Người Đức và thói quen nghe Radio
Có một khoản phí mà du học sinh Đức nào cũng cằn nhằn, đau đầu và băn khoăn tự hỏi vì sao mỗi tháng vẫn phải trả, ấy là tiền phí radio (Rundfunkbeitrag).
Nhắc đến radio, mình luôn nhớ đến những ngày tháng về quê với ông bà rồi nằm cuộn tròn bên cạnh một cái đài radio nhỏ tí để nghe tiếng người phát ra từ “cỗ máy thần kỳ" ấy. Phía trên máy cố định hai cái ăng ten phải điều chỉnh trái phải lên xuống liên tục, nếu như không muốn đang nghe rõ ràng lại có tiếng rè vang vào trong tai. Đấy là lần đầu tiên mình biết đến radio.
Sau này, radio còn là nơi cho các bạn trẻ gọi đến tâm sự, có liên kết với khán giả các thứ. Radio lúc đấy không chỉ là một công cụ để nghe mà người theo dõi có thể nhìn thấy người dẫn ở trên màn hình chính luôn.
Tuy vậy, người Việt Nam ngày nay không còn coi radio như một phương tiện giải trí, bầu bạn, cập nhật thông tin nhiều như xưa nữa. Họ có báo mạng, có tivi và có những thứ khác để thay thế.
Trái lại, ở Đức, hơn 94% dân số nghe Radio và đến 77,6% dân số nghe radio mỗi ngày (Nguồn số liệu: https://www.radioszene.de/tag/ma-2018-audio-ii). Ngày ngày, họ dành đến gần 3 tiếng đồng hồ để nghe radio, chỉ ít hơn việc xem tivi khoảng nửa tiếng (212 phút/ngày cho việc xem tivi).
Vậy, tại sao radio lại được người Đức thích nghe đến như vậy và có những kênh radio nào du học sinh chúng ta có thể nghe để đỡ cảm thấy phí khi phải đóng 17,5 euro cho khoản phí này? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé.
Tổng quan
1. Radio được nghe bởi ai và vào lúc nào?

(Photo: ARD-Werbung)
Theo biểu đồ thống kê năm 2017, tầm từ 7:30-8:00 sáng là giờ “cao điểm” nghe radio của mọi nhà, từ trẻ đến già. Radio được xem như là hoạt động bắt đầu một ngày mới. Người Đức tiếp nhận thông tin mới mẻ từ thế giới bên ngoài ngay từ lúc mới thức dậy. Ngoài ra, các bài hát phát ra từ radio còn mang tới năng lượng vững chãi giúp họ sẵn sàng bước vào ngày mới.
Từ biểu đồ có thể thấy là độ tuổi từ 50-59 có hứng thú cao nhất với việc nghe radio, trong khi giới trẻ có xu hướng nghe ít hơn.
Thế nhưng, người Đức họ không ngủ dậy rồi ngay lập tức với lấy điện thoại, hay máy radio rồi nằm nghe. Hơn 90% thời gian nghe họ còn làm các việc chính khác quan trọng hơn, như nấu bữa sáng, tắm rửa, đánh răng, hoặc rõ ràng nhất là vừa lái ô tô đi làm vừa nghe radio luôn.
2. Một người sẽ nghe bao nhiêu kênh radio?
Ở Đức, có hàng trăm đài radio để người ta tha hồ ấn chuyển và có nhiều lựa chọn khác nhau trong việc tiếp nhận thông tin. Cũng giống như truyền hình cáp trên tivi vậy.
Mình nhớ trước đây sau khi xem xong thời sự lúc 19:00 trên VTV3, mình sẽ phải chuyển sang Disney để xem một loạt các series hoạt hình đến 21:00, rồi lại chuyển kênh VTV3 xem đến phim giờ vàng, mỗi lúc quảng cáo lại chuyển, vân vân và mây mây... cho đến khi mỗi tối của mình thời gian bay hết vào tivi.
Trái với việc chuyển kênh tivi, người nghe radio lại trung thành hơn khi họ hầu như chỉ nghe một đài (62.5%). Số lượng người nghe 2 đài (25,1%) hoặc hơn 3 chiếm phần trăm ít hơn. (Nguồn số liệu: ma 2017 II)
Mỗi đài radio lại có những phong cách đặc trưng khác nhau và nhờ thế chiếm được trái tim thính giả. Các thính giả cũng coi việc nghe radio như việc bầu bạn tâm sự và họ cứ thế chọn một “người” để nghe câu chuyện của người ấy mãi thôi, vì đã “trót yêu” rồi mà!
3. Mỗi người Đức có bao nhiêu thiết bị nghe radio?

Trung bình, mỗi người Đức có 3,5 thiết bị để có thể nghe radio. (Nguồn số liệu: ma 2017 II)
Trước đây mình vẫn nghĩ là radio chỉ nghe được bằng máy radio. Nhà mình ở thì tất nhiên không có máy radio, nên mình cảm thấy hơi bất công khi bị thu thêm phí radio mỗi tháng.
