kinh-nghiem-hoc-tieng-duc-a1-b2

Từ A đến Z kinh nghiệm học tiếng Đức A1-B2

Chứng chỉ tiếng Đức được chia thành 6 bậc theo Khung ngôn ngữ châu Âu (A1, A2, B1, B2, C1 & C2). Tùy theo mục đích đi Đức của mỗi người thì sẽ cần từng mức khác nhau. Chẳng hạn như mình muốn học Dự bị Đại học ở Hamburg thì cần bằng B2, và để đạt được kết quả ấy mình đã dành gần một năm rưỡi ròng rã. Thế nên hôm nay mình xin kể lại một số kinh nghiệm học tiếng Đức của bản thân trên suốt hành trình đấy, hy vọng có thể mang lại một ví dụ cụ thể cùng thông tin hữu ích cho bạn.

Tổng quan

A1-A2

Hồi ấy để có chỗ học, mình phải chuyển đến TP. Hồ Chí Minh, vì Đà Lạt lúc đó không có nơi nào dạy tiếng Đức cả (bây giờ thì không biết sao). Lặn lội tìm hiểu thông tin trên các group thì mình quyết định đăng ký khóa A1 siêu tốc (2 tháng) ở Deutsch Zentrum, một trung tâm khá tốt ở quận Phú Nhuận.

Nói thẳng ra thì một tuần đầu mình siêu sốc, vừa vào chưa biết gì thì ngay phút đầu tiên giáo viên cùng một bản trợ giảng đã dùng hoàn toàn tiếng Đức rồi. Mình chẳng hiểu cua khoai gì luôn. Nhưng sau một tuần kinh hoàng đó (4 tiếng x 5 ngày liên tục) thì tai mình dần dần bắt được âm và nghe hiểu ngày càng nhiều hơn, kiểu môi trường bắt buộc phải thế ấy.

Chỉ trong một thời gian ngắn thôi mà đã làm được thế khiến mình mất dần ám ảnh tiếng Đức khó như mọi người thường nói, rồi trở nên tự tin hơn. Vậy nên nếu được mình nghĩ bạn hãy chọn môi trường học hoàn toàn bằng tiếng Đức luôn từ A1, ban đâu hơi vất vả dễ nản chút nhưng về lâu dài sẽ cực kỳ lợi thế. Cảm quan ngôn ngữ vốn là thứ khó học và cần nhiều thời gian để phát triển mà.

Đọc tiếp: Có nên tự học tiếng Đức A1 không?

kinh nghiem hoc tieng duc nghe nhieu
Với kinh nghiệm học tiếng Đức của mình, tập trung nghe càng nhiều càng liên tục thì càng dễ bắt âm
(Photo by Konstantin Dyadyun on Unsplash)

A1 tuy là khởi đầu với những vấn đề cơ bản nhất, nhưng cũng chính là những kiến thức quan trọng và thường xuyên được sử dụng nhất, cả phát âm, từ vựng lẫn văn phạm. Tại lớp, trừ nghỉ giữa giờ thì hầu như thời gian còn lại đều rất căng. Trong suốt giờ học 4 tiếng, mình luyện qua lại cả nghe – nói – đọc – viết cũng như sửa bài tập không ngừng. Giai đoạn ấy lúc nào đầu mình cũng oang oang tiếng Đức, đến nỗi về nhà được mấy tiếng rồi mới bắt đầu nghĩ lại bằng tiếng Việt.

Ngoài thời gian trên lớp mình cũng dành rất nhiều thời gian ở nhà tự học và làm bài tập (có khi lên tới 3-4 tiếng/ngày ngoài giờ đến lớp). Nhờ thế mà mình chắc ngữ pháp cơ bản ngay từ đầu, ít bị nhầm lẫn và làm bàn đạp cho những trình độ tiếp theo. Không bị hổng kiến thức thế này đã giúp mình tiết kiệm được rất nhiều thời gian sau này, vì không phải ôn lại nhiều, cũng ít mông lung khi học nâng cao lên, rồi dành khoảng trống đó để cải thiện những kỹ năng khác.

