nhung-niem-vui-nho-nho-cua-du-hoc-sinh-duc

Những niềm vui nho nhỏ của du học sinh Đức

Tọa lạc ngay trung tâm của Châu Âu, với phần đầu hơi phình ra rồi thu hẹp lại theo phần thân, nước Đức hiện lên trên tấm bản đồ thế giới như một bó hoa nở rộ, hay như một củ súp lơ vừa được trút bỏ lớp lá. Hoặc với những người không tưởng tượng ra được sẽ nhìn nước Đức giống một củ khoai tây. Vùng đất ấy là nơi mà mình đã chọn để dành những năm tháng học tập và phát triển bản thân với tư cách là một du học sinh Đức.

“Du học” bây giờ đã không còn là một khái niệm quá xa lạ với học sinh trên toàn thế giới. “Những chú chim non” đều mong muốn bay khỏi chiếc tổ an toàn đến những vùng đất mới và học thêm những điều thú vị. Mình là một trong những “chú chim non” ấy, và đất nước mà mình lựa chọn chính là Đức.

ban-do-duc
Nước Đức hiện lên trên tấm bản đồ thế giới như một bó hoa nở rộ, hay như một củ súp lơ vừa được trút bỏ lớp lá.

Tâm sự của du học sinh Đức thì kể không bao giờ là hết. Mỗi sáng sớm không còn mẹ gào thét dậy đi học, cũng không còn em gái để hạnh hoẹ mỗi khi ngứa mồm, siêu nhân bố cũng không thể xuất hiện mỗi khi đồ đạc trong nhà hỏng, ngay cả đám bạn thân lúc trước chỉ cần ý ới vài ba câu là có mặt thì giờ cũng phải đợi rep tin nhắn sau 2-3 tiếng.

Thế nhưng, gần 2 năm sống ở Đức và đã sống sót qua những ngày tháng tủi thân như vậy. Mình sẽ chia sẻ cho mọi người về những trải nghiệm cũng như những điều mà chỉ khi đi Đức, mình mới làm được.

1. Du học sinh Đức đi du lịch

Ngay trong lúc tâm trí đang bối rối vì không biết có đủ tiền để mua vé về Việt Nam hay không? Hay nên về lúc nào để các đồng chí bạn thân đều rảnh? Mình đã nín nỗi lòng từng giây từng phút mong về Việt Nam ấy để đi du lịch các nước Châu Âu.

Có thể nhiều bạn đã biết, với visa Đức các bạn có thể dễ dàng đi du lịch các nước trong khối Schengen mà không cần phải xin visa.

Đúng vậy, chúng mình chỉ cần lên kế hoạch khi nào muốn đi rồi lên mạng mua vé, đặt phòng là được đi thôi. Với sinh viên “nghèo” như mình mà vẫn muốn đi chơi thì lời khuyên của mình là nên đặt vé và phòng trước 2 đến 3 tháng để có thể tiết kiệm tiền nhé.

Các bạn có thể lên Skyscanner để biết mua vé máy bay hãng nào là rẻ nhất, thường thì sẽ là Ryan Air. Điểm trừ là các chuyến bay thường rất sớm nên phải dậy từ 2-3h sáng để đến sân bay là chuyện bình thường. Nhưng không sao, tâm hồn ăn chơi sẽ giúp chúng ta vượt qua hết!

2. Du học sinh Đức nấu ăn 

Với những bạn yêu thích nấu ăn thì chắc đây là một điều không hề khó. Một ngày được tự đi siêu thị, tự mua đồ tự chuẩn bị và làm ra món ăn ngon, và phần hay nhất là… ĂN nó, điều này sẽ giúp giảm stress rất nhiều luôn ấy. 

Mình thì thuộc dạng nấu ăn không giỏi cho lắm, nên mỗi lần mà thèm ăn món gì là phải lên mạng search cách làm, xong đi siêu thị, hoặc không biết thì nhắn tin hỏi mẹ. Mỗi lần xem clip nấu ăn hay hướng dẫn nấu ăn là niềm đam mê nội trợ lại trỗi dậy trong trái tim của người mù tịt nấu nướng là mình.

Nhưng mà từ hồi sang Đức du học, mình đã biết làm phở, làm bánh cuốn, nem, bánh tráng trộn, cái cuốn mùa hè,… đặc biệt là món thịt kho tàu đã thành món tủ của mình luôn rồi. Những món ăn mà ở Việt Nam lúc nào cũng do bà, do mẹ nấu, dưới bàn tay của người “đầu bếp” mới vào nghề như mình, thực ra ăn cũng ngon phết đấy, vì dù gì cũng là công mình nấu rồi mà!

Hơn cả, ở Đức có những bãi đất cỏ trống và cây xanh to đùng, sau những giờ học là mình cùng các bạn cũng hay rủ nhau đi nướng thịt để ăn mừng giải toả. Thử tượng tượng mà xem: từng làn gió nhẹ thổi qua, cành lá xôn xao, những khóm hoa rung rinh như đang làm duyên cùng ong bướm, dưới bầu trời Châu Âu xanh ngát ấy, bạn và lũ bạn quây quần nghe nhạc và ăn thịt nướng. Quả đúng là còn gì bằng!

quynh-van-nuong-thit-cung-nhom-ban
Đây chính là khung cảnh trong mơ đấy của mình với lũ bạn mình đây.
Photo by Victor (bạn nam trong ảnh)

3. Du học sinh Đức đi tàu, đi bus

Nếu kể đến những năm tháng đi học ở Việt Nam, thì từ cấp 1 đến cấp 3 mình chưa bao giờ được học ở gần trường cả, gần nhất cũng phải đi đến 4-5 cây số, vượt nắng vượt gió đi học. Hồi đấy mình hay được bố “xe ôm” đèo, rồi về sau cũng tự đạp xe hay lớn hơn thì được đi xe đạp điện, xe máy đi học.

