Du học sinh và chuyện xem phim ở Đức
Là một mọt phim ảnh, tôi sống ở đâu cũng thắc mắc rạp phim ở đó ra sao, người dân thì thường xem phim dưới hình thức gì và xem những thể loại phim nào. Cá nhân tôi đánh giá văn hoá phim ảnh của Đức khá là đặc biệt nên muốn viết một bài đúc kết lại quan sát và suy nghĩ của mình. Tôi sẽ lấy ví dụ ở Hamburg – một thành phố lớn của Đức mà tôi tin cũng là một tụ điểm văn hóa và có thể đại diện được cho xu hướng xem phim ở Đức nói chung.
Tổng quan
Cuộc sống của rạp phim ở Đức không nô nức như ở Việt Nam
(Photo by x1klima on flickr)
Hồi còn ở Hà Nội, tháng nào tôi cũng ra rạp xem phim ít nhất một lần, nhiều thì hai ba lần. Giới trẻ Việt Nam rất ưa thích xem phim rạp. Rạp phim ở nhà bây giờ mọc lên như nấm. Lúc nào ra cũng đông người và nhộn nhịp. Tôi thì lại không thích xem rạp hệ thống, to và đông nên hay tìm cho mình những rạp nhỏ lẻ, không nổi tiếng, giá phải chăng và ít người. Tuy nhiên dù có ít người biết đến thì cấu trúc rạp vẫn thường rất to và rộng, không có nhiều phòng chiếu bé.
Gần bốn năm sống ở Hamburg, dù không thể chi trả cho việc tháng nào cũng ra rạp mà chỉ có phim hay lắm tôi mới đi nhưng tính ra tôi cũng đã được trải nghiệm gần hết tất cả các rạp phim ở thành phố này. Tôi nhận ra một điều: ở đây chỉ có một rạp hệ thống là Cinemaxx còn lại tất cả các rạp khác đều là nhỏ, vừa và lẻ.
Có những rạp chỉ có đúng một phòng chiếu. Rạp to thì có thể có ba hoặc bốn phòng là nhiều lắm rồi. Không như rạp hệ thống ở nhà lúc nào cũng sáu, bảy phòng. Lí do là bởi nhu cầu xem phim rạp của người Đức không lớn. Phim nào hot lắm như kiểu Avengers: Endgame thì mới bị hết thôi còn lại thì ê chề vé.
Còn một sự khác biệt nữa giữa rạp Đức và rạp Việt đó là ở Việt Nam thì thường hay có suất chiếu sớm – một/nửa ngày trước lịch chiếu quốc tế. Trong khi đó ở Đức thì thường ra phim muộn hơn lịch chiếu quốc tế khoảng một đến hai ngày, vì các rạp phải đợi cho bản lồng tiếng được hoàn thành rồi mới công chiếu. Đây là đặc điểm tiếp theo mà tôi muốn nhắc đến.
Nghệ thuật lồng tiếng đỉnh cao ở Đức (Movie Dubbing)
(Photo by Mish Sukharev on flickr)
Các rạp phim ở Đức thường công chiếu phần lớn, nếu không muốn nói là chủ yếu, là phim lồng tiếng. Bởi vậy mà thời gian đầu đến Đức, tôi đã loay hoay không biết phải sống thế nào với cuộc đời không-được-xem-phim-rạp của mình vì trong tâm trí tôi thì phim lồng tiếng thật sự rất dở mà các suất chiếu thì hầu hết là lồng tiếng.
Sau khoảng vài tháng nghiên cứu kĩ hơn thì tôi biết được, nếu suất chiếu có chú thích OmU (Original mit Untertitel) hoặc OV (Original Version) thì sẽ là bản gốc kèm theo hoặc không có phụ đề. Nên cũng hay chọn những ca chiếu này để xem. Tuy nhiên có một vài lần tôi đi xem thử phim lồng tiếng thì suy nghĩ của tôi đã thay đổi.
Phim lồng tiếng ở Đức thật ra xem khá là mượt, người lồng tiếng cực khớp với khẩu hình miệng của diễn viên. Đặc biệt là giọng của họ rất ổn, mềm mại và hợp với diễn viên, không bị cục mịch hay khô khan như tưởng tượng của tôi.
Lấy ví dụ một bản lồng tiếng trong loạt phim Avengers của Marvel, người lồng tiếng Klaus-Dieter Klebsch có một chất giọng khớp đến 99% so với giọng của diễn viên đóng nhân vật Thanos, tới nỗi mà chỉ nghe thôi người ta cũng tưởng chính Thanos đang nói tiếng Đức chứ không phải là lồng tiếng. (Link Youtube)
Ngoài ra thì không chỉ phim điện ảnh chiếu rạp mà phim truyền hình dài tập, màn ảnh nhỏ cũng được tích cực lồng tiếng. Đây là một clip so sánh giữa bản Game of Thrones gốc và bản lồng tiếng Đức. Cá nhân tôi cảm thấy người Đức đã thực hiện phần lồng tiếng của họ quá hoàn hảo.
