11 điều nên và 5 điều không nên làm trong văn hóa Đức

Người Việt Nam có câu: nhập gia tùy tục. Câu này không chỉ đúng ở Việt Nam mà còn đúng khi bạn đi ra môi trường quốc tế. Trong văn hóa Đức cũng có những điều bạn phải học làm theo và những điều tối kỵ nên tránh. Bài viết này mình sẽ giới thiệu với các bạn những cách ứng xử cơ bản nhất trong những ngày đầu tiên đến Đức.

11 điều nên hoặc phải làm phù hợp với văn hóa Đức

1. Nhìn vào mắt khi nói chuyện và bắt tay

Đối với người Đức, nhìn vào mắt là phép lịch sự tối thiểu. Trong bất kỳ loại hình giao tiếp nào, chẳng hạn nói chuyện, bắt tay, bạn đều phải nhìn vào mắt đối phương. Nếu không, họ sẽ cho rằng bạn đang không lắng nghe hoặc tập trung vào câu chuyện với họ.

2. Prost

Ở Việt Nam mình, chúng ta hay nói 1,2,3 dô ô ô khi cụng ly trên bàn nhậu. Người Anh thường nói cheers. Còn ở Đức, họ sẽ nói prost. Điều đặc biệt quan trọng là khi bạn cụng ly, phải phải dành thời gian để ngước nhìn vào mắt người bạn đang cụng ly và sau đó nói prost.

Một người bạn của mình dọa sẽ nghỉ chơi với mình nửa năm nếu tiếp tục cụng ly mà không nhìn vào mắt nó. Còn những người bạn Đức khác thì có những điều mê tín khác như xui xẻo mấy tháng, vân vân..

văn hóa Đức
Nhìn vào mắt khi nói chuyện, bắt tay, hoặc thậm chí là khi cụng ly là phép lịch sự quan trọng trong văn hóa Đức.
https://www.fluentu.com/blog/german/german-stereotypes/

3. Gesundheit

Ở Đức, khi bạn hắt xì, mọi người sẽ quay sang và nói Gesundheit để chúc bạn khỏe mạnh. Gesundheit có nghĩa tương tự như chúc sức khỏe hay bless you trong tiếng anh. Đây là phép lịch sự bình thường trong văn hóa Đức.

4. Xì mũi trên bàn ăn

Đây là điểm văn hóa kì lạ của người Đức mà mãi 3 năm sau mình mới quen Được. Đối với người Đức, nước mũi là chất thải, không nên được hít lại vào cơ thể. Vì vậy, khi họ bị sổ mũi, ngay cả trên bàn ăn, họ sẽ xì mũi vào khăn giấy ngay trước mặt bạn mà không hề quay ra chỗ khác. Mặc dù vậy, vẫn có một số người Đức có kiến thức về các nền văn hóa khác và họ sẽ quay qua trái hoặc phải để xì mũi. Tuy nhiên, sau khi hắt hơi hoặc xì mũi trên bàn ăn, bạn nên nói xin lỗi (entschuldigung).

5. Ladies first

Thể hiện rõ trong ngôn ngữ tiếng Đức. Tất cả các bức thư hoặc những buổi nói chuyện, thay vì nói kính thưa quý ông bà, người Đức sẽ nói kính thưa quý bà ông (Sehr geehrte Damen und Herren).

Tuy nhiên, phụ nữ lại được đánh giá thấp hơn trong môi trường làm việc. Nhiều bạn người Đức vẫn thường phàn nàn về sự khác biệt trong mức lương. Cụ thể, cùng một vị trí và khối lượng công việc nhưng nam giới sẽ nhận được mức lương cao hơn nữ.

6. Giữ cửa cho người phía sau

Đây là một trong những phép lịch sự tối thiểu ở Đức.

Người Đức rất coi trọng sự riêng tư trong cuộc sống nên cửa xuất hiện khắp mọi nơi: cửa phòng làm việc, cửa căn hộ, cửa tầng, cửa phòng riêng.

Vì vậy, khi đi lại bạn sẽ không tránh được việc phải mở nhiều cửa liên tục. Người đi vào trước nếu nhận ra có người đang đi phía sau cách 1 hoặc 2 mét, họ sẽ giữ cửa mở chờ tới khi người phía sau đi tới và tự giữ được cửa.

Người đi vào trước nên giữ cửa mở đợi nếu thấy có người đang di từ phía sau tới. https://bonimpressions.com/the-rules-to-rule-your-lady/

7. Đứng bên phải khi đi thang cuốn

Khi bạn đi thang cuốn, bạn sẽ không phải tự di chuyển mà chỉ đứng chờ thang cuốn đi lên. Tốc độ thang cuốn không nhanh. Vì vậy, thường người đi thang cuốn sẽ đứng bên phải để nếu có người nào bận rộn cần đi nhanh thì họ có thể dễ dàng vượt qua bạn được.

Điều này có thể được nhận thấy rõ ràng khi bạn đi thang cuốn ở Đức. Mọi người sẽ đứng thành một hàng bên tay phải thang cuốn mặc dù họ đi theo nhóm.

