giay-to-du-hoc-sinh-duc-khi-moi-sang

Những giấy tờ du học sinh Đức sẽ cần khi mới sang

Một trong những việc gây ra đau đầu tương đương với việc học chính là về vấn đề giấy tờ.

Có những tờ giấy mà từng câu chữ trên đó khiến chúng ta cứ muốn cất giữ mãi để lâu lâu lấy ra đọc lại, đẻ rồi kỉ niệm bỗng ùa về trước mắt. Cũng có những trang giấy và câu chữ, dù không chan chứa kỉ niệm gì đặc biệt nhưng lại vô cùng quan trọng và cần được cất sâu trong tủ kín, bởi để có được chúng là cả một “hành trình” dài.

Bỏ qua những giấy tờ cần chuẩn bị cho việc xin thi Aufnahmetest (kỳ thi đầu vào Dự bị đại học Đức), bài viết ngày hôm này sẽ tập trung vào những giấy tờ cần thiết đối với du học sinh Đức khi bắt đầu cuộc sống mới. 

1. Thẻ bảo hiểm:

Khi bạn nhận được cuộc gọi của Đại sứ quán (hoặc Tổng Lãnh sự quán) đến nhận kết quả Visum, chắc hẳn câu nói tiếp theo bạn sẽ nhận được là: “Mua bảo hiểm 6 tháng rồi đem đến nhé”.  

Trước đó, ở trường cũng yêu cầu học sinh mỗi năm đóng tiền mua bảo hiểm y tế một lần, và được chứng nhận bằng một tờ giấy nhỏ xinh màu xanh có tên, ngày sinh và bệnh viện mình chọn trên đó. 

the-bao-hiem-y-te-viet-nam
Thẻ bảo hiểm y tế chúng ta vẫn biết tới ở Việt Nam trông thế này. 

Như chúng ta đều biết, mũ bảo hiểm là một phương tiện đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông trên đường phố, nhằm tránh tác động mạnh khi bị ngã gây chấn thương đầu. Hay những cái dây bảo hiểm để bảo vệ cho các em bé khi ngồi sau xe máy bố mẹ rồi nhỡ ngủ quên, bỏ tay ôm bố mẹ ra, sẽ không bị ngã xuống đất. Đấy là những phương tiện bảo vệ chúng ta trực tiếp khi tham gia giao thông.

Tương tự với việc tham gia “một chuyến hành trình” như thế, mua bảo hiểm là một cách để bạn bảo đảm tính mạng của mình trên giấy tờ.

Ví dụ khi bạn bay trên máy bay bị đau ruột thừa hay cần cấp cứu gấp , hay có chuyện gì không may xảy ra với bạn ở đất nước mới trong khoảng thời gian mua bảo hiểm, thì bên bảo hiểm sẽ là người chịu trách nhiệm cho những vấn đề đó. Nghĩa là họ sẽ bồi thường chi phí khám chữa bệnh cho bạn.

Việc mua bảo hiểm này sẽ được xác nhận bằng một tờ giấy. Sau khi đăng kí mua gói bảo hiểm 6 tháng, chuyển khoản và bạn sẽ nhận được một tờ giấy xác nhận đã được bảo hiểm. Khi ấy, mang tờ giấy này đến Đại sứ quán (hoặc Tổng lãnh sự quán) thì mới có thể nhận được Visum. 

Sau khi đến Đức, hiệu lực của bảo hiểm này vẫn có tác dụng cho đến lần gia hạn đầu tiên của bạn. Cho đến lần tiếp theo, bạn bắt buộc phải tiếp tục mua bảo hiểm để có thể đi học. Không có bảo hiểm thì bạn sẽ không gia hạn được Visum cũng như không được phép học đại học luôn.

the bao hiem aok du hoc sinh duc
Ví dụ cho một chiếc thẻ bảo hiểm từ AOK.
(Photo: AOK)

Sau này ở Đức mỗi người đều phải mua bảo hiểm y tế công và sẽ nhận được một chiếc thẻ như thẻ ngân hàng vậy, nếu đi khám bác sĩ thì rất cần chiếc thẻ “quyền lực” ấy để được hỗ trợ phí khám. 

