Những ngày đầu tới nước Đức
Tháng 9 năm 2015, mình đặt chân tới sân bay Berlin Tegel. Đây không phải lần đầu tiên mình tới nước Đức, nhưng là ngày đầu mình đi với tâm thế còn lâu nữa mới trở về nhà.
Tám giờ sáng, bầu không khí se lạnh của mùa thu giúp mình tỉnh táo trở lại sau hành trình bay 18 tiếng. Từ Berlin, mình lên Flixbus về Greifswald, một thành phố nhỏ tí tẹo cách Berlin khoảng 4 tiếng đi xe về phía Đông Bắc nước Đức.
(© Viacheslav Direnko)
Trước khi bay, mình đã chuẩn bị kỹ càng nhất có thể:
- Mình mang 3 chiếc vali, trong đó có 1 kiện lớn và 2 kiện nhỏ. Như vậy, khi không có xe đẩy hành lý, mình vẫn có thể một mình kéo được cả 3 chiếc.
- Mình giữ giấy tờ tuỳ thân cũng như vé máy bay, vé buýt trong một túi đựng tài liệu và để trong balo đeo bên người.
- Trên hành lý, mình dán tên và số điện thoại của người nhà ở Việt Nam, phòng khi hành lý bị thất lạc.
- Đường đi từ sân bay ra bến buýt, hay từ bến buýt tới phòng ký túc xá mình cũng tìm hiểu sẵn và in ra, phòng khi không có wifi.
Tổng quan
Những khó khăn đầu tiên ở nước Đức
Giây phút xe buýt dừng tại Greifswald cũng là cột mốc đánh dấu hành trình 24 tiếng. Vì đi cùng một người bạn nữa, nên chúng mình gọi chung một chiếc taxi để về văn phòng quản lý ký túc xá để nhận phòng. Đó là khi khó khăn đầu tiên xuất hiện.
Bằng thứ tiếng Đức nặng sách vở của mình, mình láng máng hiểu rằng dù đã ký hợp đồng nhưng không phải ngày nào cũng có thể lấy phòng (khi ấy mình chưa biết đến văn hoá lấy lịch hẹn của nước Đức, mình sẽ viết một bài riêng về chủ đề này), nên chúng mình sẽ phải đợi thêm 2 ngày nữa rồi mới được chuyển vào. Trong lúc ấy mình sẽ ở đâu?
May sao, ở Greifswald cũng có mấy anh nghiên cứu sinh người Việt, và nhờ có một chị bạn đã tới trước mấy ngày giới thiệu cho, chúng mình đã có chỗ ngủ nhờ trong hai đêm đó.
Khó khăn tiếp theo làm mình khá ngạc nhiên: Học và thi lấy chứng chỉ tiếng Đức là một chuyện, thực hành là một chuyện hoàn toàn khác. Vốn rất tự tin với khả năng tiếng Đức của mình, mình đã “bàng hoàng” khi thấy bản thân không thể mở miệng ra trả lời khi có người hỏi.
Không phải là mình không hiểu (dù công bằng mà nói thì mình cũng chưa hiểu được 100%), mà mình nhận ra phản xạ giao tiếp của mình thật kém. Mất một lúc lâu sau khi nghe câu hỏi, mình mới chuẩn bị xong một câu trả lời hoàn chỉnh trong đầu, mà đến lúc đó thì người hỏi đã không còn nhớ mình đã hỏi gì nữa rồi.
(Photo by Eliott Reyna on Unsplash)
Nhớ nhà trong ngày đầu tới nước Đức
Đêm đầu tiên nằm trong căn phòng ký túc trống trơn, trước ý nghĩ đây sẽ là nhà trong một năm tới, nước mắt mình cứ thế tuôn ra. Đó là cảm giác háo hức xen lẫn với lo sợ. Vậy là từ đây, mình sẽ tự bước đi trên con đường của mình.
