Học tiếng Đức miễn phí qua Youtube
Trước đây sau khi học xong B1+ tại Deutsch Campus, do chưa có khóa mới mà phải thi gấp nên mình đã tự ôn B2 suốt một tháng trời. Trong số 12 cách tự học tiếng Đức hiệu quả mà mình từng chia sẻ, Youtube đã giúp đỡ mình rất nhiều trong quá trình luyện nghe và nói. Vậy mình từng học tiếng Đức miễn phí qua Youtube như thế nào? Làm sao để việc học trở nên hiệu quả chứ không chỉ là xem video giải trí đơn thuần? Hãy cùng mình khám phá trong bài viết hôm nay nhé.
(Photo by Szabo Viktor on Unsplash)
Tổng quan
Những kênh Youtube hữu ích khi học tiếng Đức
Mình trích lại danh sách một số kênh mình từng dùng để tự học tiếng Đức trong bài viết trước:
- Easy German (có phụ đề): Kênh này chắc khỏi cần quảng cáo, phỏng vấn ngoài đường rất thú vị, cách nói tự nhiên, video đầy đủ mức độ từ dễ tới khó.
- Dinge Erklärt – Kurzgesagt (có phụ đề): Kênh này cũng rất hay, chủ đề khoa học được thể hiện dưới dạng graphic motion, triển khai vấn đề rất trực quan và thú vị. Chỉ có điều đôi khi ngôn ngữ hơi khó hiểu một xíu.
- maiLab (có phụ đề): Kênh của nhà nữ hóa học người Đức gốc Việt, bàn về nhiều chủ đề đa dạng với bằng chứng khoa học, tuy nhiên vẫn không kém phần hài hước.
- MrWissen2go (có phụ đề): Thảo luận về nhiều vấn đề xã hội như hệ thống giáo dục, chính trị, công nghệ,…
- Terra X Natur & Geschichte (có phụ đề): Nghiên về những chủ đề liên quan tới tự nhiên và lịch sử.
- WDR Reisen (có phụ đề): Hành trình đi du lịch khắp nơi được kể lại, vừa có động lực du lịch, hiểu thêm về những vùng đất mới, vừa học tiếng luôn.
- NDR Doku (có phụ đề): Phim tài liệu về nhiều chủ đề khác nhau, thường khá dài trung bình 30 phút.
- PULS Reportage (có phụ đề): Khai thác vấn đề trong cuộc sống hàng ngày bằng cách làm phóng sự, thử nghiệm thực tế nhưng cực kỳ hài hước và thú vị.
- reporter (có phụ đề): Một kênh phóng sự khác không kém phần hay ho.
- Quarks (không phụ đề): Kênh khai thác các vấn đề nóng trong xã hội dưới góc nhìn khoa học.
- Simplicissimus (không phụ đề): Giải thích những thắc mắc phức tạp một cách đơn giản, từ Bill Gates cho đến Pokémon.
- ARTEde (không phụ đề): Mạnh về chủ đề khoa học và chính trị.
Để tránh sa đà vào việc lãng phí thời gian xem hết video này đến video khác mà chẳng học hỏi được gì mới, mình luôn dùng Youtube để học tiếng Đức với 1 trong 3 lý do: luyện nghe, bắt chước phát âm hoặc học cách nói chuyện tự nhiên.
Ban đầu ở trình độ A1-A2 thì những kênh phía trên phần lớn chỉ giúp mình quen dần với âm ngữ của tiếng Đức thôi, nhưng khi đến B1 rồi thì chúng mới thực sự phát huy tác dụng to lớn. Thế thì cụ thể quá trình ấy đã diễn ra thế nào?
Đọc tiếp: Khám phá nước Đức
Học tiếng Đức: Luyện nghe
Kênh đầu tiên và cũng là nguồn tư liệu học tiếng Đức quý giá mà mình luôn giới thiệu với mọi người là Easy German: tổng hợp những video phỏng vấn thực tế người Đức, có cả những video đơn giản và chậm cho trình độ khởi đầu. Đặc biệt là kênh cung cấp cả phụ đề Đức lẫn Anh, thông qua đó mỗi người vừa được nghe cách nói tự nhiên vừa học được nhiều từ vựng mới khi xem. Ngoài ra, kênh này còn sản xuất nhiều video giải thích ngữ pháp (ví dụ) hoặc những từ ngữ đặc biệt trong tiếng Đức (ví dụ) – một phần rất quan trọng để nói tiếng Đức tự nhiên.
Bên cạnh đó, những kênh hay ho như Dinge Erklärt – Kurzgesagt, maiLab hay MrWissen2go vừa có content thú vị để học gì đó mới, lại vừa có phụ đề tiếng Đức để luyện nghe. Một công đôi việc nhỉ! Khi nghe mình sẽ đọc kỹ phụ đề để tập bắt âm cũng như cố gắng hiểu nội dung nhiều nhất có thể. Thỉnh thoảng gặp một từ nào đó quan trọng (không hiểu nó thì cả câu mất nghĩa), mình sẽ dừng lại dò từ điển, bật phát âm từ đó cho quen tai rồi thử xem lại trong video.
Điểm tuyệt vời khi học tiếng Đức qua Youtube nữa là bạn hoàn toàn có thể tăng giảm tốc độ tùy theo khả năng nghe của mình, có thể xuống 0.75 hoặc lên 1.25 chẳng hạn. Từ đó, bạn có thể chủ động trong việc lên kế hoạch cũng như điều chỉnh cường độ trong quá trình luyện nghe tiếng Đức.
