Học tiếng Đức có khó không?
Mỗi thứ tiếng lại khó một kiểu. Đặc điểm của các loại ngôn ngữ Germanic là ngữ pháp phức tạp (cũng là khó khăn lớn khi người Việt học tiếng Đức), còn đặc điểm của các loại chữ tượng hình lại là mặt chữ khó học.
Trước khi bắt đầu học ngôn ngữ, ai cũng đều tự hỏi liệu học tiếng Đức có khó không. Nhưng đối với những người với xuất phát điểm không hề sử dụng loại ngôn ngữ đó như tiếng mẹ đẻ thì mức độ khó ở từng thứ tiếng là đều ngang nhau.
Thế nên khi đã quyết tâm học ngoại ngữ, điều cần hỏi không phải là nó có khó hay không, mà là nó có gì đặc biệt, có quy luật hay không, có hợp lí và dễ tiếp thu hay không.
(Photo by Tim Gouw on Unsplash)
Ngữ pháp – điểm khó đầu tiên khi học tiếng Đức
Người Việt sử dụng bảng chữ cái Latin, nhưng ngữ pháp lại theo hệ ngữ pháp châu Á (không chia động từ, sắp xếp vị trí từ ngữ trong câu linh hoạt hơn,…). Bởi vậy điểm khó khi học tiếng Đức đối với người Việt sẽ là ngữ pháp. Đồng thời, cấu trúc miệng của người châu Á cũng là một điểm hạn chế đối với chuyện phát âm các loại ngôn ngữ có nhiều vần lưỡi hay âm từ cổ họng,…
Ngữ pháp tiếng Đức nổi tiếng là phức tạp thuộc loại bậc nhất trên thế giới, với vô số quy tắc chia động từ, tiền tố hay vị trí của từ trong câu,… Tuy nhiên điều này ít khi làm khó được người Việt. Có thể một phần vì hệ ngữ pháp Latin xa lạ nên được chú trọng tập trung học và giảng dạy nhất nên người Việt thường nắm khá vững ngữ pháp tiếng Đức.
Bởi thực ra, tuy ngữ pháp tiếng Đức phức tạp, nhiều luật lệ nhưng không phải không có quy tắc. Chỉ cần nắm vững được quy tắc là sẽ bẻ khóa được ngữ pháp tiếng Đức. Cho nên đây vẫn luôn là điểm mạnh của người Việt học tiếng Đức.
Đọc tiếp: 12 cách tự học tiếng Đức hiệu quả
(Photo by CMDR Shane on Unsplash)
Nghe nói – điểm khó tiếp theo khi học tiếng Đức
Ngược lại, nghe và nói lại là một vấn đề cực phổ biến của người Việt. Tiếng Đức tưởng như viết thế nào đọc như thế, nhưng khi người ta nói có rất nhiều âm tiết bị biến tấu đi.
Ví dụ như vần ir trong từ irgend, irgendwo, irgendwie, irgendjemand,… có nhiều người khi nói sẽ nói là ưa chứ không phải iê như vốn dĩ. Margit sẽ được đọc như kiểu Margệt, hay âm en cuối câu sẽ luôn luôn được nuốt vào trong,… nên dẫn đến việc nhiều khi nghe mà không chắc mình nghe đúng.
Thêm nữa, thường thì nếu trong câu chia ở thời quá khứ, thì tương lai giả định, hay là có động từ khuyết thiếu thì động từ chính thường ở tận cuối câu. Nên người Đức thường hay nói nhanh để (như mình vẫn hay đùa là) „đuổi kịp động từ“, thành ra khó nghe cho kể cả người mới học lẫn người học tiếng Đức lâu năm.
Đọc tiếp: Học tiếng Đức miễn phí qua Youtube
(Photo by Ben White on Unsplash)
Xem phim tiếng Đức là một cách học hiệu quả
Tính cách của người Việt thường là nhút nhát, sợ sai nên không hay nói. Đã không hay nói thì lại càng không thể nâng cao được khả năng nói. Nhiều người đưa ra giải pháp là tìm bạn Tandem.
Nhưng mình có một cách học nói cũng khá hiệu quả mà mình đã áp dụng cho cả quá trình học tiếng Anh lẫn tiếng Đức của bản thân, đó là xem phim Đức và nhại lại giọng diễn viên. Làm như thế, mình học được cả cách phát âm lẫn ngữ điệu của họ. Dần dần cũng sẽ tự tin hơn khi nói chuyện với người khác, bởi mình biết chắc là có người Đức sẽ nói như mình, không sợ gì sai cả.
Xem phim để học tiếng là một biện pháp cực kì phổ biến và hữu dụng, vẫn luôn được nhiều người học ngoại ngữ khuyên dùng. Khi xem phim kèm theo phụ đề người xem sẽ luyện được khả năng nghe và mở rộng vốn từ.
Lưu ý là phải xem với phụ đề thì mới nâng cao được khả năng nhận biết từ tốt hơn. Nếu không xem cùng phụ đề, nhiều từ nghe không hiểu, lại không có phụ đề ở bên dưới sẽ dễ dẫn đến tâm lí bỏ qua, sau cùng thành ra không học thêm được gì nhiều.
Để tập phát âm thì người học cần chú ý một chút đến khẩu hình của người Đức. Tiếng Đức có nhiều âm họng và vần lưỡi, để ý một chút sẽ phát âm được đúng. Không cần phải nói quá nhanh, chỉ cần nói đúng và dễ hiểu là được.
Đọc tiếp: Du học sinh và chuyện xem phim ở Đức
(Photo by Mint Owl on Unsplash)
Tạm kết
Nếu hỏi học tiếng Đức có khó không thì mình sẽ trả lời: còn tùy thuộc vào định nghĩa khó của mỗi người. Chỉ là trước khi bắt đầu học bất cứ một loại ngôn ngữ nào, chúng ta cũng cần phải xác định sẽ có những trở ngại và những khó khăn. Việc vượt qua được những khó khăn khi học tiếng sẽ mang lại cho chúng ta cảm giác hãnh diện, tự hào vì đã chiến thắng được chính mình để chinh phục một điều gì đó.
Đối với mình thì mình không thấy tiếng Đức khó, hơn nữa còn thấy nó đã mang lại cho mình rất nhiều điều hay ho. „Người Đức rất kỉ luật“ là điều nhiều người vẫn hay nói mỗi khi nhắc đến nước Đức. Ý thức kỉ luật của người Đức cũng được thể hiện phần nào qua ngôn ngữ của họ.
Bản thân mình sau khi học tiếng Đức, sinh sống và làm việc bằng thứ ngôn ngữ này vài năm cũng phải công nhận nó đã tác động phần nào lên tính cách của mình. Mỗi một ngày tiếng Đức trở nên quen thuộc hơn thì mình sống cũng có trật tự hơn và ngăn nắp hơn.
Ngày nay tiếng Đức đang dần trở nên phổ biến, người học tiếng Đức ngày một nhiều. Các cơ hội để nâng cao và cải thiện trình độ tiếng Đức cũng được mở ra và nhân rộng. Mong rằng mọi người sẽ đều có những trải nghiệm đáng nhớ với thứ tiếng được cho là khó nhất thế giới này.