bạn du học sinh đi chợ ở Đức vui vẻ!


Leave a Comment