du-hoc-duc-va-5-dieu-can-tranh

Du học Đức và 5 điều cần tránh

Đất nước nào cũng có những quy chuẩn xã hội riêng mà ai cũng phải tôn trọng. Ông cha ta đã đúc kết được bài học đó bằng câu thành ngữ “Nhập gia tuỳ tục”. Kỹ năng thích nghi với môi trường sống quả thật vô cùng cần thiết cho bất cứ ai có ý định du học và sinh sống tại Đức. Vậy nếu bạn sắp hoặc đang du học Đức, chúng ta hãy cùng điểm lại xem có những điều gì cần chú ý trong cuộc sống hàng ngày ở đây nhé!

Du học Đức: Trễ hẹn

Sự đúng giờ là một trong những đức tính hay được nhắc đến nhất của người Đức. Những gì phim ảnh, báo chí phản ánh về việc tôn trọng giờ hẹn quả thực không phóng đại chút nào. Trong tiếng Đức có một câu nói nửa đùa nửa thật đúc kết nguyên tắc vàng sau:

“5 Minuten zu früh ist pünktlich, pünktlich ist unpünktlich und unpünktlich ist unverzeihlich”

(Sớm 5 phút là đúng giờ, đúng giờ là trễ hẹn, và trễ hẹn là việc không thể tha thứ được).
du hoc duc tre hen
Ngay cả khi bạn đến sau giờ hẹn 1 phút, bạn cũng đã trễ hẹn!
(Photo by Damian Patkowski on Unsplash)

Nếu như ở Việt Nam, 15 phút cao su là chuyện bình thường, thì đối với người Đức, một người đi trễ hẹn là người thiếu tôn trọng người khác, không biết sắp xếp công việc và vì thế không phải là một người đáng tin cậy.

Đặc biệt, với những bạn du học sinh, việc đi muộn có thể khiến giáo sư có ấn tượng xấu về bạn. Dù có lấy lý do nào đi chăng nữa, những người Đức vốn quen đúng hẹn sẽ không khỏi cảm thấy bị thiếu tôn trọng khi phải chờ đợi bạn.

Thực ra đây là một kinh nghiệm xương máu của mình. Chuyện là cuối một dự án kéo dài suốt cả kỳ học, mỗi người có cơ hội gặp riêng giáo sư để nghe phản hồi về báo cáo cuối dự án. Cuối buổi gặp mặt, giáo sư đã nói riêng với mình thế này:

Điểm mà cô đã cho em chỉ dựa duy nhất vào chất lượng của báo cáo. Thế nhưng, cô muốn nhắc em hãy chú ý tới việc đi học đúng giờ. Cô đã cảm thấy không được tôn trọng lắm khi em thường xuyên đi muộn, và cô có thể tưởng tượng là những giáo sư khó tính khác hoàn toàn có thể cho điểm em kém hơn vì điều này.

Sau khi nghe những lời đó, mình đã thấy xấu hổ vô cùng và quyết định chấn chỉnh lại thói “cao su”, không chỉ với việc đi học, mà là bất cứ khi nào có hẹn với người khác. Nếu mình không đi du học Đức, chưa chắc mình đã bỏ được thói quen xấu này.

Du học Đức: Không đặt lịch hẹn

Điều tồi tệ thứ nhì mà bạn có thể mắc phải sau việc trễ hẹn là việc không có lịch hẹn. Để mọi công việc có thể diễn ra một cách hiệu quả nhất, người Đức luôn tính toán và phân bổ thời gian từ trước bằng cách đặt lịch hẹn. Bạn có thể đặt lịch hẹn với mọi dịch vụ, văn phòng cũng như với tất cả mọi người.

Ví dụ, nếu là sinh viên, bạn sẽ có lịch hẹn với giáo sư khi cần được tư vấn; khi có việc cần tới Sở ngoại kiều, bạn cũng sẽ phải có lịch hẹn hoặc lấy số thứ tự trong phòng chờ; khi bị ốm, bạn phải gọi điện tới phòng khám xin lịch khám bệnh (trừ trường hợp phải cấp cứu); khi muốn gặp bạn bè người Đức, bạn cũng nên hỏi trước và thống nhất thời gian địa điểm gặp mặt, v.v.

