Văn hóa Đức: Mời khách, tiệc tùng và khen chê
Khi đi trưng cầu ý kiến về cuộc sống kiểu Đức, một bà chị tôi đã nói như thế này:
Chị hay chia nó ra làm ba giai đoạn, giai đoạn đầu là kiểu còn nguyên châu Á. Giai đoạn hai là kiểu bắt đầu hòa nhập, nghĩ là mình vô cùng đặc sản, đi đường cũng thấy tự hào. Giai đoạn ba là bất cần, giờ ta đi đường cái gì ta cũng chụp ảnh, chẳng ngại vì chẳng quan tâm đến cha con thằng nào.
Tôi thấy khá hợp lý nên quyết định chôm lấy đem vào bài.
Văn hóa Đức: Mời khách
Thường thì việc mời khách sẽ diễn ra ở giai đoạn đặc sản, khi mà bạn vừa bắt đầu hơi tự tin với trình độ tiếng Đức của mình để tách ra khỏi cộng đồng người Việt, hăng hái quyết tâm xâm nhập vào cộng đồng Đức. Đối với tôi, chuyện này xảy ra cùng lúc với việc vào Studium. Nhân dịp sinh nhật 20 tuổi, tôi quyết định mời mọc đám bạn cùng lớp mới toanh vừa tậu được sau vài ba cuộc chè chén, cảm thấy oai như cóc vì mình có hẳn một nhóm bạn Đức xịn.
(Photo by Jaime Lopes on Unsplash)
Văn hóa Đức: Tiệc tùng
Để thể hiện sự đặc sản của mình, tôi quyết định chuẩn bị một món cũng là đặc sản Việt Nam – bún thịt xào. Để tiết kiệm chi phí thì tôi mua thịt lợn thay cho thịt bò, tôi còn nhớ rõ đó là miếng thịt vai có những đường mỡ chạy trong bắp thịt, xào lên sẽ giòn và mọng nước vô cùng!
Ai ngờ được đâu là trong nhóm Đức xịn ấy, có một bạn dù không theo Thánh Allah nhưng cũng không ăn thịt lợn, và các bạn còn lại thì hoàn toàn không hứng thú với những đường mỡ ngon lành của miếng thịt vai.
Đương nhiên, các bạn vẫn rất lịch sự ăn vài đũa (hay chính xác hơn là vài nĩa), miệng không quên khen “không tệ” (nicht schlecht) và “ăn cũng được” (kann man essen). Buổi tối hôm ấy rồi cũng kết thúc có thể coi là thành công, với rượu bia đủ loại chảy như suối. Tuy nhiên, ngày hôm sau, trong lúc ngồi đóng hộp đống đồ ăn còn thừa, tôi rút ra được vài bài học tâm đắc:
Thứ nhất là khi các bạn Đức bảo là thích đồ ăn châu Á, ĐỪNG TIN! Đối với nhiều người Đức, nhất là ở thành phố nhỏ, khái niệm của họ về đồ châu Á hoàn toàn không vượt qua được “mì xào vịt sốt chua ngọt số 3” hay “cơm chiên đậu hũ sốt nước tương”. Một cách tốt để tránh hiểu lầm là hỏi thẳng các bạn ấy xem muốn ăn món gì, rồi cứ chiếu theo đấy mà làm. Chiêu “menu tùy hứng” chỉ có thể chơi với bạn bè thân thiết nhiều năm thôi.
Mà thực ra nếu mời các bạn sinh viên làm party thì cứ mua một đống khoai tây chiên, snack hoặc cùng lắm là pizza về rồi tống vào lò, vừa nhanh vừa thực tế, chay mặn đều dùng được. Các bạn chỉ quan tâm là có đủ cồn hay không thôi ấy mà.
(Photo by Evelyn on Unsplash)
Thứ hai là người Đức, nhất là dân Schwaben, có tính cần kiệm, mà thứ họ tiết kiệm nhất hẳn là lời khen. Cho dù bạn nấu ăn ngon tuyệt vời cỡ đầu bếp Michelin ba sao, thì cùng lắm cũng chỉ gặt hái được một câu “ngon lắm” (sehr lecker) thôi. Còn lại thì không chê cũng coi là khen rồi, nên là cứ chuẩn bị tinh thần “không tệ” với lại “ăn cũng được” đi thôi.
Văn hóa Đức: Khen chê
Chuyện tiết kiệm lời khen này của các bạn Đức ở lâu thì dần dà thì cũng quen, nên là mỗi lần được người khác (thường không phải Đức) ca tụng là trái tim tôi trở nên lâng lâng cả ngày. Chuyện là gần đây đi làm, tôi bắt đầu có tiền mua quần áo đẹp để chưng diện hơn một tí. Đương nhiên là chẳng ai để ý đến điều này cho đến một buổi sáng nọ, tôi tình cờ gặp thằng bạn người Syria trong bếp. Nhìn thấy tôi xúng xính trong chiếc váy voan mùa hè, nó thốt lên:
“Inshallah (ôi Thượng Đế ơi) ai mà xinh thế kia”
Nói rồi nó nắm lấy tay tôi xoay một vòng, miệng không ngừng khen ngợi.
(Photo by Scott Broome on Unsplash)
Được nghe những lời lẽ có cánh này trên lãnh thổ Đức quả là một cảm giác vi diệu khó tả. Sau buổi hôm ấy, tôi bụng bảo dạ là phải sang Ý chơi thường xuyên một chút (vì dân Ý trái ngược với dân Đức, gặp ai cũng khen), thì mới có sức đề kháng với những từ ngữ hoa mỹ. Chứ mới hơi một chút thế mà đã tim đập thình thịch thì thật là mất giá!
Đọc bài của c ms bt giai đoạn hoà nhập của e hơi lâu :v