Kết bạn với người Đức
Tổng quan
Phần 1: Người Đức như thế nào?
Chính xác, kỷ luật, bảo thủ hay không thân thiện là một trong số những thông tin mình đọc được nhiều nhất về người Đức. Nghe tới đây có thể bạn sẽ nghĩ: Tại sao mình lại muốn qua Đức? Nhưng đây cũng là những lý do giải thích cho việc tại sao nước Đức có thể phát triển bền vững và mạnh mẽ như vậy. Vậy thực tế khi thế nào và làm sao để kết bạn với người Đức?
Trước khi quyết định sang Đức du học, những điều mình biết được về nơi đây chỉ đếm trên đầu ngón tay: đó là đồ sản xuất ở Đức là tốt nhất trên thế giới; người Đức rất giỏi, họ có nhiều nhà khoa học đoạt giải Nobel; nước Đức có cảng Hamburg.
Rồi cũng giống như bao người khác, trong giai đoạn khăn gói chuẩn bị lên đường sang Đức, mình đã lên mạng tìm đọc rất nhiều thông tin về nước Đức, về con người, về văn hóa, về ngôn ngữ. Thế nhưng thực tế bao giờ cũng rất khác.
(Photo by Adeolu Eletu on Unsplash)
Người đức rất thẳng tính
Việc học của mình làm ở phòng thí nghiệm là chính, vì vậy cũng có thể coi như là một dạng vừa học vừa làm.
Lần đầu tiên đi thăm phòng thí nghiệm, mình đã hỏi bạn hướng dẫn là:
Ở Đức, nếu trong quá trình làm việc mọi người có mâu thuẫn với nhau thì sao?
Bạn ấy nói ngay:
Thì hai đứa lôi nhau ra ngoài nói chuyện giải quyết rồi hết.
Lúc đó mình cười rạng rỡ: “À vậy à, vậy thì tốt quá!”. Nhưng thực ra mình nghĩ trong đầu: “Xì, có mà hết!”.
Có điều, đó là sự thật.
Sau này khi làm chung, mình với bạn ấy có cãi nhau. Làm việc chung mà, tất nhiên là không tránh khỏi. Bạn ấy quát thẳng vào mặt mình như trút nước, cứ tưởng sau này khỏi nhìn mặt nhau luôn. Lúc đó đúng là mình đã làm sai thật, một phần vì mới chưa quen việc, một phần vì ngại hỏi (tư tưởng phần lớn người Việt) nên tự làm theo ý mình.
Ban đầu, mình thật ra cũng muốn phủ nhận nhưng bạn dữ quá mà lại nói đúng, nên mình đã nhận lỗi và được bạn hướng dẫn làm lại cho chính xác. Những ngày sau đó, bạn lại nói chuyện với mình như bình thường, vui vẻ kể chuyện gia đình này kia như chưa từng có chuyện gì xảy ra.
Điều mình thích nhất ở đây chính là: Khi mình làm sai, các bạn tìm và nói thẳng với mình. À cái này sai rồi hoặc không nên làm như vậy, và họ giải thích lý do tại sao cũng như làm thế nào tốt hơn. Điều tương tự cũng diễn ra khi mình không biết làm và nhờ họ hướng dẫn. Nhờ vậy, trong môi trường làm việc mọi người hợp tác với nhau ăn ý hơn.
(Photo by Mimi Thian on Unsplash)
Người đức không thân thiện, khó kết bạn?
Nghe đến đây chắc mọi người sẽ nghĩ là có gì mà khó, nếu mình thuộc kiểu người tự tin năng động thích giao tiếp thì ai mà không kết bạn được. Thực ra, kết bạn với người Đức không khó, nhưng để trở thành bạn đúng nghĩa thân thiết và bền lâu thì mới khó.
Mình là một người khá năng động, tự tin và rất hoạt bát trong các hoạt động thể dục thể thao sinh hoạt tập thể. Nhưng cả năm đầu ở Đức mình không có được một người Đức nào mà mình thực sự gọi là bạn. Nói nôm na là chỉ là đồng nghiệp với nhau: Trong thời gian làm việc thì làm chung và nói chuyện. Hết giờ làm là xong, không liên lạc trong thời gian ngoài giờ làm hoặc không có cảm giác thân để mỗi khi cần có thể thoải mái gọi điện thoại.
Lý do tại sao?
