Lợi ích của việc sống ở Đức
“Vì sao bạn lại đến Đức?” có lẽ là một trong những câu hỏi phổ biến nhất mà người nước ngoài nhận được. Thật tình mà nói thì mình cũng nhiều lần từng vắt tay lên trán tự vấn bản thân xem quyết định sang Đức, ở lại Đức có phải là một lựa chọn đúng đắn không. Càng ở lâu, càng khó tìm được câu trả lời. Có rất nhiều lý do để mọi người thích sang và sống ở Đức, tùy theo nhu cầu của mỗi cá nhân. Trong bài viết dưới đây, mình sẽ nêu một số nguyên nhân đã khiến mình lựa chọn dừng chân lại nơi này.
Tổng quan
Sống ở Đức: Đầu tiên là tiền đâu?
(Photo by Nathan Dumlao on Unsplash)
Lý do đầu tiên và quan trọng nhất khiến mình lựa chọn đi du học ở Đức chính là yếu tố tài chính. Như mọi người hẳn đã biết, việc học đại học, cao học ở Đức về cơ bản đều miễn phí.1 Nếu so với nhiều nước có chất lượng giáo dục tương tự trên thế giới thì đây là một lợi thế rất lớn. Ngoài tiết kiệm học phí, các bạn sinh viên còn được phép đi làm tối đa 20 giờ một tuần. Với mức lương tối thiểu 9,19€/giờ thì việc trang trải được toàn bộ chi phí sinh hoạt không phải là vấn đề quá lớn.
Ví dụ trong trường hợp của mình, hai năm đầu tiên sau khi sang Đức, mình tự lo liệu được 70% chi phí và từ năm thứ ba thì mình độc lập tài chính hoàn toàn. Như vậy, mình tốt nghiệp đại học với một số dư tài khoản tương đối rộng rãi chứ không phải là một khoản nợ khổng lồ.
Sống ở Đức: An cư và lạc nghiệp
Lý do thứ hai khiến mình lựa chọn sống ở Đức là triển vọng kinh tế sáng sủa. Theo dữ liệu của Bundesagentur für Arbeit, tỷ lệ thất nghiệp hiện tại đang nằm ở mức 4,8%.2 Nhìn một cách tích cực thì điều này có nghĩa là trong đại đa số trường hợp (95,2%), chỉ cần bạn sống ở Đức thì tự nhiên sẽ tìm được việc làm.
Đương nhiên, việc làm có ưng ý, lương bổng có vừa lòng hay không lại là một vấn đề rất khác. Tùy xem bạn sống ở thành thị hay nông thôn, Đông Đức hay Tây Đức, thị trường lao động sẽ có khác biệt đáng kể.
Với kinh nghiệm cá nhân của mình thì chỗ mình sống (Baden-Württemberg) hoàn toàn không thiếu công việc: từ đi chạy bàn ở quán ăn, bán đồ theo ca ở các cửa hàng đến các vị trí lặt vặt ở trường; học lên cao hơn một chút thì đi làm Werkstudent, thực tập có lương và sau cùng là làm toàn thời gian.
Việc Đức cho phép sinh viên nước ngoài tốt nghiệp xong được ở lại 18 tháng tìm việc cũng là một điều kiện rất thuận lợi. Các bạn người Việt mình quen nhìn chung không ai có vấn đề với việc tìm được một chỗ thực tập cũng như công việc sau khi ra trường.
(Photo by Mimi Thian on Unsplash)
Sống ở Đức: Vấn đề luật pháp cũng rất quan trọng
Lý do thứ ba để sống ở Đức là hệ thống luật pháp và phúc lợi xã hội bảo vệ người lao động. Về mặt luật pháp, sau giai đoạn thử việc kéo dài từ 6 tháng đến một năm, chủ lao động không có quyền sa thải nhân viên mà không đưa ra lý do. Trong trường hợp có lý do thích hợp, đơn sa thải chỉ có hiệu lực sau tối thiểu 4 tuần kể từ ngày người lao động nhận được thông tin (Kündigungsfrist).3
Ngoài ra còn có nhiều quy định khác để bảo vệ người lao động nữ như Mutterschutzgesetz (MuSchG), chống kì thị như Allgemeines Gleichbehandlungsgesetz (AGG), quy định về số ngày nghỉ tối thiểu trong Bundesurlaubsgesetz (BUrlG), trợ cấp thất nghiệp Arbeitslosengeld I và II (ALG I và II), vân vân và vân vân. Nhìn chung, đây là một hệ thống khá nhân đạo và toàn vẹn.
Mình cũng khuyến khích các bạn nên tìm hiểu nội dung cơ bản của các điều luật bên trên để nắm rõ được quyền lợi của mình. Ở chỗ mình thì Studienkolleg có dạy qua các vấn đề cơ bản như Kündigungsschutzgesetz (KSchG), MuSchG và AGG, sau này học BWL thì có môn Luật Lao Động (Arbeitsrecht) dạy sâu hơn, đặc biệt là phần về ALG.
(Photo by Wesley Tingey on Unsplash)
Sống ở Đức: Xong phần vật chất ta phải lo đến tâm hồn
Lý do cuối cùng cũng quan trọng không kém đó là vị trí địa lý rất thuận lợi của việc sống ở Đức. Nằm ở trung tâm châu Âu, việc đi du lịch đến các nước lân cận là vô cùng dễ dàng. Bên cạnh các xứ trọng điểm về du lịch như Pháp, Ý, Tây Ban Nha, vốn chỉ nằm trong tầm 1-2 giờ bay, Đức còn ở gần nhiều địa điểm thú vị khác như Ba Lan, Croatia, Bỉ, Hà Lan.
Với thẻ cư trú Schengen, ngoài việc được tự do di chuyển giữa 26 nước trong khối này thì bạn còn được miễn giảm thủ tục visa tới một số nước khác như Bosnia và Herzegovina, Bulgaria, Croatia… Các nước bên Đông Âu này thường rất rẻ, mà lại xinh đẹp và thú vị nữa nên bạn nào thích đi du lịch mà hầu bao lại có hạn (như mình :D) thì có thể xem xét.
(Photo by Rana Sawalha on Unsplash)
Tóm lại là…
Bốn lý do nói trên là những lý do quan trọng, thiết thực nhất mà mình rút ra được sau năm năm học tập và sinh sống ở Đức. Đương nhiên là trước khi sang đây, mình còn có vô số những giấc mơ đầy lãng mạn về Xứ sở của các nhà thơ và nhà tư tưởng (Land der Dichter und Denker), nhưng trước chuyện cơm áo gạo tiền thì thơ ca và tư tưởng cũng không mài ra ăn được.
Bài này chỉ đề cập đến các mặt tích cực, còn những lý do khiến mình nửa đêm phải vắt tay lên trán nằm suy nghĩ xem ở lại Đức có phải một lựa chọn sai lầm hay không thì mình xin dành lại cho dịp khác.
1 Đối với trường đại học công lập ở tất cả các bang trừ Baden-Württemberg. Bang này hiện đang thu học phí 1500€/kỳ đối với sinh viên nước ngoài, không áp dụng đối với Studienkolleg.
2 https://statistik.arbeitsagentur.de/ Số liệu dựa trên dân số Đức. Tỷ lệ thất nghiệp của người nước ngoài là 13,6%, tăng mạnh sau làn sóng nhập cư năm 2015.
3 Kündigungsfrist thay đổi tùy thuộc vào độ dài của hợp đồng lao động, xem thêm ở §622 BGB. Độ dài của hợp đồng tính từ thời điểm bắt đầu cho đến thời điểm nhận được giấy báo nghỉ việc.