Giáng sinh ở Đức và mừng năm mới diễn ra như thế nào?
Người Việt Nam có phong tục đón năm mới theo lịch âm, vào tháng hai hàng năm. Trong khi đó, người châu Âu đón năm mới theo lịch dương hay còn gọi là tết Tây.
Tuy nhiên, vào ngày 1 tháng 1 dương lịch hàng năm, chúng ta vẫn được nghỉ lễ Tết Tây, vẫn nghe bài Happy New Year của ABBA phát khắp nơi chào đón năm mới, và vẫn rạo rực trong không khí đón năm mới của các nước phương Tây.
Vậy thì, thật sự ở các nước phương Tây, họ tiễn đưa ngày cuối năm và chào đón năm mới như thế nào? Ở đây mình sẽ chia sẻ với các bạn vài góc nhìn thú vị về việc đưa tiễn năm cũ và mừng năm mới ở Đức mà mình, một người Việt, được vinh hạnh tham gia với bạn bè người Đức.
Tổng quan
Mua sắm gì vào dịp cuối năm (cận Giáng sinh ở Đức)?
Người Việt Nam mình chuẩn bị tết như thế nào? Sắm sửa quần áo mới đi chơi tết, bánh mứt trái cây chưng tết và tiếp đãi khách đến thăm nhà.
Ngày cuối năm thì cả nhà quây quần cùng nhau, cùng đưa tiễn năm cũ và chào đón năm mới. Những ngày đầu năm mới thì mặc quần áo đẹp đi thăm bạn bè thầy cô. Cả một tuần tết là một tuần bận rộn.
Còn người Đức, ngay từ tháng 11 ở khắp các siêu thị bạn sẽ thấy họ bày bán cây thông noel hoặc các vòng hoa trang trí, những sản phẩm làm từ các phần khác nhau của cây thông.
Tùy theo sở thích, có người sẽ chưng cây thông to trong nhà, treo vòng hoa làm bằng cây thông ở cửa, đặt trên bàn, hoặc treo trên cửa sổ. Kèm theo đó là những bóng đèn nhỏ nhỏ tạo độ lấp lánh và ấm cúng giữa cái rét mùa đông.
Những món đồ trang trí là những sản phẩm được mua nhiều nhất. Sau đó là quà tặng cho người thân bạn bè, đa phần là những người rất thân.
Những món quà tặng có thể từ nhỏ xinh như cục xà phòng bio, cây nến thơm, khung làm bánh ngộ nghĩnh tới những món quà giá trị như khăn choàng, túi xách, áo ấm, vân vân… tùy thuộc vào mối quan hệ.
Chuẩn bị quà tặng có thể nói là phần quan trọng nhất nhưng cũng gây nhức đầu nhiều nhất trong những ngày cuối năm. Vì mỗi năm bạn phải nhớ xem năm rồi đã tặng quà gì, năm nay nên tặng gì.
(Photo by Matthew T Rader on Unsplash)
Ở Việt Nam mình có quan niệm là đêm Giao thừa cả gia đình phải quân quần cùng nhau, cùng ăn uống để cả năm được may mắn và luôn bên nhau.
Đêm Giáng sinh ở Đức mới là thời điểm gia đình sum họp. Hầu hết đối với các bạn của mình, ngày làm việc cuối cùng của năm sẽ rơi vào ngày 19/12 hoặc 20/12. Sau đó, họ sẽ dùng vài ngày để đi mua sắm rồi về nhà ba mẹ hoặc ông bà. Địa điểm tập trung thường đã được gia đình thảo luận trước đó.
Vào ngày 24/12, cả gia đình sẽ tụ tập nấu nướng ăn uống cùng nhau cả ngày cho đến tối. Vì hầu hết người Đức theo đạo thiên chúa hoặc công giáo, nên đêm Noel, sau khi ăn uống, cả nhà sẽ đi lễ nhà thờ cùng nhau, rồi lại về nhà mở quà, tiếp tục ăn uống nói chuyện thâu đêm. Những câu chuyện thường là về những gì đã làm được trong năm cũ, về những đam mê mới và dự định cho tương lai.
Ngày 25/12, một số sẽ rời đi về nhà riêng, một số gia đình vẫn tiếp tục quây quần ăn uống cùng nhau, thư giãn hoặc chơi những trò chơi gia đình mà chỉ khi nào có dịp sum họp đông đủ mới làm cùng nhau được. Đây là một nét văn hóa rất thú vị và theo mình cảm nhận, nó như là ngày để mỗi người có thể quay lại với tuổi thơ của mình, ăn chơi, mở quà và quên hết những nỗi lo lắng bộn bề cuộc sống ngoài kia.