Nhưng thật ra, radio cũng có thể nghe được qua điện thoại, máy tính, các thiết bị có kết nối internet. Ngoài ra, radio trên đài ở ô tô cũng được tính là một dạng công cụ nghe radio và không cần internet vẫn nghe được.
(Photo by Daniel von Appen on Unsplash)
4. Tại sao người Đức lại thích nghe radio đến thế?
Trái với câu hỏi: “Tại sao anh lại yêu em?” làm nhiều bạn trai đau đầu và khó để tìm ra câu trả lời cho hợp ý các bạn nữ, câu hỏi trên không quá khiến người ta phải vò tai bứt óc khi tìm câu trả lời.
Nếu bạn click vào và nghe thử một kênh radio của Đức, chắc chắn bạn sẽ phải công nhận với mình rằng âm thanh từ radio rất tốt, các từ ngữ câu chữ được phát âm tròn vành rõ chữ và người nghe có thể dễ dàng hiểu được thông tin.
Với mình đấy là lý do để luyện tiếng Đức, còn lý do người Đức thích thì đây:
- Thông tin: Người Đức ưa thông tin, họ tò mò muốn biết về những vấn đề xung quanh họ và luôn đặt câu hỏi tại sao. Radio cung cấp những thông tin cơ bản hàng ngày như về thời tiết, về giao thông, sự kiện, các tips cho người tiêu dùng, tin tức mới hàng ngày…). Bước 1 đi vào trái tim người Đức coi như xong ✔️
- Giọng điệu và năng lượng của người dẫn: Người dẫn khi nói không có giọng điệu buồn ngủ, đơn điệu mà luôn hưng phấn tạo cảm giác thoải mái cho người nghe, giúp stress hay mệt mỏi dường như bớt đi phần nào. Mà người Đức thì lại nhiều stress, thế nên nghe radio rất hợp lý ✔️
- Một nơi tuyệt vời cho việc khám phá những bài hát mới: Trên radio lúc nào cũng phát những bài hát hay để phục vụ nhu cầu người nghe, có thể bạn nghe được một bài nào đó hay ở trên radio để bổ sung vào list nhạc của mình thì sao?
- Giao tiếp: một số kênh radio còn kết nối giữa người dẫn và người nghe, nghĩa là người nghe gọi điện đến và họ sẽ có một cuộc hội thoại với nhau về vấn đề gì đó…
5. Một số gợi ý về kênh radio Đức:
Sau khi biết được lý do tại sao radio lại được yêu thích đến vậy, các bạn có muốn thử nghe radio không?
Để trải nghiệm nghe của bạn được tuyệt nhất, các bạn có thể tìm cho mình một kênh radio ưa thích hợp gu của bạn qua những gợi ý sau đây của mình. Dựa trên format thành công nhất (đến hơn 60% các kênh radio tư đều dùng): gọi là Adult Contemporary (AC):
- Âm nhạc: Các hits nhạc pop từ năm 80s, 90s và cập nhật các thể loại nhạc được yêu thích trong giới trẻ hiện nay. Không có Jazz, nhạc cổ điển hay Rock
- Đối tượng: 20-49 tuổi
- Có các trò chơi đố vui, trúng thưởng,…
- Có thể gửi cuộc gọi và tham gia cuộc nói chuyện
- Ví dụ: 3 (mình thấy cái này được ưa thích này); RHS; Radio Gong; Radio Hamburg; Radio NRW; Antenne Bayern (radio này có giọng Bayern cho bạn nào muốn nghe thử); 104,6 RTL;…
Ngoài ra còn có các kênh radio được gọi là Subformat của AC nói trên, hay có thể gọi là kênh bé hơn, nổi bật cho giới trẻ có thể kể đến Jungendformat (Contemporary Hit Radio – CHR):
- Âm nhạc: Chỉ giới hạn 40 bài hay nhất trong bảng xếp hạng, không có nhạc cũ từ tháng trước chứ nói gì đến thập niên trước, các bài hát cũng không được phát đi phát lại quá nhiều, tránh sự nhàm chán
- Đối tượng: 14-25 tuổi
- Các bản tin cũng được nói ít hết sức có thể
- Format này chiếm gần 20% các kênh radio tư
- Ví dụ: Mainstream CHR; Dance Orientierte CHR; Rock Orientierte CHR,…
Trên đây là những thông tin mình đã được học, được nghe và tìm hiểu về radio ở bên Đức. Mình nghĩ nếu có cơ hội mọi người hãy thử thư giãn và ngồi nghe radio xem có thích không nhé!
Chúc mọi người có những giờ phút thư giãn và biết thêm nhiều thông tin trên kênh radio ưa thích của mình. Và đừng quên khoe với các bạn Đức là mình cũng nghe radio xem biểu hiện của họ thế nào nhé.