Nước Đức và những chuyện trời ơi đất hỡi: Deutsche Bahn, Funkloch, BER
Cái hồi còn ngây thơ và trẻ trâu ở Việt Nam, tôi thường tưởng tượng nước Đức là một nơi rất hoàn hảo: nào là xe hơi xịn, bia ngon, xúc xích nổi tiếng thế giới. Trong trí tưởng tượng của một đứa tuổi teen hồi đó, mọi thứ “ở bển” đều tốt hơn ở nhà. Với tâm thế đó, tôi xách vali lên và đi năm mười chín tuổi. Sau khi sự háo hức lúc ban đầu phai đi, tôi mới bỡ ngỡ nhận ra rằng mọi thứ chẳng như là mơ.
Deutsche Bahn
(Photo by Daniel Abadia on Unsplash)
Nhắc đến những chuyện bê bối của nước Đức thì không thể không nhắc tới Deutsche Bahn (DB). Đây quả là nỗi đau của người Đức – một dân tộc luôn được mặc định là đúng giờ. Người ta hay nói DB có bốn kẻ thù: xuân, hạ, thu, đông. Dù là thời điểm nào trong năm thì đối với DB, điều kiện thời tiết lúc nào cũng cực đoạn, nên tàu cứ bị trễ và hủy liên tục. Sự trễ nải này đặc biệt trầm trọng đối với tàu xa (Fernzüge), tỷ lệ trễ chuyến nằm ở khoảng 25%.[1]
Còn nhớ đầu năm nay báo chí đăng tin có bác gái ở Bayern đan chiếc khăn đo độ trễ giờ của DB. Cứ mỗi ngày bác lại thêm hai đường cho chiều đi và chiều về. Màu xám là trễ dưới 5 phút (đúng giờ theo định nghĩa của DB), màu hồng là trễ 5-30 phút và màu đỏ là trên 30′. Dưới đây là kết quả:

Ngoài việc hiếm khi tới đúng giờ thì DB còn nổi tiếng với chất lượng dịch vụ tệ hại và giá vé cắt cổ. Về khoản dịch vụ thì tôi không có ý kiến vì cái này vốn không phải thế mạnh của dân Đức. Còn giá cả thì đúng là khó chấp nhận: Từ chỗ tôi đến Zürich, mua vé sớm của SBB (hỏa xa Thụy Sỹ) thì chỉ có 8,40 CHF (7,6€), trong khi dùng dịch vụ của DB đi Friedrichshafen, thời gian di chuyển cũng tương tự 1h40’, thì giá vé lúc nào cũng là 19,30€.
Không chỉ giá vé dở hơi, mạng lưới đường tàu của DB cũng tệ hại không kém. Ngoại trừ giữa các thành phố lớn với nhau thường có tàu ICE hoặc IC chạy nhanh, còn thì phần nhiều vẫn là tàu RE (tàu rề) vô cùng chậm chạp. Từ chỗ tôi đến Stuttgart chẳng hạn, nếu đi Mitfahrgelegenheit hay Flixbus thì chỉ hết 2 tiếng đến 2 tiếng rưỡi, trong khi đi tàu thì thường mất tận 3 tiếng.
Hậu quả của dịch vụ yếu kém của DB thì không cần phải bàn. Trong thời buổi người người nhà nhà kêu gọi bảo vệ môi trường thế này thì vai trò của phương tiện công cộng ngày càng trở nên quan trọng. Thế nhưng DB, một trong những dịch vụ trung chuyển đường dài quan trọng nhất toàn quốc lại không thể đáp ứng nổi một nhu cầu vô cùng cơ bản là đúng giờ. Dịch vụ yếu kém, giá vé cắt cổ thì cho dù yêu môi trường đến đâu cũng phải suy nghĩ lại trước khi quyết định mua vé DB.
Nhưng nhìn một cách tích cực, sự tồi tệ của DB đã khêu gợi được khiếu hài hước vốn tiềm ẩn (rất) sâu trong mỗi tâm hồn Đức, chẳng hạn như trong ca khúc kinh điển dưới đây:
Video này được post lên Youtube vào năm 2012 và nhanh chóng trở nên phổ biến trên toàn quốc nhờ tính thời sự của nó. Đến tận bây giờ, tuy 7 năm đã trôi qua nhưng nhưng độ chính xác của ca khúc vẫn y nguyên như ngày đầu. Các bạn hãy bật cả lời lên mà nghe, đanh đá vô cùng.
Funkloch và internet kém
Funkloch dịch nôm na là những „lỗ hổng“ không bắt được sóng điện thoại hay internet. Ở Việt Nam, điều này thường chỉ xảy ra ở những khu vực xa xôi hẻo lánh như là đảo nhỏ hay sâu trong rừng. Tuy nhiên, ở Đức thì Funkloch có thể xuất hiện ở bất cứ nơi nào, thậm chí là ngay giữa thành phố!
Ở chỗ mình sống, chỉ cần ra khỏi trung tâm tầm 10 phút đi xe thôi là tín hiệu đã hạ xuống mức E rồi. Khủng khiếp nhất là tuyến bus Konstanz – München, mỗi lần đi qua đoạn Allgäu là mất sóng hoàn toàn. Mà đoạn ấy thì lại chúa kẹt xe, vừa bị trễ giờ vừa không có facebook để xem cho đỡ chán, rất khổ.