Ngày nay, nhờ có công nghệ nên việc đặt lịch hẹn đã trở nên tiện lợi hơn rất nhiều. Nếu như nỗi sợ chung của du học sinh ở Đức là phải nói chuyện qua điện thoại (vì tiếng chưa tốt), thì bây giờ, rất nhiều phòng khám, nhà hàng cũng như cơ quan nhà nước đã phát triển thêm dịch vụ đặt hẹn qua mạng.

Tuy vậy, việc thực hành giao tiếp qua điện thoại cực kỳ có lợi cho những bạn đang học tiếng Đức. Lâu dần, phản xạ của bạn sẽ tốt lên rất nhiều, và việc chỉ có thể dùng từ ngữ để diễn đạt sẽ rèn cho bạn cách truyền tải cũng như tiếp nhận thông điệp một cách hiệu quả nhất khi không có sự trợ giúp của ngôn ngữ hình thể hay biểu cảm khuôn mặt.

Vậy nên, để tốt tiếng Đức… hãy chăm chỉ đặt lịch hẹn qua điện thoại!

du hoc duc dat lich hen
Der Terminkalender
(Photo by Eric Rothermel on Unsplash)

Một mẹo nhỏ giúp bạn thích nghi được với văn hoá đặt lịch hẹn dường như rất cứng nhắc này, là việc ghi chép những lịch hẹn của bản thân mình vào ứng dụng trên điện thoại như Google Calendar, Outlook hoặc luôn mang theo một quyển sổ tay nhỏ bên người. Để phục vụ cho nhu cầu đặc biệt này của người Đức, ngoài hiệu sách luôn bán đủ mẫu mã sổ tay nhỏ gọn đi kèm lịch tuần, lịch tháng. Từ tiếng Đức cho những cuốn sổ như thế là “der Terminkalender”.

Du học Đức: Vượt đèn đỏ khi qua đường

du hoc duc vuot den do
Đèn hiệu giao thông màu xanh có gì khiến người Đức tuân thủ chặt chẽ đến vậy?
(Photo by Randy Tarampi on Unsplash)

Việc người đi bộ đứng chờ đèn xanh ở Đức giống như một cuộc thi xem ai tuân thủ nguyên tắc hơn. Có lẽ đa phần du học sinh khi mới sang Đức sẽ thấy thắc mắc khi chứng kiến khung cảnh này. Người Đức luôn kiên nhẫn đứng đợi đèn giao thông và không bao giờ vượt đèn đỏ để qua đường, ngay cả khi không có phương tiện nào khác trên đường. 

Lý do đơn giản đằng sau đó chính là điều số §37 StVO (Luật Giao thông) – điều luật nghiêm cấm người đi bộ vượt đèn đỏ dưới mọi hình thức. Nếu cảnh sát giao thông chứng kiến người đi bộ nào vượt đèn đỏ, người đó sẽ phải bị phạt tiền (5 Euro nếu không xảy ra tai nạn, 10 Euro nếu xảy ra tai nạn).

Vì ý thức tuân thủ luật lệ ở Đức rất cao, nên bạn sẽ rất hiếm khi nhìn thấy người đi bộ nào vượt đèn đỏ. Kể cả khi không có cảnh sát giao thông ở gần, chỉ cần thử vượt đèn đỏ một lần thôi, bạn sẽ được trải nghiệm những ánh nhìn không hài lòng và thậm chí là cả những lời bất bình từ người đi đường.

Các bạn du học sinh hãy chú ý tới nguyên tắc đơn giản mà vô cùng quan trọng này nhé!

Trong kỳ học trao đổi tại Pháp, nơi người dân không tuân thủ luật giao thông chặt chẽ như ở Hamburg, người đi bộ thường không đợi đèn xanh khi không có phương tiện khác lưu thông trên dường. Khỏi phải nói là mình đã thấy thân thuộc như thế nào khi sống ở đây. Nhưng quay trở lại Đức, mình phải hình thành lại ngay thói quen đợi đèn đỏ.