Đêm ấy, mình nhớ nhà vô cùng. Nhớ cảm giác ấm cúng của gia đình. Nhớ căn phòng đầy đủ tiện nghi của mình ở nhà. Nhớ cảm giác sáng ngủ dậy, cả nhà cùng chuẩn bị đi học, đi làm. Thậm chí, mình nhớ cả tiếng quạt rì rì bên tai trong giấc ngủ; ngày mùa thu ở Đức còn khá ấm áp, nhưng khi đêm xuống, trời trở lạnh và nhiều sương.
Những ngày tiếp theo, mình dành nhiều thời gian để đi quanh khu phố mình sống và đi siêu thị sắm đồ. Vẫn với tâm lý của người mới sang, trước khi mua thứ gì mình cũng thử quy đổi sang tiền Việt, và hoảng hốt trước cái giá quá cao ở đây.
Greifswald rất nhỏ, nhưng siêu thị lớn lại cách nhà tới gần 2km. Để tiết kiệm tiền buýt, chúng mình đi bộ tới đó. Mình phải tự đi mua những thứ lặt vặt nhất cho mình, từ đôi dép đi trong nhà, cho tới chăn gối, cái đèn bàn, từng cái bát đĩa, v.v.
Đi du học, mình mới nhận ra có biết bao nhiêu thứ mình luôn cho là hiển nhiên, nhưng thực ra đều là do bố mẹ chăm lo cho mình. Vì thế nên mình lại càng nhớ nhà.
(Photo by deborah cortelazzi on Unsplash)
Mọi thứ rồi cũng đi vào quỹ đạo
Nếu đọc đến đây và cảm thấy thật hoang mang, bạn đừng lo lắng nhiều. “Vạn sự khởi đầu nan”, mọi cố gắng rồi sẽ được đền đáp. Nếu như biết được trước mọi thứ sẽ xảy ra thì đâu còn gì thú vị nữa?
Mất một vài tuần đầu để làm quen với cuộc sống mới, mình bắt đầu thấy tự tin hơn khi giao tiếp với người bản địa và giải quyết chuyện hợp đồng, giấy tờ. Kỳ học ở trường dự bị cũng đã bắt đầu, vì vậy lịch trình mỗi ngày của mình đều xoay quanh thời khoá biểu của trường. Khi bạn bận rộn với cuộc sống mới, nỗi nhớ nhà cũng sẽ giảm dần đi.
Với những chia sẻ này, mình mong rằng bạn sẽ chuẩn bị tâm thế cũng như hành trang thật tốt cho hành trình du học Đức, đặc biệt là ngày đầu tới đây. Sẽ có khó khăn, sẽ có thử thách, nhưng với cái đầu tỉnh táo và một chút may mắn, chúng ta sẽ vượt qua được tất cả.
Xin bạn đừng quên, ở đâu cũng có những người tốt xung quanh ta. Người Đức nổi tiếng lạnh lùng và khách sáo, nhưng họ cũng là những tâm hồn hào phóng nhất mà mình biết khi đã trở nên thân thiết hơn.
Ngoài ra, ở mỗi thành phố tại Đức đều có cộng đồng sinh viên Việt Nam. Đừng ngại kêu gọi sự giúp đỡ, những ai đã từng trải qua ngày đầu bỡ ngỡ đều thấu hiểu và sẵn sàng hỗ trợ bạn.
Một vài việc nên làm trước khi tới Đức
- Chuẩn bị một danh sách những địa chỉ và số điện thoại cần thiết.
- Sắp xếp hành lý gọn nhẹ nhất có thể. Phần lớn mọi thứ đều có thể mua được ở Đức với giá rẻ, nếu bạn tìm đến đúng nơi (đồ gia dụng IKEA, dược mỹ phẩm tại dm/Rossmann, thực phẩm tại Discountermärkte như PENNY, Netto, Lidl, Aldi, v.v.).
- Mua trước vé tàu, bus nếu có thể. Hầu hết các trang đều cho phép thanh toán bằng thẻ tín dụng hoặc Paypal.
- Quan trọng nhất: Dành nhiều thời gian bên gia đình và thư giãn đầu óc. Hãy coi như là bạn sắp đi du lịch dài ngày kết hợp với học hành đi, cuộc sống là để tận hưởng mà. 🙂