phan-biet-chung-toc-rassismus-o-duc

Xoay quanh chuyện phân biệt chủng tộc (Rassismus) ở Đức

Phân biệt chủng tộc (Rassismus) là câu chuyện đa chiều và đầy tương phản ở Đức, và tất nhiên đó là một chủ đề lâu đời chứ không phải chỉ mới xuất hiện gần đây. Việc nhìn nhận vấn đề này như thế nào, lựa chọn đối mặt ra sao và quyết định sẽ làm gì phụ thuộc vào quyết định cá nhân của mỗi người.

Thảm sát ở Hanau

Ngày 20/02/2020, một nhân tố cánh hữu cực đoan (Rechtsextremismus) đã ra tay giết hại 9 nạn nhân ở Hanau (một thị trấn nhỏ phía đông Frankfurt am Main): Gökhan Gültekin, Ferhat Unvar, Hamza Kurtović, Mercedes Kierpacz, Sedat Gürbüz, Kaloyan Velkov, Vili-Viorel Păun, Fatih Saraçoğlu, Said Nesar El Hashemi và cuối cùng chính cả mẹ của hắn ta.

Điểm chung của những nạn nhân là đều có Migrationshintergründe, tức chính họ hoặc thế hệ trước trong gia đình nhập cư đến Đức từ quốc gia khác, sau đó sinh sống và làm việc tại đây. (Nguồn: Die Zeit)

Thảm kịch này đã dấy lên một làn sóng dư luận cực lớn cuối tháng 2 ở Đức, khắp mọi mặt báo đều xuất hiện vô số những phân tích, giả thuyết, thảo luận và giải pháp cho vấn đề Rechtsextremismus cũng như Rassismus.

Hàng ngàn người ở mọi thành phố xuống đường biểu tình phản đối chủ nghĩa cánh hữu cực đoan, phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa phát xít; đồng thời kêu gọi mọi người cởi mở, dành thời gian để giao tiếp và hiểu rõ nhau hơn.

https://www.instagram.com/p/B81WP0ooGuR/

Tuy nhiên, không phải cuộc biểu tình nào cũng mang cùng tư tưởng ấy.

Chuyện biểu tình ở Dresden

Mỗi thứ hai hàng tuần, Pegida lại đều đặn tổ chức biểu tình ở Dresden chống lại chính sách nhập cư, Hồi giáo cũng như những người theo đạo Hồi. Hoạt động của hội này thể hiện rõ tư tưởng cánh hữu cực đoan của mình, chẳng hạn như:

  • Nationalismus (chủ nghĩa dân tộc)
  • Islamfeindlichkeit (chủ nghĩa bài trừ Hồi giáo)
  • Fremdenfeindlichkeit (chủ nghĩa bài trừ người lạ, tức người đến từ những vùng đất, văn hóa, dân tộc khác)
  • Rassismus (phân biệt chủng tộc)

Chuyến thăm Dresden đầu tháng ba của tôi được lên kế hoạch từ khá sớm, một phần cũng là để hiểu rõ hơn tại sao thành phố nhỏ xinh đẹp này lại liên tục gắn liền với những vấn đề tiêu cực như Rechtsextremismus hay Neonazi (tạm hiểu là phát xít mới).

Đặt chân đến đây vào ngay thứ hai giữa bầu không khí biểu tình dâng cao, tôi mới phần nào nhận ra rằng báo chí bên ngoài đôi khi vẫn không phát họa được bức tranh tổng thể của Dresden.

dresden
Một thành phố nhỏ xinh đẹp như Dresden lại là nơi thường xuyên diễn ra biểu tình
(Photo by Radek on Unsplash)

Tại khu trung tâm, vô số ngọn cờ, tiếng hô, khẩu hiệu từ mọi phía không ngừng phát ra. Không ngoài dự liệu, nhóm biểu tình chống người nước ngoài nhập cư vẫn tiếp tục hoạt động hàng tuần của họ.

Thế nhưng, đối diện với họ là nhóm biểu tình ngược (Gegenprotest) không chút nào chịu thua kém. Họ biểu tình chống nhóm còn lại và nêu cao những thông điệp về sự bình đẳng của con người, bài trừ phân biệt chủng tộc, ngăn chặn sự thù ghét người nhập cư và người theo đạo Hồi. (Đọc thêm: MDR)

Và rồi như một cuộc thi, hai bên liên tục hô hào qua lại, làm sao để hô to hơn bên còn lại thì thôi. Quanh đó là lực lượng cảnh sát luôn theo dõi sát sao để kiểm soát tình hình, giữ khoảng cánh giữa những nhóm biểu tình để tránh diễn ra xô xát.