Ngoài ra, theo kinh nghiệm học tiếng Đức A1 của mình thì mỗi người nên chủ động chăm chỉ nói mọi lúc có thể ngay từ buổi đầu tiên, đúng hay sai không quan trọng. Theo mình từng quan sát thì đây là điểm yếu của không ít học viên Việt Nam, một phần do không quen lên tiếng đặt câu hỏi, một phần do sợ sai.

Nhưng thật ra, nếu một số học viên khác cười chê thì cứ kệ họ, vì khi mắc lỗi cũng chính là lúc bạn đang thực sự học gì đó mới. Nếu giáo viên hay bạn học góp ý sửa lỗi mang tính xây dựng thì quá tốt, mình cứ lắng nghe rồi sửa dần. Miễn sao cố gắng chỉnh thật nhanh, đừng vướng phải một vấn đề quá lâu, quá nhiều lần.

Trong môi trường A1 ai cũng mới học, giáo viên cũng hiểu rõ điều đó để nhiệt tình hỗ trợ thì rõ ràng là cơ hội tuyệt vời để luyện tập. Chứ sau này sang Đức không phải gặp ai họ cũng giúp mình rèn nói, lúc ấy lại càng khó khăn hơn.

Sau 2 tháng cày cuốc cực nhọc (lớp nay chỉ còn lại một nửa) thì mình cảm thấy thành quả đạt được rất xứng đáng với công sức bỏ ra: Mọi kỹ năng đều tiến bộ rõ rệt, tuy chưa nói nhiều hay đọc sâu được nhưng tiếng Đức đã không còn lạ lẫm với mình nữa. Mình tạm nghỉ 2 tháng để tập trung thi lại Đại học rồi đăng ký khóa A2 nhanh (4 tháng) cùng trung tâm, và quá trình diễn ra cũng tương tự như trên, chỉ có điều là với những kiến thức nâng cao hơn thôi.

Tổng thời gian đi hết trình độ A của mình là 8 tháng, tất nhiên vẫn dài gấp đôi so với những bạn học cấp tốc liên tục, nhưng nó phù hợp với hoàn cảnh cá nhân của mình.

Đọc tiếp: Học tiếng Đức cơ bản cùng Busuu

B1

Đây là trình độ cột mốc của rất nhiều bạn muốn đi Đức theo dạng học nghề hoặc học Đại học, vì nó là điều kiện tối thiểu để được nhận vào chương trình (riêng năm nay yêu cầu tiếng Đức đối với học nghề đã có thay đổi đôi chút).

Mình cũng thế, ban đầu mình định nộp trường Kassel và Nordhausen, cả hai đều có tổ chức thi ở Việt Nam vào cuối tháng 6 – đầu tháng 7 hàng năm. Như phần lớn trường Dự bị Đại học khác thì chỉ cần chứng chỉ B1 mà thôi, vậy nên mình đã cố gắng học để có được nó nhanh nhất có thể, tránh làm dài quá trình đi Đức không cần thiết.

Khi ấy, chỉ Viện Goethe là có khóa siêu tốc 2 tháng ngay khi mình xong A2, mình đã đăng ký ngay để khỏi phải chờ đợi. Học ở đây thì tương đối nhẹ nhàng hơn so với Deutsch Zentrum, với một người chuyên học nặng như mình thì thấy không quen lắm vì mình luôn muốn được học nhiều nhất trong thời gian ngắn nhất. Nhưng riêng kỹ năng nói thì mình thấy môi trường ở Viện Goethe mang đến cách giao tiếp khá tự nhiên, ít bị cứng nhắc theo câu mẫu. Đấy là một điểm cộng lớn với mình, bởi trừ điểm yếu nói thì những kỹ năng còn lại xong A2 mình đều cảm thấy khá chắc.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất là lần cô người Đức giao mọi người một dự án nhỏ: đi phỏng vấn người đi đường khu vực trung tâm quận 1 về chủ đề môi trường ở Việt Nam rồi về làm một bài thuyết trình trước lớp. Cái khó thật sự không nằm ở việc phải thuyết trình mà là bắt chuyện với người lạ ngoài đường.

