nhung-dieu-rat-chi-la-duc

Những điều rất chi là “Đức”

“Angela Merkel”, “Ô tô”, “Bia”, “Khoai tây” và “Xúc xích” là những thứ mà hồi chưa đặt chân sang Đức, mình đã biết tỏng là những gì mà Đức được biết tới rồi. Ở Việt Nam, chỉ cần xuống mở tủ lạnh là đã thấy gói xúc xích Đức-Việt mẹ mới mua để mai rán ăn sáng, xuống đường phố là thấy các chú các cô lượn lách những quả ô tô hãng Audi, BMW, Mercedes-benz,.., tối về nằm lướt báo mạng cũng dễ dàng tìm thấy tin về thủ tướng “Angela Merkel”.

Thế nhưng, có những điều mà chỉ có sang Đức rồi, bạn mới nhận ra, nước Đức thật sự có những gì? Và nếu những điều này xảy ra trong cuộc sống hàng ngày của bạn, thì

“Chào mừng tới nước Đức”

co duc
Có những điều mà chỉ có sang Đức rồi, bạn mới nhận ra được.
(Photo by AC Almelor on Unsplash)

1. Người soát vé (Fahrkartenkontroller):

Ở Đức, bạn sẽ không gặp người này hàng ngày như bạn bè, hay cô giáo trên lớp. Nhưng họ sẽ bất chợt bước vào đời bạn vào một ngày đẹp trời nào đó, như là đột nhiên cô giáo gọi bạn lên bảng kiểm tra bài cũ vậy. Học bài hay chưa học bài? Có vé hay trốn vé? 

Đây là những cô/chú rất chi là bí ẩn. Tại vì, mỗi khi những người soát vé lên tàu, họ không hề có đồng phục. Họ chỉ có thẻ nhân viên (để chứng minh có quyền soát vé). Tấm thẻ này sẽ được họ khéo léo giấu trong túi áo hoặc ở đâu đó mà không dễ dàng nhìn thấy. Như kiểu điệp viên ngụy trang trong phim ấy.

xe buyt duc
Mỗi khi những người soát vé lên tàu, họ không hề có đồng phục.
(Photo by Luke Michael on Unsplash)

Sau khi họ đã lùa được hết “con tin” ngồi bình yên trên tàu rồi. Họ sẽ đột nhiên đứng bật dậy và giơ tấm thẻ “điệp viên” đã được nguy trang ra, kèm theo câu nói: “Fahrkarte, bitte” ( Mời mọi người giơ vé tàu). Lúc này mọi người sẽ giơ vé tàu ra để các “điệp viên” kiểm tra. Có một cái ảnh mình đã từng đọc ở đâu đó nói là:

Nếu mà bạn đang ở nơi mà có ai bước lên tàu giơ thẻ, rồi tất cả những người khác lục túi lấy vé ra, thì đấy chính là nước Đức.

Cái này mình có thể kiểm chứng là chỉ có Đức mới có thật. Ở Hà Lan, Ý, Pháp, Hungary thì mỗi lần mình đi tàu đều phải đi qua một máy soát vé rồi mới được lên, như vậy sẽ đảm bảo là không có vé thì không được đi tàu. Nhưng ở Đức thì sẽ là mọi người tự ý thức mua vé, còn những ai trốn vé thì sẽ có ngày gặp những người “điệp viên” này rồi bị phạt 60 Euro và vẫn phải mua vé tàu.

Nhưng mà cảm giác có vé rồi giơ cho các chú kiểm tra đúng kiểu thở phào nhẹ nhõm, như là bị gọi lên bảng kiểm tra miệng nhưng đã học bài rồi ấy!

tien euro duc
Mọi người chú ý nhớ mua vé chứ đừng để bị phạt nhé! Để dành 60 Euro để ăn gì cho ngon.
(Photo by Christian Dubovan on Unsplash)

2. Pfand:

Hồi còn ở Việt Nam, nếu muốn uống nước thì mẹ mình vẫn hay phải nhấc máy lên gọi chú Long, để chú mang cho nhà mình 2 bình nước. Sau khi uống hết thì chú Long sẽ đem tới 2 bình nước khác, và lấy 2 bình rỗng kia về. Nhưng giá tiền thì lúc nào cũng như nhau.

Sang đến Đức, mọi người có thể uống nước ở bất cứ vòi nào trong nhà, vòi nhà vệ sinh hay nhà bếp v.v… Nhưng khi bạn mua nước trong siêu thị thì sẽ phải trả thêm một khoản gọi là “Pfandgeld”, nghĩa là phải trả tiền cho cái chai nước rỗng. Khi xong xuôi, thì các bạn sẽ nhận lại được tiền Pfand, khi mang chai rỗng đến trả vào một cái máy trong siêu thị, tên là “Pfandflaschenautomat”.

