Du học Đức thì ăn gì?
Khi đi du học Đức, sự khác biệt văn hoá đầu tiên mà bạn có thể gặp phải là khác biệt về ẩm thực. Khi nghĩ tới những món ăn đặc trưng của Đức, bạn nghĩ tới những hình ảnh nào? Bánh mì? Khoai tây? Xúc xích? Thực hư ra sao, dưới đây mình sẽ giải đáp những “lời đồn” phổ biến về ẩm thực Đức và gợi ý cho bạn những loại thực phẩm mà các du học sinh nên để ý tới.
Tổng quan
Người Đức ăn rất nhiều bánh mì
Đúng. Trong văn hoá ẩm thực phương Tây, nguồn tinh bột chủ yếu đến từ lúa mì và khoai tây chứ không phải từ lúa gạo như phương Đông. Do điều kiện khí hậu và tài nguyên đất phù hợp với việc trồng lúa mì, ở Đức đã hình thành văn hoá bánh mì lâu đời và trở thành niềm tự hào của mọi công dân Đức.
Ngày nay, có khoảng 3.300 loại bánh mì được sản xuất tại Đức, phục vụ cho nhu cầu thiết yếu hàng ngày của hơn 80 triệu người dân. Khi du học tại Đức, bánh mì cũng sẽ trở thành một phần không kém phần quan trọng trong chế độ dinh dưỡng của bạn.
Bạn có biết: Năm 2014, văn hoá bánh mì Đức (Deutsche Brotkultur) được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể tại Đức. Mùng 5 tháng 5 hàng năm được coi là “Ngày Bánh mì Đức” (Tag des deutschen Brotes).
Bạn có thể mua bánh mì ở mọi nơi, từ tiệm bánh, siêu thị, cho tới những cửa hàng tiện lợi ở các bến tàu. Giá bánh mì trong siêu thị là rẻ nhất, nhưng bánh mì ở tiệm bánh mới là ngon nhất. Để có giấy phép mở tiệm bánh, người ta phải đi học nghề làm bánh và có khả năng sáng tạo ra những công thức của riêng mình. Vì thế nên bánh ngoài tiệm thực sự “đắt xắt ra miếng”. Mẹo nhỏ cho các bạn du học sinh bận rộn là khi mua bánh mì ngon về, bạn có thể cất bớt vào tủ đông và bỏ vào lò nướng lại khi muốn ăn.

(Photo by Emrah Tolu from Pexels)
Chẳng phải phóng đại khi nói người Đức ăn bánh mì mọi lúc mọi nơi. Bữa sáng kiểu Đức bao gồm bánh mì, trứng luộc, bơ lạt, mứt và các loại thịt nguội thái lát. Bánh mì cũng có thể ăn vào buổi trưa.
Ngày mới sang Đức, khi còn đi học dự bị ĐH, ngày nào mình và các bạn cũng kẹp bánh mì để mang tới trường ăn trong giờ giải lao buổi trưa. Những chiếc bánh mì kẹp có lẽ là kỷ niệm khó quên đối với bất kỳ ai đã từng du học tại Đức. Trong tiếng Đức, có 2 cách gọi tên bữa tối, “das Abendessen” hoặc “das Abendbrot”. Lý do là bởi nếu như người Việt ăn cơm tối thì người Đức ăn bánh mì cho bữa tối.

(© Zentralverband d. Deutschen Bäckerhandwerks e.V.)
Bánh mì có rất nhiều loại và không phải loại nào cũng tốt cho sức khoẻ. Ví dụ như bánh mì trắng rất dễ ăn nhưng lại là tinh bột qua xử lý nhiều nên không chứa còn nhiều chất dinh dưỡng nữa. Để đảm bảo sức khoẻ, khi đi Đức du học, bạn nên chọn những loại bánh nguyên cám và có trộn thêm các loại hạt để bổ sung chất béo tốt cho trí não. Nếu bánh mì đen quá khó ăn thì bạn có thể thử “Mischbrot”, loại bánh mì có cốt trộn bột mì với các loại bột nguyên cám.
Người Đức có vô vàn cách chế biến khoai tây
Đúng. Thật thế, không biết do người Đức đam mê khoai tây nên họ nghĩ ra được nhiều món, hay do khí hậu ôn đới với mùa đông lạnh buộc họ phải “tuỳ cơ ứng biến” trong những tháng mùa đông. Dù thế nào đi chăng nữa, một trong những điều làm mình ngạc nhiên nhất khi đi du học Đức là sự đa dạng của những món ăn từ khoai tây.
Trước khi đi Đức du học, mình chỉ biết tới khoai tây chiên (Pommes frites) hay khoai tây nghiền. Cho đến khi đã là du học sinh tại Đức, mình mới có cơ hội thử nhiều món ăn chế biến từ loại rau củ rất đỗi bình thường này.
Điểm qua những món được chế biến trực tiếp từ khoai tây, chúng ta có khoai tây chiên (Pommes frites), khoai tây nguyên vỏ bỏ lò (die Ofenkartoffeln), khoai tây luộc với muối và bơ lạt (die Salzkartoffeln), khoai tây nướng với các loại thảo mộc như ngò tây hay hương thảo, các biến thể của khoai tây nghiền (Kartoffelbrei, Kartoffelpüree, Schneekartoffeln), khoai tây thái lát chiên với hành tây (Bratkartoffeln), v.v.
(Photo by Stefan Vladimirov on Unsplash)
Nếu như người Ý dùng lát mì để nướng lasagne, thì người Đức dùng khoai tây thái lát. Những món nướng trong khuôn với khoai tây và phủ phô mai được gọi là “Kartoffelgratin”. Không chỉ thế, khoai tây còn là thành phần không thể thiếu trong nhiều món ăn như các loại súp, salad, và món hầm. Do khoai tây là một trong những nhu yếu phẩm của người Đức, nên giá bán luôn được giữ ở mức rất thấp, phù hợp với hầu bao du học sinh.
Uống bia, ăn xúc xích và bánh Brezel
Đúng, nhưng không phải ngày nào cũng thế. Nhờ có lễ hội bia Oktoberfest mà bia Đức nổi tiếng trên khắp thế giới. Có lẽ bạn cũng đã từng thấy hình ảnh những chàng trai mặc quần da (Lederhosen) và các cô gái mặc váy Dirndl, xúc xích trắng (Weißwurst), bánh Brezel và những vại bia khổng lồ.