Có thể nói người Đức chính là là tín đồ của phim lồng tiếng bởi thể loại này rất được ưa thích và phổ biến. Bên cạnh việc kỹ thuật lồng tiếng của người Đức đã đạt đến đỉnh cao mà không một đất nước nào bì được thì đằng sau nó cũng là cả một câu chuyện thú vị trải dài suốt quá trình lịch sử của đất nước này.
Nguyên nhân ra đời những sản phẩm lồng tiếng không phải là vì khả năng ngoại ngữ của người Đức hạn hẹp. Dường như người Đức nào cũng có khả năng nghe và hiểu được một loại ngôn ngữ khác. Thực chất lồng tiếng phim được khởi nguồn từ tận những năm 1930, khi mà đế chế Nazi sử dụng lồng tiếng trong phương tiện truyền thông để kiểm soát những thứ “tiêu cực” đến từ các quốc gia bên ngoài.
(Photo by Tnarik Innael on flickr)
Bản thân người Đức lúc ấy tìm đến phim ảnh để quên đi nỗi đau chiến tranh và chính phủ Đức sử dụng lồng tiếng để thay đổi nội dung sao cho tránh nhắc đến quá khứ của đất nước. Nạn diệt chủng hay tội ác chiến tranh trên phim đều phải được thuyên giảm và thay đổi.
Điển hình là một bộ phim Mỹ tên Casablanca kể về những người tị nạn chiến tranh ở châu Âu chạy trốn khỏi quân đội Nazi. Được ra mắt trên thế giới vào năm 1942 nhưng mãi phải đến 1952 mới được công chiếu tại Đức. Bằng phép màu của lồng tiếng, một nhân vật chính đã được chuyển hóa từ một người Séc đấu tranh chống lại phát xít đang chạy trốn Nazi thành một nhà khoa học người Thụy Sĩ chạy trốn Interpol.
Mỗi một bộ phim nước ngoài mà người Đức được thể hiện như là người xấu, những nhân vật này sẽ được tặng cho một nguồn gốc mới. Những nhân viên Đức Quốc xã đang buôn bán quặng uranium trong bộ phim Notorious của Hitchcock thông qua lồng tiếng đã biến thành những kẻ buôn lậu ma túy thế giới, tựa phim tiếng Đức được chuyển thành White Poison. Chính tại bối cảnh hậu chiến tranh này mà nước Đức đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia lồng tiếng hàng đầu bên cạnh Italy và Tây Ban Nha. (Theo Goethe Institut)
Sống ở Đức không được phép xem phim lậu
(Photo by Stock Catalog on flickr)
Đặc điểm thứ ba trong văn hóa xem phim của người Đức đó là: xem phim lậu là phạm pháp và đối với họ điều này cực kỳ nghiêm trọng. Trường hợp phổ biến nhất mà người Việt hay nghe thấy chính là tải phim bằng Torrent và bị luật sư gửi Mahnung về nhà với tiền phạt lên đến cả 5000€.
Tuy nhiên thực chất khi tải một tệp dữ liệu gì đó trên mạng về, hành động đó thường không bị tính là phạm pháp. Vấn đề nằm ở chỗ, Torrent là một app cho phép vừa down vừa up cùng một lúc, nên nếu tính năng upload được bật trong lúc đó thì Torrent sẽ tự động up lên lại file bạn vừa tải, và đó sẽ được xem là phạm pháp vì phát tán dữ liệu không thuộc quyền sở hữu của mình và không chỉ đối với phim ảnh mà nhìn chung là tất cả các loại dữ liệu khác nữa. Đó là để giải thích cho những trường hợp Torrent mà mọi người hay nghe thấy.
Tại Đức, các trang web stream phim lậu vẫn có thể được tìm thấy và vẫn có thể xem được phim lậu nếu muốn. Chỉ có điều đừng để cảnh sát an ninh mạng tìm ra, và đừng để một người Đức nào biết được. Họ có thể sẽ rất sốc và sẽ có cái nhìn khác về bạn ngay, giống như kiểu biết bạn buôn ma túy vậy.
Thế thì ngoài TV ra, người Đức xem phim bằng cách nào?
Ở Việt Nam thì tất cả mọi người đều có thể lên mạng dễ dàng xem phim, các trang web phim trực tuyến nhiều nhan nhản. Không có luật lẽ nào chặt chẽ và cũng không bị cấm. Thế nên cộng đồng du học sinh thường toàn rủ nhau về Việt Nam tải phim để sang bên này còn ngồi xem.
Bây giờ Netflix, Amazon Prime và Apple TV đã phát triển rất mạnh. Người Đức – cũng như bao người trên thế giới, họ xem phim bằng những ứng dụng trực tuyến này. Tuy nhiên trước kia khi Netflix chưa phổ biến như bây giờ thì họ xem phim chủ yếu bằng… mua đĩa. Đúng vậy, tin tôi đi. Đã có một thời gian tôi từng làm ở Saturn và người Đức mua đĩa phim nhiều hơn mua rau.
Luật bản quyền ở Đức khá nghiêm ngặt, ý thức của người dân về chuyện bản quyền cũng cao nên họ không có cách nào khác là mua đĩa về xem.