Mình cũng nghĩ kiểu “Ôi dễ thôi ấy mà” nhưng khi làm thật rồi mới thấy không hề đơn giản, bởi cần phải vượt qua nỗi sợ rất lớn của bản thân để ra khỏi vùng an toàn. Dù chẳng nhớ kỹ kết quả bài tập ấy như thế nào nhưng việc dám làm một việc mình thấy sợ thử vẫn luôn đọng mãi. 

nguoi di duong sai gon
Dự án phỏng vấn người đi đường đã giúp mình bước ra khỏi vòng an toàn của bản thân
(Photo by Hiep Duong on Unsplash)

Mình luôn nghĩ rằng học tiếng Đức không chỉ đơn thuần là lấy bằng cho xong, mà còn là một hành trình phát triển bản thân của mỗi người nữa. Chính nhờ nó mà mình có cơ hội được đặt chân đến Đức để có cơ hội hiếm có trải nghiệm nhiều điều mình chưa từng tưởng tượng được ra trước đây. Từ đó, tầm nhìn và suy nghĩ của mình ngày càng được mở mang nhiều hơn, và mình thật sự rất biết ơn điều đó.

Kết thúc khóa học cũng là lúc nghỉ Tết, ra Tết mình thi B1 đạt được kết quả khá ưng ý. Bất ngờ thay, nói là kỹ năng mình sợ nhất nhưng lại được điểm cao nhất (91/100). Có lẽ do lo nên mình đã dành rất nhiều thời gian luyện nó, liên tục cập nhật từ vựng, rèn phát âm và rủ bạn bè tập nói thường xuyên trước kỳ thi.

B1 kiểu như “điểm bùng phát” của mình vậy, trước đó mình chỉ thấy khả năng tiếng Đức phát triển từ từ tăng dần đều thôi, nhưng đến đây thì đùng cái lên nhanh trong thời gian ngắn. Như hồi xưa hay học “đủ thay đổi về lượng sẽ dẫn đến thay đổi về chất” vậy.

Đọc tiếp: Hành trình yêu… học tiếng Đức

B2

Tréo ngoe thay, mình gửi thiếu 1 tờ giấy duy nhất khi nộp hồ sơ qua Đức. Trễ mất kỳ thi đầu vào tháng 7 của những trường phía trên 2 tuần nên đành phải cắn răng tìm trường mới. Trường tiếp theo có tổ chức thi ở Việt Nam là Hamburg, yêu cầu hồ sơ phải có bằng B2 vào tháng 9 (cực kỳ gấp nhé). 

Lúc ấy mình cũng vừa xong khóa B1+ tại Deutsch Campus – một trung tâm do nhóm người Đức gốc Việt mình tình cờ gặp khi tham gia CLB Deutsch SprachTreff lập nên. Ban đầu mình đến đây vì muốn luyện nói (lại nó nữa) càng tự nhiên như người Đức càng tốt.

Vậy thì còn gì tuyệt hơn khi gặp được chính những người bản xứ gần gũi với văn hóa Việt như ở đây? Mình không chỉ có môi trường được nghe tiếng Đức thường xuyên mà còn hiểu sâu hơn về cuộc sống tại đây qua quá trình trò chuyện với họ. Nhờ thế mà mình rất ít sốc văn hóa trong khoảng thời gian đầu ở Đức vừa qua.

deutsch sprachtreff luyen tieng duc tu nhien
CLB Deutsch SprachTreff mình từng tham gia để luyện nói tiếng Đức tự nhiên
(Photo by Deutsch Campus)

Quay trở lại với B1+, khóa học này giúp mình làm quen lại với nhịp học tiếng Đức sau nửa năm không đến lớp. Ngoài ra, những kiến thức được củng cố lại trong quá trình này làm nền tảng vững chắc cho 1 tháng tự ôn B2 (mà mình sắp kể). Quan trọng nhất là kỹ năng nói của mình lúc này liên tục được cải thiện, vì những khóa học tại Deutsch Campus rất chú trọng giao tiếp tự nhiên – cũng là mục đích lúc đầu của mình.