(Photo by Elice Moore on Unsplash)
Theo kinh nghiệm cá nhân thì mình thấy khi nghe cần phải cực kỳ tập trung. Nếu không thì tai này bay sang tai kia rồi cũng đi mất, chẳng đọng lại gì. Một khi đã ngồi vào bàn thì mình nghiêm túc y như đang học tại lớp vậy, dành mọi tâm sức cho việc xem video để có thể cải thiện kỹ năng của mình nhiều nhất có thể.
Thế nhưng tất nhiên là kết quả cũng không đến liền đâu, mà đều là mưa dầm thấm lâu cả. Mỗi ngày mình nghe liên tục 3-5 tiếng Youtube trong suốt cả tháng liền, ám ảnh cực kỳ, đến nỗi mơ cũng bằng tiếng Đức luôn. Nhờ vậy mà kết quả thi B2 sau đó mới khá là ổn. Vậy nên hãy thật kiên trì bạn nhé, đúng là khó, nhưng rồi sẽ đạt được thôi!
Đọc tiếp: Người Đức và thói quen nghe Radio
Học tiếng Đức: Bắt chước phát âm
Hoạt động học tiếng Đức qua Youtube thứ hai mà mình từng áp dụng là bắt chước phát âm chuẩn của họ. Khi đó, mình thường chọn những kênh phát âm rõ ràng, ngôn ngữ dễ hiểu một xíu như MrWissen2go hay maiLab. Mình vẫn bật phụ đề và làm 1 trong 2 hướng:
- Nghe thật kỹ một câu rồi dừng lại, cố gắng bắt chước giống nhất có thể. Những từ mới chưa quen thì mình lại tra từ điển nghe cho rõ. Hướng này giúp mình học được cách người Đức phát âm từ, lên xuống giọng, nhấn nhá trong câu.
- Nghe tới đâu nhại lại tới đó, có thể giảm tốc độ chậm xuống một xíu. Hướng này giúp mình hình thành cảm giác tự nhiên, thoải mái khi nói tiếng Đức.
Thường mỗi lần mình chỉ luyện phát âm tầm 45 phút (vì khi tập thế này rất mỏi miệng), xen kẽ với những mục đích nghe khác. Học phát âm cũng như học từ vựng vậy, không dùng thường xuyên thì mình sẽ mất, thế nên quan trọng là hình thành thói quen mỗi ngày đều đặn luyện một ít. Mình thấy quá nhiều hay quá ít đều không mang lại tác dụng mấy.
Đọc tiếp: Học tiếng Đức có khó không?
Hơn nữa mình bắt chước phát âm thế này không phải để hoàn thành chỉ tiêu mỗi ngày luyện được bao nhiêu video, mà một video dù chỉ 5 phút thôi nhưng được học kỹ thì mới mang lại hiệu quả thật sự. Từ nào chưa chắc thì lắng nghe và tranh thủ tập đi tập lại cho thật tốt để thành phản xạ luôn, vì trong giao tiếp não bạn còn phải vận dụng nhiều thứ khác (nghĩ ra từ rồi sắp xếp đúng ngữ pháp) nên không còn tập trung phát âm chuẩn nữa, có sẵn thế nào nó sẽ ra thế ấy và dẫn đến việc người khác không hiểu bạn đang nói gì.
Tóm lại, phát âm là nền tảng quan trọng khi học bất kỳ ngôn ngữ nào, nắm chắc được nó thì phần nào bạn đã gây ấn tượng tốt với giám khảo trong phòng thi hoặc tự tin hơn khi gặp người Đức rồi. Thế nên học tiếng Đức qua Youtube là một công cụ đắc lực để bạn tự trau dồi một phần quan trọng như thế hoàn toàn miễn phí, không có áp lực nào từ người xung quanh cả.
(Photo by Priscilla Du Preez on Unsplash)
Học tiếng Đức: Cách nói chuyện tự nhiên
Khác với việc cố gắng hiểu hết trong phần luyện nghe một chút, bây giờ mình có thể nghe mà không nắm bắt toàn bộ thông tin (không cần phụ đề cũng được). Nhưng quan trọng là cảm được cách nói chuyện tự nhiên của người Đức, rồi từ đó bắt chước nếu có thể.
Đọc tiếp: Kết bạn với người Đức
Thế nên mình sẽ chọn những ai mình cảm thấy hài hước, nói chuyện thú vị như Salim Samatou hay Ariane Alter để xem. Khi mình thích nghe họ nói chuyện thì mình cũng dễ học từ họ hơn. Nếu bạn thích kiểu diễn thuyết thì có thể tham khảo GEDANKENtanken, kiểu diễn viên hài thì MySpass hay nhạc pop dễ nghe thì Mark Forster. Tất nhiên là còn rất nhiều sự lựa chọn khác tùy bạn chọn theo sở thích của mình.
Với hướng học tiếng Đức qua Youtube này thì còn cần kết hợp với thực hành một chút. Bạn học được một cách nói nào thú vị thì cứ thử nói trong lớp hay CLB tiếng Đức. Dùng nhiều thì nó sẽ dần thành của bạn, còn không dùng thì nó sẽ đi mất. Thành ra nghe thôi chưa đủ, mà nên áp dụng thẳng vào quá trình nói của mình. Hai kỹ năng này luôn đi song hành với nhau: Khi nghe chuẩn thì bạn nói tốt, mà nói tốt thì nghe cũng khá lên.
Kết
Học tiếng Đức qua Youtube với mình là một cách tự học tại nhà hiệu quả cho những ai muốn luyện nghe, tập phát âm hay học kiểu nói chuyện tự nhiên của người Đức. Dù không thay thế hoàn toàn việc học thông thường được nhưng sẽ là một sự bổ sung lớn cho kỹ năng nghe – nói của bạn, lại còn học thêm được một cái gì đó mới hay ho nữa chứ. Vậy nên, viel Spaß beim Lernen! (học thật vui nhé!)