Trong năm đầu ở đức, mình nhiều lần nghe các bạn lâu lâu đùa là mình là đứa boring (nói theo ngôn ngữ teen là nhạt), thiệt nghe mà muốn khóc à! Mình không có kiến thức sâu rộng về lịch sử địa lý, không ham cũng như không có hiểu biết về festival concert, lại không thích la cà nhậu nhẹt quán bar. Mình chỉ đam mê chơi thể thao – một lĩnh vực mà các bạn đồng nghiệp của mình chỉ chơi ở mức hobby hoặc không chơi.
(Photo by Priscilla Du Preez on Unsplash)
Năm thứ hai, lần đầu tiên viện mình tổ chức giải bóng chuyền cho tất cả các viện trong thành phố. Khỏi phải nói là mình phấn khích cỡ nào! Cũng đã hơn 10 năm kể từ khi mình rời đại học, rời xa những ngày dầm mưa dãi nắng chơi bóng chuyền đến quên ăn quên học.
Mình đã chạy khắp nơi thuyết phục các bạn lập đội. Rồi giúp các bạn luyện tập từ lúc chưa biết đánh trái banh bóng chuyền như thế nào với mục đích chỉ cần lọt qua vòng bảng. Nhưng rồi cả đội không những đã đi qua được vòng bảng, mà còn qua khỏi vòng tứ kết, lọt vào bán kết và giành giải ba. Một quá trình đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, cũng là một quá trình mà cả đội đã chia sẻ những khoảnh khắc không thể quên được.
Điểm mấu chốt ở đây là, thái độ của các bạn với mình đã thay đổi hẳn: Mọi người đã tìm ra được điểm mạnh của mình và thể hiện sự tôn trọng đối với khả năng ấy. Các bạn tìm chủ đề về thể thao để thảo luận với mình và chia sẻ thông tin liên quan tới thể thao mà họ thấy thú vị.
Những cuộc thảo luận dần mở rộng ra. Cũng từ đó mình học được cách làm sao để giao tiếp với các bạn Đức, để kết bạn và giữ được những người bạn thật sự cho riêng mình.
Thế giới có hàng vạn người, mỗi người có một ngôn ngữ giao tiếp khác nhau, nói cho vui là nó giống như ngôn ngữ tình yêu (ngôn ngữ ở đây không chỉ đơn thuần là tiếng Việt hoặc tiếng Đức mà là một hình thức giao tiếp). Giữa người Việt với nhau vốn đã có sự khác biệt, huống chi là giữa người Việt và người Đức.
Nhưng một khi đã hiểu được ngôn ngữ của nhau thì mọi chuyện sẽ diễn ra rất trôi chảy. Giống như sông thì sẽ đổ ra biển, nước rồi sẽ chảy về nguồn.
Kết
Ở bất cứ đâu bất cứ nước nào, bạn cũng sẽ thấy có rất nhiều loại người khác nhau. Người Đức cũng không có ngoại lệ. Nhờ vào sự tự do ngôn luận và phát triển bản thân, mỗi cá nhân là một kỳ quan, họ rất khác biệt và rất thú vị. Nhưng nhìn chung, họ rất thẳng thắn, sẵn sàng chia sẻ suy nghĩ thực của bản thân. Nhờ đó mình có thể dễ dàng giao tiếp, dễ dàng tìm được những người bạn phù hợp để kết bạn.
Phần 2: Làm sao để có bạn người Đức?
Như mình đã đề cập phía trên, kết bạn với người Đức là một chuyện, để có một tình bạn thân thiết và lâu bền lại là một chuyện khác. Nhưng bước đầu tiên vẫn là quan trọng nhất là:
Ngay những ngày đầu đặt chân lên nước Đức, mình đã gia nhập hội những sinh viên Việt Nam ở thành phố mình theo học. Trong những ngày đầu tiên, khi mà khả năng giao tiếp còn hạn chế và ở một đất nước xa lạ, những người bạn Việt Nam lúc này là nguồn hỗ trợ vô giá.
Có rất nhiều loại giấy tờ mà từ nhỏ tới lớn mình chưa nghe nói tới bao giờ, ví dụ giấy chứng nhận từ công an rằng mình chưa bao giờ gây hại tới người khác. Lúc này, hỏi những người bạn Việt là nhanh gọn nhất.
Cũng vì vậy, càng ngày mình càng có niềm tin vào hội các bạn sinh viên Việt nhiều hơn, dựa dẫm nhiều hơn, tin tưởng họ hơn và không còn nghĩ gì tới việc mình cần tìm bạn người bản xứ. Có chăng chỉ có vài người bạn chung lớp để đôi lúc hỏi thông tin và làm bài tập nhóm.
