nhung-cu-soc-van-hoa-duc

Những cú sốc văn hóa đức

Trái đất này là của chúng mình...

Trái đất cùng với những người anh em khác của mình (sao hoả, sao kim,…) cùng “nắm tay” nhau quay vòng tròn quanh anh mặt trời ngày này qua ngày khác. Nhưng điểm đặc biệt hơn hết của quả cầu xanh ấy so với những quả cầu đỏ, vàng khác là: nơi đầy tồn tại sự sống của con người, thiên nhiên, động vật. Oằn mình qua biết bao nhiêu năm lịch sử, văn hoá, hoà cùng với sự xoay tròn của trái đất, mỗi điểm đến trên trái đất lại chứa đựng những phong tục, tập quán, con người, đồ ăn đặc trưng vô cùng phong phú và khác biệt. 

trai-dat-nay-la-cua-chung-minh
(Photo by sergio souza on Unsplash)

Sự tò mò thôi thúc mỗi người đặt chân đến những vùng đất khác, để khám phá và tìm hiểu nước bạn. Là một đứa con của đất nước Việt Nam hình chữ S xinh đẹp, mình cũng khao khát được đi đến những nơi mà mới chỉ nghe tên, xem ảnh qua báo đài, tin mạng. Tuy nhiên, khi bay một chuyến bay dài từ châu lục này đến châu lục khác, có những cứ sốc văn hóa Đức đã khiến mình phải thay đổi hoàn toàn thói quen trong 20 năm sinh sống và học tập tại Việt Nam.

Sốc văn hóa Đức: Không còn những đồ ăn đường phố 

Trên các vỉa hè, từ đường đi học đến đường đi chơi, đâu đâu ở Việt Nam ai ai cũng bị mê mẩn bởi mùi thơm của những chiếc xiên nướng, màu vàng rụm của bánh chuối, những hàng cháo trai, bánh giò, nem chua rán,.. nhằm níu chân các cô cậu học sinh, thanh niên trước khi về nhà. 

Không chỉ dừng lại ở đồ ăn vặt, các hàng cơm bình dân với một hàng buffet thức ăn tự chọn, cùng các quán phở, bún, xôi,… đều sẵn sàng với những món ăn nóng hổi để phục vụ cho những chiếc bụng đang reo lên vì đói. 

soc van hoa duc khong con thuc an duong pho
Sốc văn hóa Đức: Không còn những đồ ăn đường phố
(Photo by Sujeeth Potla on Unsplash)

Đây có lẽ là điều mà nước Đức sẽ làm bạn hơi buồn. Trên vỉa hè nước Đức chỉ là những chiếc lá rơi lác đác, cùng với những vạch phân cách đường đi của xe đạp với người đi bộ. Không còn những gói xôi xách mang đi học, những cái bánh bao sáu nghìn đồng nhân hai trứng hay một bát bún thang để bắt đầu ngày mới nữa. Bữa sáng của người Đức chủ yếu là ngũ cốc với sữa, hoặc ghé qua các hàng bánh ngọt để ăn bánh, uống cà phê, có khi là vài ba lớp bánh mì kẹp với thịt nguội.

Trước khi sang đây, mình cũng đam mê đồ ăn Tây lắm. Nhưng có lẽ dạ dày mình đã quen thuộc với bánh bao, bánh mì pate, xôi gà nên cho đến bây giờ nghĩ đến đồ ăn Việt Nam, mình lại thấy hơi chạnh lòng. 

Sốc văn hóa Đức: Viết thư gửi qua bưu điện

Bức thư đầu tiên trong cuộc đời mình được viết ngay từ khi mình mới học được cách viết tập làm văn. Đó là bức thư gửi bản thân mình 20 năm sau, và bức thư ấy được nộp cho cô văn chấm điểm.

Những bức thư tiếp theo là mình viết cho ông già Noel vào mỗi dịp giáng sinh với hi vọng nhận được món quà như ý. Sau đấy mình giấu dưới gối, trong tất, trên bàn ăn để hi vọng ông già Noel khi đi qua nhà mình sẽ lấy được bức thư và đem quà cho mình. 

Về sau khi tình yêu chớm nở, mình cũng viết những bức thư tình rồi gói ghém gửi cho người ấy, nhằm thể hiện tình yêu nồng cháy. 

Nghĩa là: Ở Việt Nam mình hầu như không bao giờ viết thư, mọi thứ đều có thể thực hiện qua internet hoặc mình có thể có mặt tại một địa điểm mà không cần đặt lịch hẹn trước.

soc van hoa duc gui thu qua buu dien
Sốc văn hóa Đức: Viết thư gửi qua bưu điện
(Photo by Helloquence on Unsplash)

Thế nhưng ở Đức, các bạn hầu như sẽ phải viết thư tay gửi qua post rất nhiều lần. Và quá trình kéo dài rất là lâu. Từ việc mở tài khoản ngân hàng, xin đăng kí nhà mạng đến đổi địa chỉ, xin bảo hiểm,… Vì họ cần chữ kí của khách hàng, nên một là đến tận nơi nhưng phải có lịch hẹn, hai là chúng ta phải gửi thư qua post. Ở Việt Nam, mình viết thư mà không hề mong được hồi đáp lại. Trái lại ở Đức, mỗi một căn hộ đều có một hòm thư trước cửa và phải kiểm tra hàng ngày. 