Không dừng lại ở đó, hai ngày sau nhóm này tiếp tục biểu tình riêng cùng những khẩu hiệu thể hiện rõ quan điểm của mình như “Kein Mensch ist illegal” (tạm dịch “Không ai là bất hợp pháp cả”), “Hass macht hässlich” (tạm dịch “Sự thù ghét thật xấu xí”) hay “Gemeinsam gegen den Rechtsruck in Europa” (tạm dịch “Cùng nhau chống lại bọn cánh hữu ở châu Âu”)

Như vậy, có thể thấy rằng ở Dresden hay rộng hơn là ở Đức tồn tại nhiều quan điểm trái chiều về vấn đề Rassismus, mỗi người lại có một cách nhìn và cách ứng xử khác nhau.

kein-mensch-ist-illegal-rassismus
“Kein Mensch ist illegal”
(Photo by Markus Spiske on Unsplash)

Quảng trường Jorge Gomondai

Đây là một địa điểm thể hiện rất rõ sự tương phản trong góc nhìn của mỗi người dân Đức. Quảng trường chính của khu Neustadt ở Dresden – nơi thường xuyên bị xem là thiếu cảm thông với người nước ngoài – lại là quảng trường đầu tiên ở Đức được đặt lại theo tên của một nạn nhân phân biệt chủng tộc.

dresden-elbe
Bên kia sông chính là khu Neustadt của Dresden
(Photo by Denis Jung on Unsplash)

Jorge Gomondai là người Mozambique, đặt chân đến CHDC Đức năm 1981 theo dạng Vertragsarbeiter (công nhân hợp đồng giữa những nước Xã hội chủ nghĩa, trong giai đoạn 1987-1989 nhiều người Việt cũng đến CHDC Đức theo dạng này).

Khuya ngày Chúa nhật Phục sinh năm 1991, Jorge Gomondai lên khoang tàu cuối ở khu Neustadt để về nhà, lúc ấy là khoảng 4 giờ sáng. Khi tàu đi qua trạm Albertplatz, một nhóm 14 thanh niên cánh hữu cũng lên cùng khoang. Ngay lập tức Gomondai bị phân biệt chủng tộc, sỉ nhục và tấn công bởi nhóm người này.

Sau khi đi được khoảng 150m, cô lái tàu bắt đầu nhận ra sự bất thường: ở khoang cuối có một cửa bị mở. Thế là cô đạp phanh, xuống tàu và thấy Jorge Gomondai bê bết máu đang nằm cạnh đường ray. Một chiếc taxi tình cờ đậu gần đó đã chở nạn nhân đến cơ sở y tế.

Tuy được phẫu thuật nhiều lần nhưng người đàn ông 28 tuổi vẫn không qua khỏi và qua đời vào ngày 06/04/1991, 6 ngày sau vụ án. Ban đầu, nhiều người vẫn nghĩ đây chỉ là một tai nạn thông thường mà thôi. Qua những cuộc điều tra sau đó, cuối cùng họ mới có thể khẳng định được rằng đây là một cuộc tấn công phân biệt chủng tộc. (Đọc thêm: Wikipedia)

15 năm sau, thành phố Dresden quyết định đổi tên quảng trường gần nơi diễn ra vụ án thành Jorge-Gomondai-Platz (quảng trường Jorge Gomondai) để tưởng nhớ người đàn ông xấu số. Nhiều hoạt động kỷ niệm khác nhau cũng được tổ chức hàng năm để người dân không quên hậu quả của vấn nạn phân biệt chủng tộc.

Quảng trường Jorge Gomondai là câu chuyện cá nhân tôi rất ấn tượng sau khi được nghe người hướng dẫn viên địa phương kể lại khi đi ngang qua quảng trường này. Dù không nằm trong chương trình tour nhưng cô ấy vẫn cảm thấy cần phải đề cập tới, để mọi người cùng ý thức được rằng những chuyện thương tâm như vậy đã và vẫn đang xảy ra.

