luu-y-khi-luyen-thi-tieng-duc

Những lưu ý quan trọng khi ôn thi tiếng Đức B1

Quyết định di cư đến một đất nước xa lạ để được hưởng nền giáo dục tốt hơn đã không còn quá xa lạ với các bạn trẻ ngày nay. Đối với các bạn chọn đi du học Đức, một đất nước không nói tiếng Anh, việc chạy đua để học tiếng Đức từ đầu và ôn thi tiếng Đức B1 lấy bằng để kịp nộp hồ sơ đăng ký nhập học quả thật không phải là một quá trình dễ dàng.

on luyen thi tieng duc b1 stress
Việc chạy đua để học tiếng Đức từ đầu và ôn thi lấy bằng để kịp nộp hồ sơ không phải là một quá trình dễ dàng
(Photo by Lacie Slezak on Unsplash)

Ôn thi tiếng Đức B1

Để học tiếng Đức, khả năng tự học là một kỹ năng quan trọng. Nếu bạn chỉ đến lớp học và về nhà làm bài tập được giao, kỹ năng tiếng Đức của bạn sẽ chỉ dừng lại ở việc biết những con chữ. Cũng như vậy, học là một chuyện, ôn thi tiếng Đức B1 để đậu lại là một chuyện khác vì khi tham gia kỳ thi, bạn phải chứng minh được là bạn thực sự hiểu và sử dụng được tiếng Đức một cách linh hoạt như người Đức.

Tất cả các kỳ thi tiếng Đức đều được chia thành nhiều phần để kiểm tra hết tất cả các kỹ năng này. Tuy nhiên, tùy theo mục đích của chứng chỉ, chẳng hạn như B1, B1 Beruf (đi làm) etc., mà chủ đề và từ vựng sẽ rất khác nhau.

Cũng như các bạn, những năm tháng đầu mình chỉ cắp sách tới trung tâm học, làm bài tập, cố gắng để đạt đến mục tiêu hoàn thành khóa học, đối với mình chỉ là B1. Lần đầu tiên khi cầm bộ đề luyện thi tiếng Đức, ý nghĩ đầu tiên nảy ra trong đầu mình là «chắc không đậu nổi đâu». Vậy bạn cần làm gì để chuẩn bị cho kỳ thi tiếng Đức?

Đề thi tiếng Đức được chia ra làm 5 phần: Leseverstehen, Sprachbausteine, Hörverstehen, Schriftlicher AusdruckMündlicher Ausdruck. Những ai đang ôn thi tiếng Đức B1 chắc cũng đã tìm hiểu và biết về hình thức thi.

Kinh nghiệm đối với các kỳ thi tiếng Đức thì đã được chia sẻ rất nhiều, ở đây mình chỉ chia sẻ với các bạn những điều quan trọng cần chuẩn bị khi ôn thi tiếng Đức B1.

Đọc tiếp: Từ A đến Z kinh nghiệm học tiếng Đức A1-B2

Làm quen với khung thời gian thi

Kỳ thi được chia vào hai khung thời gian: buổi sáng thi viết và buổi chiều thi nói. Tổng thời gian thi viết là 3 tiếng liên tục. Ngoại trừ thời gian thu và phát giấy giữa các phần thi, bạn không có thời gian nghỉ giải lao. Vì vậy, việc luyện tập để có thể tập trung tốt liên tục trong vòng 3 tiếng đồng hồ là cần thiết.

luyen thi tieng duc tap trung
Việc có thể tập trung tốt được trong vòng 3 tiếng đồng hồ là cần thiết
(Photo by JESHOOTS.COM on Unsplash)

Mua một bộ sách để tự ôn thi tiếng Đức B1 tại nhà

Làm quen với đề thi sẽ giúp bạn không bị sốc khi lần đầu tiên nhìn thấy đề trong phòng thi. Ngoài ra, vì cấu trúc đề cố định, bạn chỉ cần đọc lướt hoặc nhìn vào đề là đủ để biết phải làm gì, nhờ vậy tiết kiệm được thời gian phân tích đề.  