Quãng đường đi học thật sự rất vui, mình được tự lái xe hoặc ngồi sau lưng người khác, nhìn ngắm khung cảnh xung quanh, lắng nghe âm thanh buổi sớm (như tiếng chim hót, tiếng nói chuyện râm ran, tiếng mẹ mắng con,…), hoặc nghe những bản nhạc yêu thích. Chính vì không khí bên ngoài thích là vậy nên mỗi khi bị nhét vào ô tô hoặc phải đi bus, thì mùi trong xe làm mình không được dễ chịu cho lắm.

Thế mà từ khi sang Đức, ngày nào mình cũng đi tàu với bus. Vì nếu không đi tàu thì mình chỉ có thể đi bộ thôi, thế thì đi cả ngày mất. Tàu và bus ở bên này không có mùi như ở Việt Nam, đi lại còn êm ru, thỉnh thoảng có bác lái tàu tay lái hơi lụa phanh gấp tý, nhưng nói chung là vẫn chấp nhận được.

Trên tàu diễn ra vô số các hoạt động: Người thì “buôn dưa lê bán dưa chuột”, người thì cắm cúi vào tờ báo, hay cuốn sách đang đọc dở, vài người cắm tai nghe rồi đung đưa theo bản nhạc đang nghe, một số khác đang bận chơi game trên điện thoại, cũng có vài cô chú bác lặng lẽ ngắm nhìn cảnh vật bên đường hoặc hướng về phía xa xăm..

Tàu và bus ở bên này không có mùi như ở Việt Nam, đi lại còn êm ru.
(Photo by Melina Kiefer on Unsplash)

Đi tàu với bus thì chắc chắn là an toàn hơn với việc là tự đi xe đạp điện đi học như mình hồi trước. Mình có thể tha hồ nghe nhạc trong khi có một bác lái tàu đang điều khiển chuyến đi và chở mình đến nơi mình muốn. Tự dưng viết đến đây lại nhớ đến bài “Chú lái tàu là người đi đầu, còn chúng em nối đuôi nhau, thành hàng dài,…”

4. Du học sinh Đức tự lập 

Những bài ca mùa xuân, mùa thu mùa hạ mùa đông của bố mẹ mỗi khi bị điểm kém đã không còn, mình không còn phải giấu những bài kiểm tra bị điểm kém dưới ngăn bàn như hồi cấp 1 vì sợ mắng nữa.

Không những vậy, mình còn có thể nằm xem phim thâu đêm suốt sáng mà không phải canh tiếng bước chân bố mẹ để tắt tivi đi nữa. Nếu mình có nhỡ đi đâu chơi mà về muộn, cũng có thể dễ dàng ngủ ở nhà bạn mà không phải chần chừ nói câu “Để tao xin mẹ đã” nữa.

Đi du học là sự nâng cấp từ một đứa con nít lên một đẳng cấp lớn hơn – người trưởng thành. Tất nhiên, sự tự do này cũng đồng nghĩa với việc sẽ nhớ những lời mắng mỏ, dạy dỗ, những khi mẹ gọi ra ăn cơm, hay những lúc bố mắng vì cứ lười chẩy thây không dọn nhà.

Du học sinh Đức là quãng thời gian tự lập hơn, không còn là một đứa con nít nữa
(Photo by Samantha Gades on Unsplash)

Mỗi lần mình đứng trong một tình huống sợ hãi không biết phải ứng xử thế nào, lúc nào mình cũng tự nghĩ là: ”Bố mẹ đang nhìn mình đấy, tự tin lên” Cứ nghĩ như vậy là mình lại làm mọi việc tự giác, tự lập hơn rất nhiều.

Sang đây từ tiền nhà, tiền bảo hiểm, tiền Radio, tiền tiền và tiền đều phải do mình tự chi tiêu. Nên mình học được cách chi tiêu đồng tiền thế nào cho hợp lý, cách đấu tranh để tìm được nhà giá rẻ, tự đi tìm kiếm công việc làm thêm phù hợp. Và nhờ vậy mà mình trở nên tự chủ với cuộc sống của mình hơn.

Tất nhiên là mình không quên gọi điện hỏi ý kiến phụ huynh và tâm sự những câu chuyện bên này của mình. Những công việc tính toán này khiến mình quên đi sự buồn bã, chán nản và trở nên bận rộn, năng suất hơn. 

Kết

Mình, là một du học sinh Đức, và mình hiểu cảm giác lạc lõng và nhỏ bé khi đi xa nhà và đến học ở một đất nước cách Việt Nam đến hàng nghìn km. Nhưng càng đi càng biết nhiều, tầm mắt càng được mở rộng thêm. Mỗi ngày trôi qua chúng ta lại biết thêm nhiều khả năng tiềm tàng trong chúng ta mà chỉ có bị đẩy đến bước đường cùng mới bộc lộ ra. Chúng ta có thể làm được nhiều hơn chúng ta nghĩ. Hãy cố lên và tận hưởng hành trình du học này trước khi nó kết thúc nhé!


Leave a Comment