Những chuyện thương tâm vẫn diễn ra đâu đó mỗi ngày
(Photo by Kristina Tripkovic on Unsplash)

Cởi mở, sẵn sàng giao tiếp và lắng nghe những người khác mình là một giải pháp hay mà tôi được một ông lão Dresdner (người Dresden) chia sẻ. Ông sinh ra và lớn lên khi Dresden vẫn thuộc CHDC Đức, đi qua quá trình hai miền nước Đức sáp nhập với nhau và quan sát mọi diễn biến, tiếp xúc với không ít người ở Dresden trong suốt 60 năm nay.

Ông cũng công nhận rằng dù nhiều công sức chống phân biệt chủng tộc đã được thực hiện, tuy nhiên vẫn có những người không thích người nước ngoài (bên cạnh những người sẵn sàng mở lòng chào đón).

Dresden, nước Đức có những người như ông hay cô hướng dẫn viên, mà cũng có những người xuống đường phản đối người nhập cư. Dường như không ai có thể đại diện cho quan điểm của toàn nước Đức cả, chỉ có thể đại diện cho quan điểm cá nhân của mình mà thôi.

Và tất nhiên là, không phải ai cũng được nhớ về như Jorge Gomondai.

Cháy nhà tị nạn

Không ai khác, mà chính người Việt là nạn nhân đầu tiên của những vụ giết người do phân biệt chủng tộc ở CHLB Đức từ sau năm 1945 được ghi chép lại (tức là vẫn có những vụ án trước đó không hề được lịch sử nhớ đến!).

Ngày 21/08/1980, Heinz Colditz, Sibylle Vorderbrügge và Raymund Hörnle, vốn đã có kết nối với nhau từ trước do cùng quan điểm cánh hữu cực đoan, lái xe đến Hamburg trong một chuyến du lịch vòng quanh Đức.

Tại một trạm xăng, họ đọc được một bài báo trên tờ Hamburger Abendblatt rằng hiện có một số người Hamburg không hài lòng với việc chuyển 29 người tị nạn từ Fulda đến Hamburg và cuối bài báo xuất hiện địa chỉ tạm thời của họ: Halskestraße. Đêm tiếp đó, cả ba đến địa chỉ trên với một lít xăng và vải bông.

Khi lửa cháy tràn đến phòng thì Do Anh Lan và Nguyen Ngoc Chau (nguồn thông tin viết bằng tiếng Đức, tên không có dấu nên xin phép không viết dấu để tránh sai sót) vẫn đang ngủ say. Nguyen Ngoc Chau mất ngay sáng hôm sau, còn Do Anh Lan thì 9 ngày sau đó do bỏng nặng.

Trước tòa nhà sau vụ cháy xuất hiện dòng chữ đỏ: “Ausländer raus!” (tạm dịch “Mấy thằng ngoại quốc cút đi!”).

chay nha rassismus
Ngọn lửa hung tàn đã cướp đi sinh mạng hai người Việt trẻ xấu số
(Photo by Dawn Armfield on Unsplash)

Rất nhiều nhà hoạt động và cả mẹ ruột Do Mui của nạn nhân đã cố gắng gần 40 năm nay chỉ để đặt được một tấm bia, đổi được một tên đường tưởng nhớ họ, để người sau không quên một sự kiện đau thương như thế. Thế nhưng mọi cố gắng vẫn thành công cốc với nhiều lý do khác nhau. (Có thể đọc kỹ hơn trong bài viết gốc: Die Zeit)

Mà thậm chí nếu may mắn được tưởng nhớ về, chuyện vẫn chẳng yên. Chẳng hạn như Nguyen Van Tu, nạn nhân bị Neonazi giết hại vào năm 1992. Chỉ vài ngày sau khi được những nhà hoạt động Berlin đặt bia tưởng niệm ở khu Marzahn-Hellersdorf vào giữa tháng 4, tấm bia đã bị ai đó đổ Schnellbeton (bê tông đông nhanh) và đến giữa tháng 5 thì biến mất hoàn toàn.

Đến giờ, vẫn không rõ ai đã làm thế.

Chỉ để tưởng nhớ nạn nhân phân biệt chủng tộc thôi, mà người này được, người kia không, người khác thì bị phá hoại. Có nhất thiết phải thế không?

Những nạn nhân trong thảm sát ở Hanau kia, hiện vẫn đang trong tâm điểm dư luận, nhưng liệu 40 năm nữa, mấy ai còn nhớ đến họ?