Các bộ đề mẫu thường sẽ đề cập đến hầu hết các chủ đề thông thường hay gặp trong kỳ thi. Bằng cách học theo sách đề thi, các bạn sẽ được dịp làm quen với hầu hết các chủ đề và các từ vựng thường dùng liên quan tới chủ đề đó.

Tuy nhiên, các bộ sách đề thi thường chỉ có khoảng 5 tới 10 đề mẫu. Ngoài việc học theo sách, bạn cũng có thể tìm trên mạng đối với các bộ đề cũ hơn. Bằng cách giải nhiều đề, bạn sẽ có cơ hội ôn đi ôn lại từ vựng và ngữ pháp.

Đối với mình, mình luyện nghe B1 hầu như hoàn toàn trên Youtube và 5 đề trong sách ôn thi tiếng Đức B1. Một phần quan trọng nữa cho kỹ năng nghe là bạn phải nghe loa ngoài, không được dùng tai nghe. Vì sao? Nghe bằng tai nghe giúp bạn tập trung và nghe được rõ hơn, nhưng trong phòng thi giám khảo sẽ mở loa ngoài cho tất cả cùng nghe chung, không tập luyện trước bạn sẽ không thể nào nghe được vì âm thanh khá loãng (đây là kinh nghiệm của mình thi tại Đức).

Đọc tiếp: 12 cách tự học tiếng Đức hiệu quả

Ôn thi tiếng Đức B1 theo khung thời gian

Làm quen với khung thời gian cho từng phần thi cũng rất quan trọng. Mình đi làm cả ngày không có thời gian ngồi cày đề. Vì vậy, trong tuần mình thường chia ra giải từng phần của đề theo khung thời gian của phần đó. Vào cuối tuần, mình giải nguyên một đề trong tổng thời gian 3 tiếng để làm quen với áp lực và canh thời gian.

Việc giải từng phần của đề cũng giúp bạn biết được tốc độ riêng của bản thân để điều chỉnh thời gian cho phù hợp. Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ biết mình tốt phần nào và yếu phần nào để đầu tư thời gian luyện thêm cho phần còn yếu.

luyen thi tieng duc giai de
Việc giải từng phần đề thi cũng giúp bạn biết được tốc độ và trình độ của bản thân để đầu tư cải thiện thêm (Photo by Green Chameleon on Unsplash)

Học kỹ từng kỹ năng

Ở thời điểm ôn thi tiếng Đức B1, bạn không nên tập trung học quá nhiều từ vựng hoặc học bất cứ cái gì có thể, mà hãy học từ vựng theo chủ đề và tập trung luyện tập kỹ các kỹ năng cần thiết cho kỳ thi. Bởi vì, mục đích của kỳ thi là kiểm tra xem bạn có hiểu và sử dụng được tiếng Đức hay không. Xây dựng một kho từ vựng nhưng không thể nghe, nói và viết sẽ không giúp bạn đậu được kỳ thi.

Như mình đã đề cập ở trên, học tập và thi cử là hai chuyện khác nhau. Một bên là ngựa phi đường dài và một bên là một cuộc chạy đua nước rút. Và để chiến thắng một cuộc đua nước rút, bạn phải tập trung vào những kỹ năng cần thiết trên đường đua.

Đọc tiếp: Có nên tự học tiếng Đức A1 không?

Kết

Để học tiếng, mỗi bạn sẽ có cách học và lựa chọn riêng cho mình. Bạn có thể tìm một trung tâm để học từ A đến Z, bạn cũng có thể tự học tại nhà. Nhưng khi nói tới chuyện ôn thi tiếng Đức B1, một trong những điểm chung quan trọng là các bạn đã học đủ nhiều, đã sử dụng được thành thạo tiếng Đức hay chưa. Mình hy vọng với những chia sẻ trên đây, các bạn sẽ biết được ở thời điểm nào nên đầu tư vào việc gì để có thể đạt được kết quả như ý nhất.


Leave a Comment