Bằng cách đó, họ có thể gián tiếp ủng hộ người đã tạo ra sản phẩm (bằng cách trả tiền cho nhà phân phối).
(Photo by Rebecca Siegel on flickr)
Cá nhân tôi cảm thấy mỗi bên đều có ưu và nhược điểm. Ưu điểm ở Việt Nam là thị trường phim trên mạng dày đặc, dễ tìm, dễ kiếm và dễ dàng cho tất cả mọi người, ai cũng có thể truy cập. Nhưng nếu ai cũng xem chay không trả tiền như vậy thì phần thiệt sẽ về tay người tạo ra sản phẩm bởi công sức của họ bỏ ra lại không được bù đắp xứng đáng. Từ đó sẽ làm giảm động lực của người sáng tạo, khiến thị trường phim trong nước không có nhiều tác phẩm chất lượng.
Tại Đức thì ai cũng phải trả tiền để có thể được xem phim một cách hợp pháp và chính thức. Người sáng tạo sẽ được trả công và tích cực sản xuất hơn. Nhưng không phải ai cũng có điều kiện truy cập và trả tiền. Bởi vậy mà có thể trung bình số lượng phim một người Đức đã từng xem không nhiều như một người Việt. Cái này tôi phỏng đoán thôi vì tính ra thì tôi đã xem nhiều phim hơn tất cả những đứa bạn Đức tôi quen. Phim nào tôi hỏi chúng nó cũng bảo không biết, hoặc biết nhưng chưa xem.
Là du học sinh thì còn xem phim ở Đức bằng cách nào khác nữa?
Rạp chiếu phim ngoài trời
(Photo by Nano)
(Photo by Nano)
Đây là một trong những điều tôi thích nhất của nước Đức, hoặc của thành phố Hamburg, đó là họ có tổ chức rạp chiếu phim ngoài trời miễn phí cho người dân.
Cứ mỗi mùa hè tới, vào khoảng tháng 8 sẽ có rạp chiếu phim ngoài trời ở ngoài một số quảng trường lớn, kéo dài khoảng 10 ngày. Thường sẽ do một tổ chức xã hội đứng ra làm. Đối với phim điện ảnh, họ sẽ chiếu những bộ phim khá mới khoảng vài năm đổ về đây, hoặc những bộ phim rất cũ từ những năm 50, 60, 70,… Đồng thời họ cũng chiếu cả những bộ phim Indie, phim nghệ thuật hoặc phim ngắn đã được trao giải.
Bằng cách này, những bộ phim đã cũ, hoặc không quá nổi tiếng sẽ có cơ hội đến gần được với người xem hơn. Song song đó họ cũng có quảng cáo về rạp của họ và kêu gọi mọi người đến xem. Rạp này không chiếu phim mới, giá cả cũng sẽ rẻ hơn những rạp mới rất nhiều. Nhưng như tôi đã nói ở trên, người Đức ít đi xem rạp lắm. Nhiều khi chẳng phải vì họ không có tiền. Họ vẫn có thể ra Saturn mua đĩa mà. Họ chỉ không thích ra rạp thôi.
Chiếu phim ở trường đại học với giá sinh viên
Trường tôi – Universität Hamburg thường có lịch chiếu phim xuyên suốt trong năm dành cho hầu hết các sinh viên trong thành phố, kể cả ở trường khác, chứ không chỉ mỗi sinh viên của trường.
Phim thì sẽ thường là phim mới, nhưng không phải nóng hổi, mà đã ra rạp được khoảng 1-2 tháng gì đó rồi, để cho những ai không có cơ hội ra rạp trước đấy vẫn có thể được trải nghiệm xem phim màn hình rộng với giá cực hạt dẻ.
Người Đức vẫn xem kịch
(Photo by Rosmarie Voegtli on flickr)
Kịch nói, kịch hát vẫn là một loại hình sân khấu được ưa chuộng trong lòng người xem chứ không chỉ riêng gì người diễn. Theo tôi biết thì ở Việt Nam, mọi người bây giờ ít đi xem kịch. Chỉ những ai thật sự quan tâm đến nghệ thuật thì mới tìm hiểu, chứ kịch không phổ biến với đại chúng. Nhưng ở Đức thì họ vẫn có các vở kịch được diễn ra hàng tuần, hàng tháng tại các nhà hát kịch lớn bé khác nhau. Vé vào xem một buổi diễn kịch có thể đắt ngang hoặc hơn tiền vé xem một bộ phim.
Tạm kết
Tuy người Đức không ra rạp xem phim nhiều như người Việt, nhưng nhìn chung các hình thức tiếp cận bộ môn nghệ thuật thứ 7 của người Đức vẫn khá là đa dạng và phong phú hơn người Việt rất nhiều.
Có điều bởi sự hạn chế xem phim trực tuyến miễn phí và thói quen ít ra rạp xem phim đã khiến công chúng Đức nhìn chung là không “bắt trend” nhanh bằng người xem Việt. Hi vọng thông qua bài viết này bạn sẽ phần nào có được cho mình một cái nhìn rõ ràng hơn và hiểu thêm được văn hóa xem phim ở Đức.