khi-hau-nuoc-duc

Khí hậu nước Đức

Một mùa đông nữa lại đang đến gần. Ngày này cách đây ba năm về trước mình đã đặt chân lên nước Đức. Cảm giác những ngày đầu tiên ở nước Đức của mình là gì nhỉ? Hừm, chỉ có hai câu: „ở đây lạnh quá“„ở đây buồn quá“. Đó là tất cả ấn tượng đầu tiên về mùa đông đầu tiên ở Đức. 

Vậy khí hậu nước Đức ra sao?

Nước Đức, về mặt lý thuyết, cũng có bốn mùa xuân hạ thu đông. Nếu so sánh khí hậu bốn mùa của Hàn Quốc hoặc Nhật Bản với của Đức thì mình sẽ không nói là nước Đức có bốn mùa rõ rệt. 

Từng ở Hàn Quốc một thời gian dài, mình có thể nhận thức được sự chuyển đổi thời tiết và sự khác biệt của bốn mùa rất rõ ràng. Nếu là mùa hè sẽ không có những đợt lạnh xen giữa. Nếu là mùa đông sẽ rất lạnh hoặc tuyết trắng xóa khắp nơi. Nếu là mùa thu thì sẽ rất mát và lá vàng khắp nơi, vân vân. 

Còn nước Đức?

Mình đặt chân tới Đức lần đầu tiên vào cuối tháng sáu, giữa mùa hè. Một chuyến đi ngắn một tuần. Nước Đức đã chào đón mình bằng kiểu khí hậu có thể nói là „của mùa thu“. Một tuần lễ dài với những ngày mưa phùn kéo dài, những cơn gió lạnh và bầu trời âm u. 

Sau này khi đã ở Đức vài năm, mình được biết đây là kiểu khí hậu rất đặc trưng của Đức. Sự thay đổi của nhiệt độ có khi còn nhanh hơn sự thay đổi tính khí của con gái tuổi dậy thì

Mùa xuân nước Đức bắt đầu từ đầu tháng ba, kéo dài tới cuối tháng năm. Việt nam mình có câu:

Cô gái tháng tư, những cô gái bốc đồng bướng bỉnh.

Cũng giống như cô gái tháng tư, thời tiết tháng tư ở Đức đem đến cho con người đầy những bất ngờ bởi những cơn mưa rào đến rồi lại đi, những đợt rét căm căm bất chợt sau những ngày chợt ấm đầu xuân tháng ba, làm cho người ta đôi khi cứ ngỡ mùa đông vẫn chưa qua. 

khi-hau-nuoc-duc-mua-thu
Mùa thu bắt đầu từ đầu tháng chín với cái lạnh tăng dần tới cuối tháng mười hai
(Photo by Justin Luebke on Unsplash)

Mùa hè bắt đầu từ đầu tháng sáu tới cuối tháng tám. Mùa thu bắt đầu từ tháng chín với cái lạnh tăng dần đến tháng mười hai, chào đón mùa đông về. Mùa xuân bắt đầu bằng sự thức tỉnh của những mầm cây non sau giấc ngủ mùa đông dài tới tận cuối tháng 3. 

Tuy nhiên, khí hậu nước Đức nói chung rất không ổn định. Và sự ảnh hưởng giữa các mùa với nhau ngày càng rõ rệt, một phần là do biến đổi khí hậu. Mùa hè có khi rất nóng, khoảng 30 tới 39 độ, nhưng vài ngày sau vẫn có thể rơi xuống 10 tới 20 độ. Mùa thu nhiệt độ khoảng 10 tới 20 độ nhưng có thể lạnh tới 1 độ. Điều này cũng xảy ra tương tự với các mùa còn lại. 

Sự không ổn định này của thời tiết không phải chỉ theo mùa mà còn diễn ra theo giờ, theo ngày. Sáng nắng chiều mưa, sáng lạnh trưa nóng là chuyện như cơm bữa ở Đức. 

Tùy thuộc vào thành phố bạn sinh sống, gần miền nam hơn hay gần miền bắc hơn, nhiệt độ có thể cao, hay thấp hơn, nhưng khuynh hướng nhiệt độ chung sẽ không có sự khác biệt nhiều. 

Khi đã quen với kiểu khí hậu bất thường này, mình cảm thấy nó rất thú vị. Hãy thử nghĩ bạn mong muốn điều gì nhất sau khi trải qua những ngày dài với cái nóng 39 độ, đó chính là một ít không khí trong lành mát mẻ. Vậy nên, một hai tuần mát mẻ ập tới sẽ như một phần thưởng cho việc chịu đựng của bạn với cơn nóng trước đó.

Vậy làm sao để thích nghi được mùa đông và sự đỏng đảnh của khí hậu nước Đức?