Sốc văn hóa Đức: Không có tivi mà vẫn phải trả tiền

Ở Việt Nam, mỗi căn hộ đều sở hữu ít nhất một cái tivi, thậm chí là mỗi phòng một cái tivi. Ngày ngày quây quần bên nhau ăn tối xem thời sự, sau đó đến các chương trình giải trí như “Ai là triệu phú?” rồi đến giờ phim vàng trên VTV3, tivi là “người bạn thân” của mọi nhà.

Hàng tháng, bố mẹ mình vẫn trả một khoản phí truyền hình cáp để mình có thể xem Disney Chanel, HBO hay Star Movie. Nhưng nếu không có truyền hình cáp, thì tivi sẽ chỉ có những kênh cơ bản như VTV, VOV giao thông các thứ thôi. Và nếu bạn không đăng kí truyền hình cáp, bạn cũng đương nhiên không mất một khoản phí nào cả. 

soc van hoa duc tra tien phi tivi
Sốc văn hóa Đức: Không có tivi mà vẫn phải trả tiền
(Photo by Sharon McCutcheon on Unsplash)

Tèn ten, ở Đức có một phí cơ bản là phí radio và truyền hình (Rundfunkbeitrag). Kể cả bạn có hay không sở hữu trong nhà một cái tivi hay nghe radio, bạn vẫn sẽ phải đóng một khoản tầm 17,80 Euro cho một căn hộ/tháng. Hầu như là sẽ có một người đóng cho một căn hộ và sau đó mọi người chia tiền cho nhau. Đây là điều khiến tất cả du học sinh luôn luôn đặt câu hỏi: Tại sao?

Ngoài ra thì bên Đức các bạn xem phim trên các trang mạng thì được, nhưng không được tải về vì có thể bị phạt phí rất rất cao. (Sống ở Đức không được phép xem phim lậu)

Sốc văn hóa Đức: Xem phim lồng tiếng Đức và không có phụ đề dịch 

Nếu mọi người liệt kê ra danh sách những người đóng góp nhiều nhất cho rạp chiếu phim nước nhà thì có thể là không có tên mình, nhưng tuần nào mình cũng có mặt ở rạp chiếu phim. Cái cảm giác được xem phim trên màn ảnh rộng, trên tay cầm gói bỏng ngô rồi được tẩn hưởng những pha hành động sống động, cộng thêm tiếng Anh chuẩn của diễn viên là một trong những hoạt động ưa thích của mình để xả stress vào mỗi cuối tuần. Khi nào mình không hiểu diễn viên nói gì thì có thể ngó xuống phần phụ đề đã được các bạn khác biên dịch kĩ lưỡng. 

soc van hoa duc xem phim long tieng duc
Sốc văn hóa Đức: Xem phim lồng tiếng Đức và không có phụ đề dịch
(Photo by Erik Witsoe on Unsplash)

Thế mà từ hồi sang Đức, hoạt động ưa thích ấy của mình đã không còn duy trì được như trước nữa. Người Đức có vẻ không ưa chuộng đi xem phim ngoài rạp như người Việt Nam. Ở các hệ thống rạp chiếu phim của Đức cũng không phải rạp nào cũng sẽ có bản gốc (Original version) mà sẽ là lồng tiếng Đức, và đương nhiên không có phụ đề. Có lẽ họ cho rằng xem phim không có phụ đề sẽ giúp người xem tập trung vào nhân vật và mạch phim hơn.

Vậy nhưng những người lồng giọng cho nhân vật thì theo cá nhân mình nghĩ giọng đều rất cao và không hay bằng giọng người Đức ngoài đời. Hơn nữa thì việc nghe lồng tiếng (kể cả bằng tiếng Việt) cũng khiến cho bộ phim mất đi phần nào cảm xúc mà nó muốn truyền tải. 

Trên đây mình vừa kể cho mọi người những cú “shock” mà mình đã và đang trải qua. Tuy nhiên, không có gì có thể làm du học sinh Đức nản lòng được. Rồi chúng ta sẽ làm quen với chúng và tìm ra những niềm vui khác cho bản thân mình thôi. Ở các thành phố lớn thì đều có các siêu thị Châu Á và rạp phim cũng sẽ có bản gốc bằng tiếng Anh, nên mọi người vẫn có thể khắc phục được về ăn uống và giải trí đó. Nếu các bạn gặp phải những điều trên thì cũng đừng buồn vì bạn không phải là những người duy nhất đâu!