Du học Đức: Không xì mũi thành tiếng

du hoc duc xi mui thanh tieng
Ở Đức, bạn sẽ thấy nhiều người thoải mái xì mũi thành tiếng ở nơi công cộng. Đó là điều rất bình thường và lịch sự
(Photo by Kelly Sikkema on Unsplash)

Đây là một minh chứng rõ nét cho sự khác biệt văn hoá Á-Âu. Nếu như ở Việt Nam, hành động xì mũi thành tiếng nơi công cộng bị đánh giá là mất lịch sự, thì ở Đức, việc bạn hít vào khi bị sổ mũi mới là mất lịch sự. Về mặt sức khoẻ, việc làm này sẽ khiến tình trạng sổ mũi của bạn trở nên tệ hơn.

Ngoài ra, sổ mũi là vấn đề sức khoẻ rất phổ biến, chẳng có lý do gì khiến bạn phải xấu hổ về cơ thể mình cả. Khi bạn nhịn sổ mũi, người Đức sẽ thấy khó chịu khi bạn giữ những chất thải tự nhiên trong cơ thể đấy!

Lý do khiến mình biết được điều này là vì có lần mình và bạn người Đức đang đi ngoài đường thì chúng mình bắt gặp một người đang khịt mũi. Bạn mình liền nói ngay: “Khiếp, bị sổ mũi thì phải xì ra chứ hít vào thế kinh chết đi được!” 

Vậy nên, nếu lỡ bị sổ mũi, bạn hãy yên tâm xì mũi thành tiếng ở nơi công cộng nhé, miễn là bạn không làm phiền hay lây bệnh cho người khác. Bạn nên lưu ý khử trùng những mặt phẳng tiếp xúc như tay, bàn làm việc, điện thoại, v.v. để giữ vệ sinh cho bản thân và những người xung quanh.

Nếu bị ốm, bạn nhớ đặt lịch hẹn với bác sĩ đa khoa (Hausarzt) để nhận giấy phép nghỉ làm, nghỉ học tạm thời.

Du học Đức: Không giới thiệu bản thân khi nghe điện thoại

du hoc duc gioi thieu ban than nghe dien thoai
Khi mới sang Đức, đôi khi mình không hiểu tại sao người ở phía bên kia đường dây lại hỏi tên mình một cách khó chịu…
(Photo by Icons8 team on Unsplash)

Hoá ra là ở Đức, khi bạn không biết ai đang gọi điện cho mình, bạn cần phải nêu tên mình khi nhấc máy. Người Đức sẽ cho rằng bạn thiếu kỹ năng xã hội tối thiểu khi bạn chỉ “Alo” mà không nói gì thêm. Ngay cả khi là người chủ động gọi điện, bạn cũng nên giới thiệu tên mình.

Để có thể lý giải cho thói quen này, có lẽ ta nên nhắc tới tính thực dụng của người Đức. Khi biết được đối tác trong cuộc hội thoại là ai, họ có thể vào thẳng vấn đề và tiết kiệm thời gian. 

Một mẹo nhỏ cho bạn khi gọi điện thoại ở Đức là hãy hỏi lại xem người kia có tiện nói chuyện hay không, ngay cả khi hai người đã hẹn lịch với nhau từ trước. Đó là một hành động nhỏ không mất công sức gì, nhưng lại cho thấy bạn là người lịch sự và chu đáo.

Đến đây, có lẽ bạn cũng nhận ra tầm quan trọng của khả năng giao tiếp qua điện thoại. Nếu như email hay thư từ là phương tiện liên lạc mang tính chính thức, thì những cuộc điện thoại cho phép con người giải quyết những vấn đề cấp thiết nhanh hơn rất nhiều lần. Nhất là khi đang học tiếng Đức hay đang du học ở Đức, khả năng giao tiếp qua điện thoại sẽ là hành trang cực kỳ quý giá giúp bạn dễ dàng hội nhập vào văn hoá bản địa.

Trên đây là 5 điều cơ bản mà bạn nên tránh khi du học tại Đức, đặc biệt là trong những ngày đầu mới sang đây. Hy vọng dù đang học tiếng Đức hay đã là du học sinh, những mẹo nhỏ này có thể giúp bạn hiểu hơn một chút về văn hoá Đức và qua đó tránh được những rắc rối không đáng có nhé!


2 Comments

Leave a Comment