Có ba cách cơ bản nhất để thích nghi với sự thay đổi nhiệt độ, đặc biệt là đối phó cái lạnh mùa đông. 

Thứ nhất và cơ bản nhất là kiểm tra thời tiết và nhiệt độ trước khi ra đường.

Mình luôn luôn kiểm tra những điều trên mỗi buổi sáng. Dự báo thời tiết sẽ chỉ dự đoán chính xác khoảng 50% sự biến đổi thời tiết trong ngày, nhưng ít nhất mình có được một cái nhìn tổng quát, rằng ngày hôm đó sẽ có những sự thay đổi gì để chuẩn bị cho phù hợp. Khi trời âm u hoặc có khả năng mưa, một cây dù trong túi xách là cần thiết. Nhờ vậy, bạn sẽ luôn ở trong tình trạng sẵn sàng cho bất kỳ sự thay đổi thời tiết nào.

Thứ hai là ăn mặc ấm. 

Quần áo ở Đức được bán theo mùa, phù hợp với kiểu khí hậu của từng mùa. 

khi-hau-nuoc-duc-lanh
Mặc ấm vào mùa lạnh.
(Photo by Tamara Bellis on Unsplash)

Một trong những phụ kiện mình thích nhất là đồ giữ nhiệt mùa đông. Đồ giữ nhiệt có nhiều hãng và nhiều loại khác nhau, từ mỏng tới dày, từ đồ mặc trong (underware) tới đồ bình thường có lớp nỉ giữ ấm bên trong. 

Một cách khác để mặc ấm là mặc nhiều lớp. Mình thường mặc hai lớp vào mùa đông, việc mặc hai lớp giúp quần áo giữ nhiệt cho cơ thể tốt hơn. 

Đối với các bạn đồng nghiệp của mình, để đối phó với cơn lạnh bất chợt giữa mùa hè, họ cũng mặc hai lớp, áo phông mùa hè bên trong và áo hoodie hoặc áo mùa thu bên ngoài. Trong lúc làm việc bên trong tòa nhà, họ sẽ chỉ mặc áo phông. Áo hoodie hoặc áo ấm sẽ được mặc vào khi các bạn cảm thấy lạnh hoặc phải di chuyển ngoài trời. 

Bằng cách này, họ sẽ linh động theo sự thay đổi nhiệt độ trong ngày, một ví dụ cho sự không ổn định thời tiết theo ngày giờ ở trên.  

Thứ ba là uống trà giữ ấm. 

Đối với các bạn ngoài miền Bắc, những người đã có kinh nghiệm với những cơn rét buốt giá mùa thu Hà Nội thì mùa đông nước Đức sẽ không phải là vấn đề quá lớn. Nhưng đối với những bạn miền Nam, nơi mà nhiệt độ thấp nhất không dưới 18 độ thì lại là một vấn đề khá lớn. Vì sao?

Vì người miền Nam không có thói quen uống trà nóng. Một năm đầu ở Đức mình cũng đã thử qua rất nhiều loại trà khác nhau mà không thể nào quen nổi, vì phần lớn trà ở Đức là trà có mùi thơm của trái cây như táo và dâu, hoặc các loại thảo dược như bạc hà và cúc, nhưng phần nước thì rất nhạt nhẽo. 

giu am khi hau nuoc duc lanh
Một tách trà nóng kèm mật ong vào buổi sáng quả thật rất tốt cho sức khỏe, việc giữ ấm và sự tỉnh táo giữa mùa đông âm u lạnh lẽo
(Photo by Andrii Podilnyk on Unsplash)

Sau này, mình đã thử trà Chai (Chai tee) và mình rất thích. Một tách trà nóng kèm mật ong vào buổi sáng quả thật rất tốt cho sức khỏe, việc giữ ấm và sự tỉnh táo giữa mùa đông âm u lạnh lẽo. 

Đây chỉ là một vài gợi ý cơ bản. Trong bài sắp tới mình sẽ giới thiệu chi tiết hơn về những cách mang ý nghĩa thực tiễn lâu dài để thích nghi với môi trường sống bên Đức. Những kinh nghiệm không phải chỉ của bản thân mình, mà còn là những điều mình học được từ người bản xứ. 

Kết

Qua bài viết này, mình hy vọng đã cung cấp được cho các bạn những thông tin cơ bản nhất về khí hậu nước Đức, sự thay đổi thất thường của thời tiết và cách cơ bản nhất để đối phó với sự thay đổi nhiệt độ. Điều quan trọng nhất là mỗi người phải biết lắng nghe và quan tâm tới những đòi hỏi của cơ thể mình khi phải đối mặt với sự thay đổi lớn trong môi trường sống, nhờ vậy có những sự điều chỉnh lối sống cho phù hợp.