2. Anmeldebestätigung (giấy chứng nhận đã đăng kí địa chỉ nhà):

Ở Đức, tờ giấy này đặc biệt quan trọng. Để làm bất cứ việc gì trên nước Đức, bạn cũng cần phải nhập địa chỉ nhà hoặc trình bày giấy đã đăng kí địa chỉ này ra.

Ở Việt Nam mình nhớ là có sổ hộ khẩu nhà và đứng tên một người trong gia đình, trong sổ sẽ có tên những người thân của chủ nhà (bao gồm vợ/chồng, con cái, anh chị em, bố mẹ,..). Và việc địa chỉ nhà ở đâu ở Việt Nam cũng không quan trọng. 

Tuy nhiên, ở Đức những dịch vụ như gửi thư về nhà, gửi packet (bưu chính) cho người này người kia rất phổ biến. Để phục vụ cho những điều đó, họ cần giấy trắng mực đen chứng nhận bạn đang sống ở đâu.

Tuỳ theo mỗi căn hộ mà số lượng người được phép đăng kí hộ khẩu ở đấy nhiều hay ít. Vì cứ mỗi một đầu người đăng kí cao hơn diện tích nhà cho phép thì chủ nhà sẽ phải nộp thêm thuế cho người thừa ra ấy. 

giay dang ky dia chi nha du hoc sinh duc
Ví dụ cho một tờ đăng kí địa chỉ nhà ở Đức

Để có được tờ giấy này, tất nhiên bạn sẽ phải tìm được một căn nhà mà bạn sẽ thực sự ở trong những tháng sắp tới. Sau đó bạn cần xin giấy chứng nhận của chủ nhà là bạn có thể đăng kí địa chỉ ở đấy. Giấy để điền thông tin mọi người có thể tìm ở đây.

Sau khi đã chuẩn bị đủ giấy tờ, bạn cần đặt lịch hẹn ở một Bürgeramt trong thành phố bạn ở (không nhất thiết phải trong vùng/quận của bạn), hoặc có những nơi vắng vẻ thì không cần lịch hẹn gì luôn. Bạn đem theo những mẫu đơn đã điền và hộ chiếu đến đúng nơi và đúng lịch hẹn là xong. 

Giấy Anmeldung rất cần thiết để có thể xin được nhiều loại giấy tờ khác.

3. Identifikationsnummer (Mã số thuế):

Ngay sau khi bạn anmelden (đăng kí địa chỉ) nhà lần đầu tiên, sở thuế của Đức sẽ gửi cho bạn một mã số thuế hay còn gọi là mã số xác định danh tính của bạn. Ở Đức, đóng thuế là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người đang sống, học tập và làm việc dưới luật pháp của đất nước này. 

ma so thue du hoc sinh duc
Đây là bức thư sẽ được gửi về mã số thuế của mọi người được gửi sau khi mọi người đi anmelden nhà xong.

Để kiểm soát việc đóng thuế của hàng trăm hàng triệu con người ấy, họ cho mỗi người một mã số thuế. Khi nhập mã số thuế này vào hệ thống lớn, nó sẽ hiện ra các thông tin cơ bản của người sở hữu mã số ấy, bao gồm cả địa chỉ nhà. Nên nếu mà trốn thuế và thấy công an tìm được đến nhà, thì chúng ta có thể biết là họ tra từ đâu mà ra rồi nhé. 

Mã số thuế này rất rất rất quan trọng nên mọi người hãy giữ tờ giấy mã số này thật cẩn thận nhé. 

4. Thẻ ngân hàng:  

“Giấy tờ” này thì nhỏ gọn và cứng hơn các giấy tờ khác một chút, nhưng cũng rất cần thiết đối với các du học sinh Đức. 

Bố mình ở Việt Nam làm trong ngân hàng và trong ví bố lúc nào cũng có nhiều thẻ kinh khủng. Mình lúc nào cũng tưởng sở hữu nhiều thẻ như vậy là có nhiều tiền lắm cho đến khi mình sở hữu chiếc thẻ ngân hàng đầu tiên trong cuộc đời. 

