du-hoc-duc-chuyen-di-zahnarzt-nha-si

Du học Đức: Chuyện đi Zahnarzt (nha sĩ) và nhổ răng khôn

Cũng như ở Việt Nam, ở Đức khi bạn có vấn đề về răng miệng, bạn có thể tìm và đặt Termin trực tiếp với nha sĩ. Lưu ý quan trọng khi đặt Termin (lịch hẹn) với nha sĩ:

Phòng nha sẽ yêu cầu bạn ký giấy về Datenschutz và một số Bedingungen (điều khoản và điều kiện). Một số phòng nha sẽ kèm một điều kiện là nếu bạn có Termin nhưng không đến và cũng không gọi điện trước 24 giờ để hủy Termin, bạn sẽ bị bắt đóng phí phạt. Tùy theo phòng nha, phòng nha mình đi phí này lên đến 90 euro. 

Vì vậy, các bạn hãy cẩn trọng. Tốt nhất là lưu Termin trong lịch nhắc nhở trên điện thoại. Trong trường hợp bạn không thể đến được, hãy gọi điện hủy Termin. Việc này không những nên làm với Termin phòng nha mà còn nên làm với bất cứ bác sĩ nào bạn có Termin. Họ sẽ rất hài lòng nếu bạn làm như vậy và Termin của bạn có thể được sử dụng cho người khác.

Du học Đức: Tìm nha sĩ

Như mình đã nói, ở mỗi khu trung tâm dân cư đều có Praxis (phòng khám) của hầu như tất cả các bác sĩ chuyên khoa. Và nha sĩ và Hausarzt là hai bác sĩ mà bạn có thể tìm thấy dễ dàng nhất.

Tuy nhiên, có một sự khác biệt nhỏ về giá cả giữa các Praxis nha khoa. Vì sao lại về giá cả? Khi bạn đi gặp nha sĩ, bảo hiểm sẽ vẫn chi trả chi phí khám chữa răng trong trường hợp bạn bị các bệnh về răng miệng. Mặc dù vậy, nha sĩ vẫn có nhiều cách khác nhau để kiếm thêm tiền từ túi của bạn.

phong kham nha si du hoc duc
Nha sĩ và Hausarzt là hai bác sĩ mà bạn có thể dễ tìm thấy nhất
(Photo: Zahnärztin Katja Vollrath)

Một lần mình bị đau răng do có lỗ sâu và lâu không được cạo vôi, mình cần được trám lỗ sâu và cạo vôi răng. Lúc đó, nha sĩ hỏi mình muốn trám răng với vật liệu nào?

Cô đưa cho mình một danh sách lên tới năm loại vật liệu với các mức giá tăng dần để lựa chọn, mà theo mình nó khá là mắc, từ 500 tới cả ngàn euro. Mình đã nhanh trí hỏi cô là bảo hiểm không trả cho việc trám răng à. Cô trả lời: “vật liệu trám răng được chi trả bởi bảo hiểm là loại rẻ tiền nhất và chỉ có độ bền khoảng 10 tới 20 năm, không có nhiều người chọn loại đó”.

Mình sinh viên nghèo nên đã nói cô cứ dùng loại được trả bởi bảo hiểm. Theo mình, nó vẫn khá là ổn và không tốn kém.

Về phí cạo vôi răng, cô báo là bảo hiểm không chi trả cho dịch vụ này. Phí cho dịch vụ cạo vôi răng là 60 euro cho một lần và sinh viên sẽ được giảm giá 10%.

Lần thứ hai mình đi khám một bác sĩ khác, bác này nhổ răng khôn cho mình và cũng đề nghị mình nên cạo vôi răng. Tuy nhiên, giá cho một lần cạo vôi ở phòng của bác khá mắc: 90 euro cho một lần và giảm giá 10% cho sinh viên. Theo bác, giá mắc là do mình cần được cạo vôi sử dụng kỹ thuật cao.

Lý do cho sự khác biệt về giá cả ở hai Praxis theo suy nghĩ của mình là do vị trí địa lý của phòng nha. Cô nha sĩ đầu có phòng ở vùng ngoại ô thành phố. Còn bác thứ hai có phòng khám nằm ở trung tâm thành phố.

Nói chung, chất lượng tay nghề của các nha sĩ khá đồng đều. Các bạn không cần chọn mấy bác có phòng khám ở trung tâm, mà nên chọn các nha sĩ xa trung tâm để giảm chi phí. Và những dịch vụ chăm sóc răng miệng cơ bản như cạo vôi răng, bạn cứ về Việt Nam làm sẽ rẻ hơn và chất lượng tương tự.