Erinnerungskultur (Văn hóa tưởng nhớ)

Đi dạo trên những đường phố châu Âu, nếu để ý dưới chân kỹ một xíu đôi khi bạn sẽ thấy những khối bê tông nhỏ mạ đồng thau có khắc tên cùng một số thông tin cơ bản của ai đó. Chúng được gọi là Stolpersteine, một dự án do nghệ sĩ Gunter Demnig khởi xướng năm 1992, để tưởng nhớ những nạn nhân bị giết, trục xuất, chuyển đến trại tập trung hay tự tử trong giai đoạn Đức Quốc xã, trong đó chủ yếu là người Do thái.

Stolpersteine-thap-nen-tuong-nho
Những khối Stolpersteine trên đường được thắp nến tưởng nhớ
(Photo by Kadir Celep on Unsplash)

Đến ngày 29/12/2019, Demnig đã đặt khối Stolperstein thứ 75.000 tại Memmingen, Bayern. Ngoài Đức thì 25 nước châu Âu khác cũng cùng tham gia dự án này, khiến Stolpersteine trở thành công trình tưởng nhớ phi tập trung lớn nhất thế giới.

Stolpersteine là một trong những ví dụ thể hiện rất rõ Erinnerungskultur của Đức, đất nước chịu trách nhiệm chính cho hậu quả khủng khiếp do Thế chiến thứ hai gây nên. Ngày nay, trẻ con Đức vẫn thường xuyên được trường tổ chức thăm các trại tập trung, bảo tàng hay nghĩa trang chiến tranh để liên tục nhắc nhớ về những điều tồi tệ từng diễn ra và từ đó tìm cách ngăn chặn nó lặp lại trong tương lai.

Trong một video phỏng vấn rằng liệu họ có tự hào khi là người Đức không thì quan điểm của mỗi người cũng rất khác nhau: một số nói có, số khác lại không. Hoặc bạn sẽ rất ít khi thấy người ta treo cờ Đức, trừ những sự kiện thể thao lớn hoặc ngày tưởng nhớ, còn không thì họ hay treo cờ bang của mình. Với lịch sử và cách giáo dục đặc biệt như thế thì đây cũng là một điều dễ hiểu.

Video phỏng vấn của Easy German với câu hỏi: “Bạn có tự hào khi là người Đức không?”

Quan điểm cá nhân

Thật ra những câu chuyện phía trên chỉ khắc họa được bề nổi của vấn đề mà thôi, mặt chìm của phân biệt chủng tộc là điều diễn ra hàng ngày, và có thể ngay cả trong chính chúng ta. Chứ không phải lúc nào có giết người, biểu tình, tưởng nhớ mới là phân biệt chủng tộc.

Trước đây khi có thời gian sống ở Sài Gòn, thật ra tôi cũng không hề cởi mở để trò chuyện với những người theo đạo Hồi, đi nhà thờ Hồi giáo – một cộng đồng rất nhỏ nhưng vẫn là một phần của thành phố 16 triệu dân này.

Hoặc tôi vẫn thường nghĩ một chị da trắng tóc vàng, một anh da ngăm tóc xoăn, một anh Ấn Độ, một chị Hàn Quốc nào đó là “người ngoài” vì họ trông không giống người Việt, tức là dù vẫn tôn trọng cởi mở nhưng không xem họ là một phần của cộng đồng mình.

Họ không thuộc cộng đồng mình
(Photo by Markus Spiske on Unsplash)

Thế nên, tôi nghĩ rằng trước hết ta có thể đặt ra câu hỏi cho chính mình:

  • Thế nào là “chúng ta”, thế nào là “người khác”?
  • Liệu da trắng mới thật sự là đẹp?
  • Liệu người Tây nào cũng lãng mạn, lịch sự?
  • Liệu cứ theo đạo Hồi là khủng bố?
  • Liệu cứ da đen là phạm pháp?
  • Liệu người châu Á nào cũng học giỏi, chăm chỉ?
  • Liệu ta có thể đánh giá được cụ thể một quốc gia/một văn hóa nào đó ra sao chỉ qua việc làm của một vài người đơn lẻ?
  • Liệu …

Rồi như ông lão Dresdner từng chia sẻ, ta có thể cởi mở hơn để trò chuyện với những người khác mình, qua đó hình thành góc nhìn riêng cho mình chứ không vội đánh giá bất kỳ ai. Bởi vốn mỗi người mỗi khác mà?

Việt Nam có người này người nọ, thì Đức cũng có người nọ người kia. Từ đó, khi đã hiểu nhau hơn qua việc giao tiếp, ta đã phần nào có cơ sở để tự quyết định rằng mình nên đối diện với vấn đề phân biệt chủng tộc này như thế nào.