8. Cảm ơn và xin lỗi (Danke und bitte oder entschuldigen)

Đây là hai chữ được nói thường xuyên nhất ở Đức. Người Đức tôn trọng sự riêng tư và rất coi trọng sự giúp đỡ từ người khác. Vì vậy, bất cứ khi nào nhận được sự giúp đỡ dù rất nhỏ nhặt, họ cũng luôn luôn nói lời cảm ơn.

Một lần mình rủ bạn người Đức đi một làng nhỏ ở Hà Lan chơi. Cuối chuyến đi, ai cũng hài lòng và vui vẻ. Lúc chào nhau ra về, các bạn đều nói cảm ơn mình vì đã đề xuất ý kiến và địa điểm đi chơi.

Mình hơi ngạc nhiên vì mình muốn đi chơi và cần bạn đi chơi nên rủ. Tại sao các bạn lại cảm ơn. Nhưng theo các bạn, mình đã bỏ thời gian tìm hiểu địa điểm, thảo luận với mọi người để làm cho chuyến đi trở thành hiện thực nên họ cảm kích và cảm ơn mình.

9. Lời khen

Tất nhiên, ai cũng thích được nghe khen. Nhưng đối với người Đức, lời khen phải thật và chân thành chứ không phải là kiểu xã giao và làm vui lòng nhau.

Vì vậy, khi ở Đức, nếu bạn nhận được lời khen từ đồng nghiệp, từ sếp, thì hãy tự tin là bạn đã làm rất tốt bởi vì họ không dễ dàng đưa ra lời khen đâu.

10. Quà tặng

Tặng quà đối với mình luôn là một công việc đau đầu nhất. Tuy nhiên, ở Đức, điều này thật sự rất đơn giản.

Thứ nhất, ở Đức, bạn chỉ tặng quà cho những người thực sự thân thiết. Nếu đồng nghiệp có sinh nhật nhưng bạn không thân lắm thì chỉ cần nói chúc mừng sinh nhật là được.

Thứ hai, nếu bạn bí quá không biết tặng gì, bạn chỉ cần hỏi thẳng người bạn muốn tặng là họ muốn nhận gì. Nhiều người Đức thực sự thích cách này hơn vì họ nhận được món quà mà họ hằng mong muốn.

11. Giờ giấc

Người Đức rất coi trọng giờ giấc. Đây cũng là một phép lịch sự cơ bản thể hiện sự tôn trọng đối với người khác. Vì vậy, khi được mời tham dự một buổi tiệc hay sự kiện, người Đức sẽ thường đến đúng giờ hoặc đến trước 5 hoặc 10 phút để có dịp hỏi thăm nói chuyện với người mời.

Tặng quà đối với mình luôn là một công việc đau đầu nhất. Tuy nhiên, ở Đức, điều này thật sự rất đơn giản. Photo by Kate Hliznitsova on Unsplash

5 điều không nên làm khi sống trong nền văn hóa Đức

1. Không chúc mừng sinh nhật sớm

Đối với người Đức, đây là một điềm xui xẻo. Họ thường chúc mừng sinh nhật đúng ngày hoặc muộn và tránh chúc mừng sinh nhật sớm.

2. Không được hỏi tuổi tác và cân nặng

Ở Việt Nam, con gái thường sợ bị hỏi về cân nặng. Nhưng ở Đức, hỏi về tuổi tác và cân nặng là hai điều tối kỵ, không chỉ riêng cho nữ giới mà cho tất cả mọi người. Vì vậy, trừ khi thực sự rất thân thiết, bạn đừng bao giờ hỏi về hai điều này.

3. Không được hỏi về thu nhập cá nhân, cụ thể là tiền lương

Đây cũng là một vấn đề nhạy cảm trong văn hóa Đức. Như  mình đề cập ở trên, một phần sự khác biệt trong thu nhập cá nhân đến từ giới tính. Một lý do khác là tôn trọng sự riêng tư và thu nhập cá nhân thuộc vào phần riêng tư trong cuộc sống của mỗi người.

4. Không nói chuyện khi miệng còn thức ăn

Đây là phép lịch sự cơ bản trên bàn ăn. Đối với người Đức, họ thường nói chuyện rất to và rõ chữ. Khi bạn có thức ăn trong miệng, bạn không thể nói chuyện rõ ràng được, vì vậy, hãy nuốt xong rồi nói.

Người Đức có thể chờ bạn nhai xong thức ăn, 10 phút sau trả lời câu hỏi của họ cũng được. Nhưng đừng vừa nhai thức ăn vừa nói.

5. Không gây ra tiếng khi nhai

Người châu Á mình khi ăn hay nhai chóp chép, phát ra tiếng hoặc âm thanh phát ra khi nhai xương. Đối với người Đức, âm thanh này lại rất phản cảm.  Một phương pháp để tránh phát ra âm thanh khi ăn là hãy tập ngậm miệng lại khi nhai. Âm thanh khi bạn ngậm miệng và nhai sẽ đỡ ghê hơn là vừa mở miệng vừa nhai chóp chép.

Kết

Trên đây là những điều nên và không nên làm khi bạn giao tiếp và kết bạn với người Đức. Mỗi nền văn hóa có những điều khác biệt. Thông qua việc chia sẻ những hiểu biết cơ bản về văn hóa Đức, mình hy vọng nó sẽ giúp bạn hòa nhập tốt hơn trên chặng đường mới ở Đức.

Leave a Comment