Như vừa nói thì mình phải ôn rất gấp trong tháng 7 để kịp tham gia kỳ thi đầu tháng 8. Suốt 5 tuần đấy, hầu như ngày nào ít thì 3 tiếng, nhiều thì 6 tiếng mình dành cho tiếng Đức. Vốn mình chưa tham gia bất kỳ khóa B2 nào nên rất áp lực và luôn cảm thấy mình không đủ giỏi.

Thế rồi mình xem Youtube điên cuồng để luyện nghe, rèn phát âm cũng như bổ sung từ vựng, quan điểm cho nhiều chủ đề nói. Cùng lúc đó, làm phần nghe – đọc – viết trong hai cuốn sách luyện thi B2 (Prüfungstraining B2 & So geht’s zu B2) và mỗi tuần hai buổi tập nói theo đúng format thi với những bạn học viên khác.

Ngày ấy rồi cũng đến, mình bay ra Hà Nội dự thi liền từ sáng đến chiều, dù bỏ nhiều công sức như thế nhưng tâm lý mình vẫn không đặt nhiều kỳ vọng, mà chỉ mong đủ điểm có chứng chỉ thôi (mỗi kỹ năng trên 60). Đến hôm nhận được kết quả mình cũng phải nói là thật sự bất ngờ: trừ nghe thì ba kỹ năng còn lại điểm thậm chí còn cao hơn cả B1, và chỉ riêng viết dưới 80.

Đấy cũng là điểm kết thúc của hành trình học tiếng Đức chính quy tại Việt Nam của mình, tất nhiên là sau đó vẫn tiếp tục dành nhiều thời gian với người bản xứ để luyện nói thật tốt trong thời gian chờ trước khi sang đây.

Đọc tiếp: Những ngày đầu tới nước Đức

Kết

Mặc dù đạt điểm tương đối cao trong kỳ thi B2 nhưng ở Đức rồi mình mới cảm thấy nó vẫn chưa là gì cả. Công nhận mình không gặp nhiều khó khăn khi hiểu hay làm giấy tờ, nhưng để thật sự trò chuyện kết nối với người Đứcvăn hóa ở đây lại là một chuyện khác.

Học thi lấy bằng chỉ xoay quanh một số chủ đề nhất định mà thôi, ra khỏi vùng đó thì vốn từ vựng của mình chẳng có bao nhiêu và tịt ngay. Nhiều khi muốn nói, muốn giải thích gì đó nhưng miệng cứ cứng lại chẳng nói được mấy. Bạn người Đức kể về những vấn đề đơn giản thôi nhưng đôi khi cũng chịu thua không hiểu hoàn toàn. 

Do đó, với kinh nghiệm học tiếng Đức của mình thì hãy cứ cố học giỏi thật sự, chứ không nên học thuộc bài nói hay viết để vô thi lấy bằng thôi, bởi sau này qua Đức rồi còn gặp nhiều khó khăn hơn. Quá trình ấy đôi khi kéo dài mãi và trở thành một phần của mình, góp phần hình thành nên mỗi người chứ không chỉ kéo dài dăm ba tháng. B1 hay B2 gì thì cũng chỉ là một chặng dừng thôi chứ không phải điểm cuối con đường, thành ra cũng không có gì phải ám ảnh quá nhiều về nó, cứ thoải mái ra mà tận hưởng việc học tiếng Đức thôi.

Hiện mình đang học C1 theo chương trình chính thức của Dự bị Đại học, nhưng quá trình ấy chưa xong nên mình xin phép kể tiếp trong lần khác nhé. Mong là bài viết này đã giúp bạn có được một ví dụ cụ thể về kinh nghiệm học tiếng Đức A1-B2 cũng như hình thành được những góc nhìn cho bản thân khi chọn đi trên hành trình này.


1 Comment

Leave a Comment