(Photo by Son Vu Le on Unsplash)
Cho đến một ngày khi hội các bạn các anh chị đi trước về nước hết, mình mới hụt hẫng nhật ra rằng mình đã không còn một ai để nhắn tin hẹn đi cafe, nói chuyện, ăn uống. Mình đã không còn ai thân thiết bên cạnh ở nơi xa lạ này. Khi bắt đầu tìm những người bạn mới, mình đã tự hỏi:
Hmm, có cần thiết không? Nó cũng không dễ chút nào, mà mình còn bận trăm công nghìn việc, đi làm đi học, còn cả phải xem phim nghỉ ngơi nữa.
Từ đó, mình đã bỏ lỡ giai đoạn vàng đầu tiên để gầy dựng „đế chế“ riêng của mình. Cuộc sống đi theo một guồng mới, đi học, đi làm, về nhà tám với bạn bè ở Việt Nam, than thở tí rồi ngủ. Vậy là qua ngày. Hoặc, không sớm thì muộn sẽ tìm một hội bạn Việt Nam khác.
Đây là một vòng luẩn quẩn không thể tránh khỏi đối với phần lớn du học sinh. Chính bản thân mình đã phải đấu tranh tư tưởng dữ dội để thoát ra. Vậy:
Làm thế nào để mình làm được điều đó?
Mong muốn của bản thân
Vào một ngày âm u (mà thời tiết âm u là chuyện như cơm bữa ở Đức), mình đã gần như hét lên là :
Trời ơi tui thèm có một đứa bạn thân ở cái thành phố này quá đi, ai cũng được miễn là tui có đứa để gào rú hành hạ bất kể lúc nào!
(Photo by Glenn Carstens-Peters on Unsplash)
Mình chủ động liên lạc, chia sẻ thông tin sở thích và cũng quan tâm hỏi han tới những người mình đã chọn. Quá trình không dễ, nhưng thành quả thì rất xứng đáng.
Nếu mình có thể làm lại từ đầu, mình sẽ quan tâm tới việc kết bạn với cả người Việt và người bản xứ cùng lúc. Nhưng không có gì là quá muộn, quan trọng là biết được bản thân mình cần gì.
Mở rộng môi trường tìm kiếm bạn bè bên ngoài môi trường học tập và làm việc quen thuộc
Đối với hầu hết mọi người, phần lớn bạn bè sẽ khoanh vùng là bạn bè học cùng, bạn bè từ chỗ làm thêm hoặc bạn bè được giới thiệu thông qua những người bạn sẵn có. Điều này rất phổ biến trong cộng đồng sinh viên Việt Nam. Còn bạn bè người bản xứ hoặc người nước ngoài thì phần lớn là quen nhau thông qua trường lớp hoặc trong quá trình đi làm thêm.
Vậy để làm sao để mở rộng ranh giới vòng tròn bạn bè?
Đối với mình có thể nói, tham gia vào các câu lạc bộ thể thao của trường (Hochschulsport) và của thành phố (Sportverein) là cách tìm bạn nhanh và hiệu quả nhất. Mình đam mê cầu lông, bóng chuyền, bóng bàn. Những câu lạc bộ này thì không thành phố nào là không có. Nhờ câu lạc bộ cầu lông, mình đã quen được nhiều người bạn khác nhau, từ già tới trẻ, làm việc trong mọi lĩnh vực. Nó rất thú vị.
(Photo by Danielle Cerullo on Unsplash)
Có thể tới đây mọi người sẽ thắc mắc, nếu bản thân không có tài lẻ, không giỏi thể thao, ca nhạc hay bất cứ gì, thì phải làm sao? Để trả lời câu hỏi này, mình sẽ giới thiệu một chút về 1 nét văn hóa Đức mà mình rất hâm mộ.
Ở Đức, ngay từ bé, trẻ em đã có cơ hội tham gia tất cả các hoạt động từ văn hóa nghệ thuật tới thể dục thể thao, để xem bản thân thích gì và hợp gì.
Trong giai đoạn đại học, mỗi trường đại học đều có một trung tâm gọi là Hochschulsport. Tại đây, các bạn có thể tìm thấy rất nhiều khóa học khác nhau, từ nhảy nhót, ca hát, tới tất tần tật các thể loại thể thao hoặc hoạt động ngoài trời. Thậm chí, có những môn mình không bao giờ nghĩ là có lớp học. Ví dụ như lớp học chơi banh Quidditch như trong truyện Harry Potter, đến các thể loại võ cổ truyền ở nhiều quốc gia bộ tộc khác nhau khắp thế giới.