Các nha sĩ vẫn có nhiều cách khác nhau để lấy tiền từ túi của bạn
(Photo by Candid on Unsplash)

Du học Đức: Nhổ răng khôn

Một điều thú vị là nha sĩ Đức luôn đề nghị bạn để nhổ cả bốn cái răng khôn cùng lúc, nếu bạn vẫn còn đủ 4 cái. Mình không hiểu lý do của việc này. Nhưng theo cá nhân mình là không nên.

Sức khỏe của người Việt Nam không tốt bằng người Đức, việc nhổ 4 cái cùng lúc có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe:

  • Do mất nhiều máu trong quá trình nhổ răng, nhất là đối với các bạn có tiền sử yếu tâm lý hoặc huyết áp thấp.
  • Thiếu dinh dưỡng sau khi nhổ. Nếu bạn nhổ mỗi lần hai cái cùng một bên, bạn vẫn có thể ăn được bằng bên còn lại.

Thêm vào đó, sức chịu đựng của người Việt cũng yếu. Việc nhổ 4 cái cùng lúc với cơn đau kéo dài, không có bạn bè người thân chăm sóc sẽ làm bạn xuống tinh thần nhanh chóng.

Vì vậy, mình khuyên các bạn cứ mạnh dạn nói với bác sĩ là muốn chia ra làm hai lần nếu bạn cần nhổ răng ở hai bên khác nhau. Tất cả chi phí đều được bảo hiểm trả nên bạn không cần phải lo lắng về chi phí phát sinh.

Trước khi nhổ răng, bác sĩ sẽ tư vấn và căn dặn về phương pháp nhổ răng, việc ăn uống và thời gian thăm khám sau khi nhổ. Mọi thắc mắc bạn cũng nên hỏi trước khi nhổ, vì sau khi nhổ bạn…không mở miệng nói được nữa.

Phương pháp nhổ răng:

  • Nhổ gây tê tại chỗ. Bác sĩ sẽ tiêm thuốc tê vào nứu và nhổ theo cách thông thường.
  • Gây tê và gây mê dành cho các bạn quá sợ hãi đối với việc nhổ răng.

Nhưng theo mình, gây mê là không cần thiết và tốn kém. Không cần thiết vì liều thuốc gây tê đã đủ mạnh để làm bạn mất hoàn toàn cảm giác đau trong quá trình nhổ. Tốn kém vì bạn sẽ phải tự thanh toán chí phí thuốc gây mê.

nha si du hoc duc
Tay nghề của các nha sĩ khá đồng đều, các bạn không nên chọn các bác ở trung tâm. Ngược lại nên chọn mấy bác xa trung tâm để giảm chi phí
(Photo by Hao Shaw on Unsplash)

Mình đã từng nhổ răng khôn ở cả Việt Nam và Đức. Theo mình, tay nghề của các bác sĩ bên Đức cũng khá chắc (có thể là do mấy anh khỏe hơn nên tay mạnh hơn, làm gọn gàng hơn ^^). Răng khôn của mình từ lúc nạy tới lúc lôi ra ngoài chưa tới một phút và mình không cảm thấy gì cả.

Sau một tuần, vết thương ở nứu đã hoàn toàn lành lại, mặc dù mình vẫn còn sốt nhẹ và hơi đau. Bác sĩ bảo cứ an tâm, vết lành rất tốt nhưng do chưa hoàn toàn lành bên trong nên mình còn triệu chứng. Nếu so với lần nhổ răng khôn ở Việt Nam, mình cảm thấy việc nhổ răng khôn ở Đức nhẹ nhàng hơn và bình phục nhanh hơn nhiều.

Cần kiêng cử sau nhổ răng khôn

Nha sĩ sẽ dặn bạn những việc cần kiêng sau khi nhổ răng khôn, thông thường nhất là:

  • Không được ăn các sản phẩm từ sữa như sữa tươi, yogurt, käse để đề phòng bị nhiễm trùng vết thương. Lý do là trong các sản phẩm này, hàm lượng vi sinh vật khá cao.
  • Không nhai cơm hoặc các loại hạt, những loại có thể rơi vào trong lỗ trống do việc nhổ răng để lại.
  • Theo mình, cháo và súp là hai lựa chọn tốt sau khi nhổ răng.

Kết

Câu hỏi về việc nhổ răng khôn rất thường được các du học sinh Việt Nam tại Đức đặt ra. Nhất là có nên nhổ tất cả răng khôn cùng lúc và liệu bảo hiểm có chi trả cho việc này không. Mình hy vọng bài viết này cung cấp đầy đủ những thông tin cơ bản để các bạn có thể tự quyết định nên làm gì trong trường hợp này. Đồng thời, các bạn cũng nên cẩn thận, hỏi kỹ càng những dịch vụ mà các nha sĩ đưa ra, xem liệu có được bảo hiểm chi trả hay phải tự trả.