(Photo by Brett Sayles from Pexels)

(Photo by Brett Sayles from Pexels)
Và đúng như cái tên “Oktoberfest” đã gợi ý, lễ hội này thường diễn ra từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10 hàng năm. Trên thực tế, không phải ngày nào người Đức cũng uống bia, ăn xúc xích hay ăn Brezel. Người Đức thích uống bia nên họ sản xuất nhiều loại bia từ các giống lúa mạch và áp dụng các cách nấu bia khác nhau.
Mình không thích uống bia, nhưng theo cảm nhận của các bạn du học sinh khác cũng như người bản địa thì bia từ các bang phía nam như Bayern hay Baden-Württemberg thường ngon và dễ uống hơn. Bia này làm từ lúa mì men (Hefeweizen) và cũng là loại bia được phục vụ ở Oktoberfest.
Còn về Brezel, loại bánh thực ra không có gì khác bánh mì thông thường, ngoài việc trước khi đưa vào lò nướng, người thợ nướng bánh sẽ nhúng bột qua dung dịch Natriumhydroxid loãng để khi nướng xong, bánh có lớp vỏ nâu bóng.
Cũng chính vì dung dịch này mà lớp vỏ của bánh Brezel có vị mặn đặc trưng. Sau khi nướng, người thợ cũng sẽ rắc thêm muối hạt lên bánh. Vì bánh Brezel mặn nên người ăn sẽ thấy khát nước, khi khát nước, người ta sẽ muốn uống nhiều bia lạnh hơn. Đó là lý do mà bộ ba bia, Brezel và xúc xích đã trở thành biểu tượng của lễ hội Đức.
Còn những ngày bình thường thì sao? Khi mới sang Đức du học, mình được thầy cô dạy cho câu thành ngữ:
“Kein Bier vor vier”
(Không uống bia trước 4 giờ chiều)
Tuy không phải là một luật lệ mà ai cũng tuân theo, nhưng nhìn chung thì người Đức thường uống bia sau khi tan làm và trong những ngày nghỉ cuối tuần.
Những món ăn yêu thích của người Đức

Kết quả: Đứng đầu bảng là các món thịt, xếp nhì là các món mì và hạng ba là các món với rau.
Nhìn chung, phải công nhận là người Đức tiêu thụ nhiều thịt, và đa phần thức ăn nêm nếm mặn hơn đồ Việt rất nhiều. Bên cạnh thịt, người Đức còn ăn nhiều tinh bột qua chế biến, các sản phẩm từ sữa và đường tinh luyện. Vì vậy, khi đi du học Đức, bên cạnh việc thích nghi với ẩm thực nước bạn, mình khuyên bạn nên tiếp thu có chọn lọc những thói quen ăn uống ở đây.
Một quy tắc vô cùng hữu ích cho dù bạn ở bất cứ đâu là “mùa nào thức nấy”. Khi mua rau củ, hoa quả theo mùa, bạn vừa được giá rẻ, vừa được chất lượng tốt nhất. Bên cạnh đó, việc lên thực đơn theo tuần cũng sẽ giúp bạn tiết kiệm được chi phí và đảm bảo dinh dưỡng, vì có những nguyên liệu có thể dùng được cho nhiều món khác nhau.
Thế để thấy, khi đi du học, chúng ta không chỉ học con chữ, mà còn học được những kỹ năng quản lý cuộc sống vô cùng hữu ích nữa!