Từ những lớp học này, những người tham gia sẽ lập ra những câu lạc bộ, hoặc chỉ là tạo nhóm để sinh hoạt thảo luận chung với nhau, đôi khi đơn giản là để tìm bạn có cùng chung sở thích. Vậy câu trả lời cho câu hỏi trên là: Bạn không cần phải giỏi hay có tài nghệ cao siêu gì.
Quan trọng là bạn chủ động tìm kiếm và tham gia vào các hoạt động để khám phá xem bản thân mình thích gì. Và khi bạn làm một điều gì đó, hãy làm nó với tất cả tấm lòng của mình. Đam mê chính là con đường dẫn tới những nơi hội tụ của những con người có cùng niềm đam mê và nhiệt huyết sống khác.
Một kinh nghiệm vui nho nhỏ của mình. Số là mình rất hâm mộ những bạn tham gia giải điền kinh hàng năm của thành phố. Mà mình thì chỉ cần chạy 2km là đã không thở nổi. Nhưng mình đã tham gia đội hậu cần hỗ trợ giải.
Không cần phải nói, đó là một kỷ niệm không thể nào quên được. Mình gặp được rất nhiều người thú vị và có thêm một cơ số bạn bè. Đấy, mình đâu cần phải chạy được mới được tham gia vào giải điền kinh hàng năm đâu.
(Photo by Stage 7 Photography on Unsplash)
Kết
Việt Nam và Đức là hai nền văn hóa rất khác biệt. Ở Đức bạn sẽ có cơ hội để trải nghiệm những thứ mà ở Việt Nam bạn chưa bao giờ nghe tới hoặc chỉ thấy trên tivi. Hãy tìm kiếm hoặc nắm lấy bất cứ cơ hội nào mà bạn nghe tới. Biết đâu nó chính là cánh cửa dẫn bạn tới một vùng trời mới tràn đầy cơ hội và hứa hẹn.
Phần 3: Kết thân với người Đức
Nói tới việc kết bạn, ai cũng sẽ nghĩ là nó dễ như cơm bữa. Trong lớp học hay nơi làm việc, mình cứ làm quen. Sau đó rủ nhau tụ tập, đi ăn uống, đi karaoke tám với nhau là thành bạn. Sau đó, thường xuyên rủ nhau đi ăn uống một thời gian dài thì coi như là bạn lâu dài. Kết bạn với người Đức có thực sự dễ như vậy?
Văn hoá kết bạn
Nếu bạn đang ở Việt Nam hay các nước châu Á nói chung, đây chính là cách kết bạn phổ biến thường thấy. Vì vậy, ông bà ta mới có câu:
Con đường nhanh nhất để đi đến trái tim một người chính là đi qua dạ dày.
Còn ở châu Âu nói chung và ở Đức nói riêng, có rất nhiều cách khác nhau để trở thành bạn thân. Nhưng có một điểm chung ở những cách này, là hai người phải có cùng một sở thích nào đó để chia sẻ với nhau.
Bởi vậy, để hẹn được một người Đức ra ngoài, với mục đích đơn giản là kiếm bạn đi uống cafe chơi hay đi ăn cùng là điều hiếm khi xảy ra. Có thể thấy, cách xây dựng tình bạn như ở Việt Nam là một phương pháp không phù hợp.
(Photo by Andrea Tummons on Unsplash)
Vậy làm sao để kết thân với người Đức?
Như mình đã đề cập ở hai phần đầu, việc tham gia các câu lạc bộ hay tìm kiếm những hoạt động mà bạn quan tâm để tham gia là cách hiệu quả nhất. Ít ra, trong môi trường này, các bạn đã chắc chắn có chung niềm đam mê và có câu chuyện để thảo luận, để chia sẻ. Kết bạn bây giờ hoàn toàn phụ thuộc vào chính bản thân của mỗi người, vào sự chủ động của bạn.