(Photo by Markus Spiske on Unsplash)
Internet kém là câu chuyện muôn thuở của xứ này. Kể cũng lạ khi mà một nước giàu có, nơi khởi xướng của Digitalisierung 4.0 như nước Đức mà mạng lại vừa chậm, vừa đắt, vừa có tầm phủ sóng kém đến thế. Hai năm trước tôi đi thực tập ở Saarbrücken, đường đường là thủ phủ bang mà mỗi lần muốn tải một dữ liệu chứ tới 1 GB thì phải đợi đến cả tiếng. Mỗi lần đi du lịch, vừa qua biên giới Đức là internet sẽ vụt lên 4G, H+ ngay lập tức.
Cơ sở hạ tầng internet kém khiến cả hệ thống phụ thuộc trở nên lạc hậu: trong kỷ nguyên Digitalisierung 4.0, người ta nói đến xe tự lái, nhà máy thông minh vân vân. Nhưng những kế hoạch đó sẽ mãi chỉ nằm trên giấy nếu như không có nền tảng hỗ trợ thích hợp.
Đầu năm nay, quốc hội tranh cãi sứt đầu mẻ trán về việc cho phép Huawei đấu thầu khai thác mạng 5G. Không biết chuyện này cuối cùng ngã ngũ như thế nào, nhưng với tình trạng 4G chỉ tồn tại ở thành phố lớn như hiện tại thì xây dựng mạng lưới 5G trên toàn quốc nghe thật viển vông.
Sân bay Berlin Brandenburg (BER)
Sau sự kiện bức tường sụp đổ, chính quyền Berlin nhanh chóng bắt tay vào quy hoạch một dự án sân bay lớn để thay thế cho ba sân bay đang dần trở nên quá tải là Tegel, Schönefeld và Tempelhof. Berlin Brandenburg Airport (BER) được khởi công xây dựng vào năm 2006, sau một chuỗi những vấn đề về nhà đầu tư.
Theo như kế hoạch ban đầu, sân bay sẽ sẵn sàng mở cửa đón khách vào năm 2011. Kế hoạch này đương nhiên là thất bại thảm hại. Tính đến thời điểm hiện tại, ngày kết thúc công trình đã bị dời lại 10 lần,[2] và thông tin gần đây nhất là mọi thứ sẽ sẵn sàng vào tháng 10 năm 2020.
Trong giai đoạn đầu thi công, BER có một người bạn cùng trễ đó là Elbphilharmonie ở Hamburg, tuy nhiên đồng chí này đã mở cửa thành công sau 7 năm trễ nải vào tháng 1 năm 2017. Vì cuối cùng thành quả không có gì để chê nên Elbphilharmonie sau khi xây xong cũng không còn bị báo chí nhắc tới, có lẽ BER cũng nên học theo tấm gương này chăng?
(Photo by Moritz Kindler on Unsplash)
Ngoài việc xây dựng chậm trễ làm xấu mặt nước Đức thì BER còn là một cỗ máy ngốn tiền khổng lồ. Năm 2018, giám đốc dự án đề nghị cấp thêm €2,8 tỷ cho đến năm 2030, nâng tổng chi phí lên đến hơn €10 tỷ, gấp hơn 3 lần kế hoạch ban đầu.[3]
Nguyên nhân chậm trễ bao gồm các hạng mục chống cháy, màn hình không đạt tiêu chuẩn, vân vân. Đến nay thì vẫn chưa nghe nói có ai bị truy tố hình sự về vụ việc bê bối cỡ bự này, cũng như chưa biết mấy tỉ euro tiền thuế bị lãng phí thì nên nắm đầu đồng chí nào đòi lại.
Có điều cánh truyền thông thì chắc chắn là kiếm khẳm với tỉ lệ tương tác đặc biệt cao mỗi lần post bất cứ cái gì liên quan đến từ khóa sân bay. Tờ Berliner Post còn làm hẳn một trang chuyên đề về BER, các bạn có thể vào đây cá cược ngày mở cửa: http://www.istderberschonfertig.de/
Tóm lại là…
Sau khi biết được Đức cũng có dự án treo, bê bối trễ nải như Việt Nam, mình lại cảm thấy thân thuộc vô cùng. Việc viết ra những vấn đề này không phải là để bêu xấu nước Đức. Theo mình, đây là những vấn đề xã hội nóng hổi ở thời điểm hiện đại. Hiểu biết về những đề tài này sẽ giúp bạn có đề tài để gợi chuyện tán nhảm với bạn bè, đồng nghiệp. Ngoài ra, biết về những mặt kém của Đức cũng sẽ giúp bạn có cái nhìn đa chiều hơn về nơi mình sắp đến sống.
Riêng mình thì mình vẫn ghi nhận những nỗ lực giải quyết vấn đề của người Đức. Ít ra thì bên cạnh ba vụ bê bối cỡ bự kể trên, chúng ta vẫn có một Elbphilharmonie hoành tráng, một nền kinh tế vững mạnh và… Jan Böhmermann.
[1] https://www.spiegel.de/reise/aktuell/unpuenktliche-deutsche-bahn-2018-war-jeder-vierte-fernzug-zu-spaet-a-1247350.html
[2] https://www.faz.net/aktuell/wirtschaft/flughafen-ber-eine-chronik-des-scheiterns-13895339.html
[3] https://www.tagesspiegel.de/berlin/hauptstadtflughafen-das-zehn-milliarden-euro-projekt/20843412.html