Để sở hữu chiếc thẻ ấy, sau một loạt các thủ tục ở Việt Nam điền giấy tờ và mở tài khoản, cho tiền vào thì sau khi sang Đức, chúng ta chỉ cần ra một chi nhánh của ngân hàng, hoặc gửi thư cho ngân hàng nếu không tiện (ví dụ như Viettinbank chỉ có 2 cơ sở ở Frankfurt và Berlin) để kích hoạt tài khoản, nhận thẻ và mã số pin.

Quá trình từ lúc ngân hàng nhận được giấy tờ của bạn đến lúc thẻ về đến địa chỉ nhà bạn kéo dài gần 1 tháng trời. Đợt của mình là phải chờ tận 2 tuần thì thẻ về và một tuần sau thì mã pin mới tới, tổng cộng là 3 tuần.

the ngan hang du hoc sinh duc
Sở hữu những chiếc thẻ thế này cứ khiến mình cảm thấy “xịn” ấy. Rồi cảm giác lần đầu được quẹt thẻ thấy như người lớn thật sự luôn.
(Photo: Deutsche Bank)

Vậy những giấy tờ bạn cần để kích hoạt tài khoản là gì? Đó chính là giấy mở tài khoản mà bạn đã có ở Việt Nam, giấy Anmeldung và mã số thuế mình đã liệt kê ở trên, và đừng quên hộ chiếu nữa nhé.

Trước đây mình không biết là cần hai giấy đấy nên đến ngân hàng chỉ với cái hộ chiếu và tờ ngân hàng đưa cho mình hồi ở Việt Nam, sau đấy các chị ở ngân hàng phản ứng khá gay gắt vì mình không biết là cần những giấy tờ trên. Nên mọi người hãy chuẩn bị để nhận được sự chào đón nồng hậu hơn từ các chị nhé!

Lưu ý: Đây là trường hợp mở tài khoản Viettinbank. Nếu bạn nào muốn dùng dịch vụ của ngân hàng Đức thì có thể tham khảo website chính thức của ngân hàng đấy.

5. Polizeiliches Führungszeugnis (giấy chứng nhận công dân tốt):

Giấy tờ này thì có lẽ là những bạn nào đi làm mà công ti yêu cầu có thể sẽ quan tâm. Đại loại là đây là một tờ giấy chứng nhận là bạn không phạm tội gì và là một công dân tốt, mà mình vẫn hay đùa là “phiếu bé ngoan cho người lớn”.

Tờ giấy này mọi người có thể xin được từ Bürgeramt ngay từ lúc mọi người đi anmelden luôn, nếu không thì mọi người cũng cần đặt một lịch hẹn để xin giấy này. Giấy chứng nhận này trị giá 13 euro, nhưng khi mọi người nộp giấy cho công ty, bạn sẽ được hoàn lại số tiền.

giay chung nhn cong dan du hoc sinh duc
Một “phiếu bé ngoan” cần thiết cho việc đi làm sẽ trông thế này.

6. Rote Karte – Lebensmittelpersonalhygiene (Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm): 

Không phải chiếc thẻ đỏ mà các anh trọng tài vẫn hay giơ lên khi các cầu thủ phạm lỗi trong mỗi trận bóng đá đâu, chiếc thẻ “đỏ” này lại có màu hồng choé hơn một chút. 

giay chung nhan an toan thuc pham du hoc sinh duc
Và đây, chân dung chiếc thẻ đỏ đó đây

Cho các du học sinh Đức muốn đi làm các việc có tiếp xúc đến đồ ăn như làm trong ngành phục vụ, bồi bàn, thu ngân ở các cửa hàng ăn nhanh Mc Donalds, KFC, v.v… thì sẽ cần giấy này. 

Đúng như tên gọi của nó, tờ giấy này sẽ có màu đỏ và sẽ được cấp sau khi bạn tham gia một khoá học tầm 30 phút về an toàn thực phẩm, và đóng 20 euro phí làm thẻ. 

Trên đây là những giấy tờ cơ bản mà mình nghĩ là du học sinh Đức nào mới sang cũng bỡ ngỡ và chưa biết rõ. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp các bạn hơn!