Những cái chai sau khi được trả lại, sẽ trải qua một cuộc phẫu thuật “đập đi làm lại hết” trước khi có thể tái sử dụng.

sieu thi duc
Được nhận lại tiền khi mang chai rỗng đến trả vào một cái máy trong siêu thị
(Photo by Lukas Schulze / dpa on Bild.de)

Đây là một cách rất hay để có thể tái chế lại những chai nhựa này, vì mọi người phải trả tiền cho nó nên sẽ không nỡ vứt đi! Mình cứ nghĩ nước nào bên Châu Âu cũng làm được như vậy, nhưng hiện tại là mình biết là chỉ có nước Đức làm vậy thôi.


Đăng ký nhận bài viết mới nhất từ DC!

[newsletter_form lists=”undefined” button_color=”undefined”]

3. Đặt lịch hẹn (Termin):

Ở Việt Nam, trừ khi bạn là một ca sĩ nổi tiếng hay một người có sức ảnh hưởng, thì mới có khả năng là có người đặt lịch hẹn với bạn để có một cuộc nói chuyện. Nhưng ở Đức, hầu như mọi thứ đều phải có lịch hẹn.

Từ việc đi đăng ký hộ khẩu thường trú, đến việc đi báo tin là không ở đấy nữa, đi khám bác sĩ, đi xin giấy này giấy nọ, tất cả đều phải có một lịch hẹn trước. Với một số lượng lớn nhu cầu cần phục vụ, tất nhiên sẽ không dễ để bạn có một cái lịch hẹn trong 2 tiếng nữa, hay 2 ngày nữa, mà có khi là 2 tháng sau mới có lịch phù hợp cho bạn. 

Hầu như mọi thứ đều phải có lịch hẹn
(Photo by Josefa nDiaz on Unsplash)

Thậm chí, người Đức hẹn nhau đi uống Cafe, họ cũng sắp xếp ngày giờ cụ thể trong 3 đến 4 tuần sau để gặp lại nhau. Tất cả đều rất quy củ và chi tiết!

Về mặt thời gian thì đây là một điều mình luôn ái ngại, vì đặt rất lâu sau mới có thể giải quyết xong chuyện giấy tờ. Nhưng phải nói thật là, vì đã có lịch hẹn, nên việc đấy chắc chắn sẽ xảy ra, mà không có một lý do ngụy biện nào để trì hoãn nó như mình vẫn làm nữa!

4. Chủ nhật vắng vẻ: 

Với một Hà Nội „không vội được đâu“ thì các quán hàng rong, quán cafe, cửa hàng đều mở cửa xuyên ngày, xuyên tháng. Thậm chí kể cả vào Tết vẫn có những hàng mở cửa.

Nhưng ở nước Đức, việc bạn đến một cửa hàng vào 7 giờ tối và muốn mua gì có lẽ là quá muộn, vì có thể cửa hàng đã đóng cửa rồi. Hơn nữa, chủ nhật là ngày nghỉ thật sự, của tất cả mọi người, bao gồm của những người bán hàng luôn. Vậy nên, nếu bạn đã đi làm cả tuần mệt nhọc và muốn la cà với bạn bè ở những quán cafe thì có lẽ là nên dời sang thứ bảy.

Vì chủ nhật mọi cửa hàng đều sẽ đóng cửa
(Photo by Tim Mossholder on Unsplash)

Mình cũng nghĩ là điều này áp dụng với mọi nước ở Châu Âu. Nhưng không các bạn ạ, chỉ có nước Đức mới muốn nghỉ ngơi, thư giãn vào một ngày trong tuần thôi.

5. Miễn học phí:

Ngoại trừ bang Baden Württenberg ra, ở tất cả các bang khác, học phí đều là 0 Euro.

Để tạo điều kiện cho tất cả con em đi học để xây dựng nước nhà, nhà nước Cộng hoà liên bang Đức đã miễn học phí cho mọi học sinh muốn đi học. Mỗi kỳ học, học sinh chỉ cần đóng một khoản phí từ 200-300 Euro cho các khoản phí như: vé tàu xe, canteen trường, phí dọn dẹp,… Còn tiền học thì không mất phí nào.

Đức là một điểm đến du học thu hút nhiều học sinh
Photo by NeONBRAND on Unsplash

Đây cũng là một lý do mà Đức là một điểm đến du học rất thu hút với học sinh trên toàn thế giới. „Chỉ“ có một trở ngại duy nhất là học tiếng Đức thôi. 

Kết

Thế nhưng, học một ngôn ngữ mới cũng có nghĩa là sống thêm một cuộc đời mới. Được đi du học và trải nghiệm những điều mới lạ còn thích hơn ấy, đúng không? Vừa rồi là những điều mà các bạn sẽ luôn biết đấy là Đức khi bạn gặp phải chúng.

Chúc các bạn du học sinh Đức có những trải nghiệm thật vui và đáng nhớ với đất nước này trước khi hành trình du học kết thúc nha!


Leave a Comment