Câu chuyện về câu lạc bộ
Năm đầu tiên ở câu lạc bộ cầu lông, mình chỉ chơi rồi về. Cả một năm mình không nói chuyện được với ai. Lý do vì hầu hết những người trong câu lạc bộ chỉ nói được tiếng Đức. Năm thứ hai, khi đã cố gắng bập bẹ được vài câu, mình đã có được vài người bạn cố định. Những người mà mỗi cuộc hội thoại chỉ đơn giản là:
„Bạn khỏe không?“
„Cuối tuần của bạn như thế nào?“
Nhưng dù vậy, mình cảm nhận được sự tôn trọng của họ đối với những nỗ lực giao tiếp của mình, chịu khó lắng nghe thứ hỗn hợp tiếp đức pha tiếng anh của mình. Sau này, có một giai đoạn khủng hoảng, mình đã tâm sự với một bạn hay chơi chung:
Chính lúc này, bạn đã nói với mình một câu mà mãi sau này, mỗi lần mình mất động lực thì đến câu lạc bộ luôn là suy nghĩ đầu tiên:
Dạo này tâm trạng mình không ổn định, sức khỏe không tốt, có thể mình không chơi nữa, mình không còn tâm trạng nữa
Sao Tú không nói sớm, mọi người trong câu lạc bộ là một nhà, có gì tâm sự cần giúp đỡ phải nói ra cho mọi người biết
(Photo by Brooke Cagle on Unsplash)
Đây chính là giai đoạn làm mình thay đổi suy nghĩ nhiều nhất. Nếu lúc đó mình không chủ động nói ra, không tìm kiếm sự giúp đỡ, sẽ chẳng bao giờ có ai biết và quan tâm. Và từ đó, mình cũng sẽ không biết được sự quan tâm của các bạn đối với mình. Chủ động trong mọi thứ đối với mình là chìa khóa để có thể thành công hòa nhập vào cuộc sống ở nơi mới.
Bây giờ, mỗi lần đi chơi cầu lông là tâm trạng mình khác hẳn:
À nơi đó mình sẽ gặp được những người mà mình có thể dựa dẫm một chút khi cần thiết.
Board Games
Có một điểm khác biệt văn hóa nữa mà mình nhận ra rất quan trọng. Đó là người Đức rất ham học hỏi và khám phá. Mỗi lần tụ tập, mọi người sẽ nói chuyện, chia sẻ về cuộc sống và những gì họ mới học hỏi được gần đây, và sau đó luôn luôn là chơi game.
Phần lớn lý do cho những buổi tụ tập mùa đông là chơi game, thường là Spielabend (Game Night). Game ở đây không đơn giản là chơi game online hay đánh bài như ở Việt Nam. Game ở đây là chơi Board Games (Brettspiel).
Nội dung của Board Games thì rất đa dạng. Nó liên quan tới mọi lĩnh vực như khoa học, lịch sử, còn có những lĩnh vực rất cơ bản. điểm chung là phải có hiểu biết và đòi hỏi khả năng ghi nhớ, suy nghĩ chiến thuật.
(Photo by Robert Coelho on Unsplash)
Năm đầu tiên mình đã nghĩ tụi Đức thiệt là nhạt nhẽo với mấy cái Board Games nhảm nhí. Sau này, khi được tham gia với một hội bạn khác bên câu lạc bộ cầu lông, mình mới biết có nhiều Board Games rất cao siêu và thú vị. Việc lựa chọn Board Games nhạt nhẽo hay thú vị hoàn toàn phụ thuộc vào sở thích của người giới thiệu trò chơi.
Ngoài ra, họ cũng đầu tư tìm hiểu rất nhiều về những game phổ biến từ những nền văn hóa khác, chẳng hạn như Mahjong từ Trung Quốc.
Các bạn cũng hỏi mình về Việt Nam, hy vọng mình giới thiệu về các yếu tố văn hóa hay hoặc những trò chơi thú vị. Nhưng thú thật, mình chỉ giỏi mảng ăn uống là chính.
Nhận thức được cách thức tương tác với người Đức chính là tiền đề dẫn tới một mối liên kết thân thiết trong tương lai. Đối với mình mà nói, đây chính là ngôn ngữ tình yêu của người Đức.
Kết
Qua những chia sẻ trên đây, mình hy vọng là các bạn đã đọc được một ít „ngôn ngữ tình yêu“ phổ biến của người Đức. Qua đó, các bạn cũng thấy là làm thân với người Đức không khó. Đối với các bạn đã sẵn có những niềm đam mê riêng và luôn cảm thấy giác như „người lữ hành cô độc“ vì không có người để chia sẻ thảo luận khi ở Việt Nam, đây chính là miền đất hứa cho các bạn. Đây chính là cảm giác của mình sau những năm tháng ở Đức. Mình đã tìm được nơi mà mình thuộc về.