Ngày lễ Giáng sinh ở Đức thường kết thúc vào ngày 26/12, hầu hết mọi người sẽ về lại nhà riêng, về lại thành phố đang sinh sống hoặc đi du lịch với gia đình.

(Photo by cottonbro from Pexels)
Người Đức đón Năm mới (Silvester) như thế nào?
Phần lớn những người bạn mình quen biết, sau Giáng Sinh, họ sẽ quay lại thành phố đang sinh sống và hoặc tổ chức tiệc đón năm mới ở nhà với bạn bè thân hoặc tham gia tiệc mừng năm mới ở nhà bạn bè thân của họ.
Giáng sinh ở Đức là dịp của gia đình nên mình chưa có kinh nghiệm tham gia thật sự bao giờ. Nhưng tiệc Năm mới thì mình đã được mời và không khí đó quả thật mình không thể nào quên được.
Vào đêm cuối năm, mình được mời tới nhà một bạn trong câu lạc bộ cầu lông. Quả thật lúc đầu mình rất ngại vì hầu hết mọi người ở đó hoặc là anh chị em hoặc là bạn thân của bạn mình, những người mình chưa gặp bao giờ. Nhưng tất cả mọi người đều rất vui vẻ và thân thiện. Sau này, mình được biết là năm nào họ cũng đón năm mới cùng nhau, luân phiên tổ chức ở nhà từng người một.
Sau vài vòng ăn uống, nói chuyện và chơi game, mình đã cảm thấy như là một phần trong cái cộng đồng nhỏ ấy. Đơn giản vì mình được lắng nghe về những gì từng người đã trải qua trong năm cũ, những gì họ đã học hỏi được và muốn làm trong năm mới. Mình cũng được hỏi và được dịp chia sẻ về bản thân mình. Những câu chuyện nhỏ về những trải nghiệm giúp gắn kết mọi người với nhau một cách nhanh chóng.
Ngay trước khi đêm cuối của năm cũ kết thúc, mình có cảm giác như đây là một gia đình.
Mười phút trước giờ giao thừa, nhà nhà kéo nhau xuống đường xí chỗ để bắn pháo hoa.
À, các bạn biết không? Có một điểm rất thú vị ở đây. Vào ngày Giao Thừa, bus sẽ chạy suốt đêm. Nhưng, mình không biết ở thành phố khác thì như thế nào, ở Münster chỗ mình, trong vòng một tiếng trước và sau giờ Giao Thừa, các bác lái xe bus sẽ được nghỉ để ăn mừng cùng mọi người. Vào thời điểm này, thành phố sẽ cấm xe vào phố, các con đường và quảng trường công cộng sẽ đầy người đổ về với bia, rượu sâm banh (champagne) và pháo hoa trên tay chờ lúc Giao Thừa.
(Photo by Kevin Hackert on Unsplash)
Giây phút đếm ngược từ mười tới một, với ly rượu mừng năm mới trên tay và pháo hoa sẵn sàng, đó là một cảm giác rất khó tả, cũng rất khó quên. Đó cũng là giây phút đầy ắp tiếng cười và hy vọng dâng tràn trong mắt từng người.
Cùng với tiếng đì đùng của pháo hóa, mọi người chúc nhau năm mới sẽ khám phá được nhiều điều mới hơn, sẽ đi được nhiều nơi hơn, làm được nhiều việc thú vị hơn và sống có ích hơn nữa. Mọi người cho nhau những cái ôm siết chặt và chúc nhau một năm mới hạnh phúc (Happy New Year).
Kết
Đón Năm Mới ở Đức có thể nói là giống nhưng thật ra cũng không giống Tết Việt Nam chút nào. Mình thấy có những nét văn hóa rất thú vị đáng học hỏi. Nhưng, có những trải nghiệm, chỉ bằng lời nói, sẽ không thể truyền tải hết được thông điệp mà nó mang theo. Mình hy vọng mỗi bạn sẽ có dịp được trải nghiệm thực tế không khí Giáng Sinh và đón Năm Mới ở Đức để tự bản thân cảm nhận được niềm vui từ tận sâu bên trong mà cái không khí ấy mang lại.