viec-lam-tai-duc-boi-ban

Việc làm tại Đức: Nghề bồi bàn

Trong số những việc làm tại Đức phù hợp với sinh viên, bồi bàn là lựa chọn không ít người nghĩ đến với những lý do như: nhiều lựa chọn đa dạng, không đòi hỏi giàu kinh nghiệm, giờ làm tương đối linh hoạt hay lương ổn (nếu kèm cả Trinkgeld – tiền tip). Vậy liệu thực sự công việc này diễn ra như thế nào và tiếng Đức phải tốt đến đâu mới làm được? Những khía cạnh ấy sẽ được chia sẻ trong bài viết dưới đây:

Trước hết thì câu chuyện của mỗi người sẽ mỗi khác, cùng là làm bồi nhưng môi trường, đồng nghiệp, hệ thống làm việc và phong cách phục vụ đều khác nhau. Thế nên mọi thứ đều được kể dưới lăng kính cá nhân của mình khi làm tại ĐI ĂN ĐI – một quán chuyên ẩm thực miền nam của chủ người Đức gốc Việt ở Hamburg. Ngoài ra, bạn cũng nên tìm hiểu kỹ trước về quy định việc làm tại Đức đối với sinh viên để tránh vướng phải những vấn đề pháp lý không đáng có.

Công việc cơ bản của bồi bàn

1. Chuẩn bị

Khi vào ca làm mới, thường là lúc chưa đông khách lắm, mình sẽ quan sát một vòng để chuẩn bị kỹ lưỡng tất cả mọi thứ:

  • Nếu muỗng, đũa, dao, nĩa, các loại nước chấm còn ít thì ngay lập tức làm đầy lại. Lát nữa đông khách sẽ không có thời gian làm việc đấy.
  • Nếu có khách đặt bàn thì sẽ quan sát xem nên xếp họ ngồi ở đâu dựa trên lượng người cũng như khung giờ. Từ đó có được cái nhìn tổng quan về số bàn còn trống, cũng như xử lý nhanh hơn khi khách đến.
  • Kiểm tra bàn ghế đã sạch sẽ gọn gàng chưa, nước đã được thay chưa, ví đã đủ tiền thối chưa, điện đóm âm nhạc đã ổn chưa. Cái gì chưa được thì phải chỉnh ngay.

Hôm nào làm bar thì cũng chuẩn bị kỹ càng tương tự với các nguyên liệu và dụng cụ làm nước. Một khi mọi thứ cần thiết đều đã chu toàn cả rồi thì mình mới có tâm thế thoải mái nhất để đón những vị khách đầu tiên ghé quán.

Đọc tiếp: Chi phí sinh hoạt tại Đức

viec lam tai duc boi ban
Bồi bàn là một trong những việc làm tại Đức phổ biến
(Photo by Shangyou Shi on Unsplash)

2. Phục vụ

Khâu này cũng tuần tự một số bước nhất định như:

  • Khi khách đến, mở lời chào và hướng dẫn họ vào bàn phù hợp.
  • Mang thực đơn đến (và đôi khi giải thích ngay nếu có thông tin quan trọng, chẳng hạn như món đặc biệt hôm nay hay còn 45 phút nữa là đóng cửa rồi).
  • Sau khi chờ một khoảng thời gian, quan sát thấy họ không xem thực đơn nữa thì tiến tới mở lời lấy món.
  • Chuyển thông tin (tờ phiếu in ra từ app đặt món) sang cho bếp và bar, đồng thời nhấn mạnh những thông tin cần thiết (khách không ăn gì, có bị dị ứng với thành phần nào không hay muốn tinh chỉnh vị thêm cay bớt ngọt như thế nào).
  • Mang dụng cụ ăn phù hợp với món cũng như yêu cầu của khách.
  • Nước uống ra trước, sau đó khai vị, rồi đến món chính và cuối cùng là tráng miệng.
  • Giữa bữa ăn sẽ lại hỏi mọi thứ có ổn không, để điều chỉnh phù hợp khi cần.
  • Hỗ trợ khi khách có yêu cầu thêm (lấy dao, xin ớt, thêm nước sốt,…).
  • Cuối bữa ăn đến hỏi họ ăn có ngon không và thu dọn chén bát vào trong.
  • Tính tiền, thường ở Đức nếu không phải gia đình hay người yêu thì họ sẽ trả riêng đúng phần mình ăn thôi.

Về cơ bản thì khâu phục vụ sẽ diễn ra như thế. Tất nhiên trong ngành Nhà hàng thì chẳng hôm nào giống hôm nào, thế nên luôn phải chuẩn bị tinh thần để giải quyết vấn đề trong mọi tình huống có thể xảy ra. Ví dụ như khách hỏi kỹ về thành phần món ăn, nguồn gốc món đấy hoặc đôi khi không hài lòng với chất lượng phục vụ. Khi ấy, người làm bồi phải rất linh hoạt và nhanh nhạy để giao tiếp hiệu quả nhất, không khiến khách có ấn tượng xấu.

Đọc tiếp: Kết bạn với người Đức

3. Dọn dẹp

Đây là khâu nghe có vẻ đơn giản nhưng đôi khi vẫn khá căng thẳng, đặc biệt là khi khách đông mà lại vào mới liên tục. Trong lúc đang lấy món, bưng đồ, tính tiền thì cũng phải tranh thủ dọn bàn để khách mới vào có chỗ, trông không sạch sẽ gọn gàng là không được.

Ngoài ra thì hôm nào đứng bar sẽ phải vệ sinh dụng cụ pha nước, ly tách cũng như quầy bar vào cuối buổi. Sau đó kiểm tra số lượng nước uống còn lại để bổ sung thêm từ kho, nếu hết thì đặt mua mới. Lau dọn tất cả gọn gàng sạch sẽ rồi thì cũng kết thúc một ca làm, về nhà nghỉ ngơi hoặc tiếp tục những công việc cá nhân khác.

Đọc tiếp: Giải trí vui chơi ở Đức

Tầm quan trọng của tiếng Đức giao tiếp khi làm bồi bàn

Như mình vừa đề cập thì khi phục vụ phải cực kỳ linh hoạt trong giao tiếp để giải quyết mọi tình huống có thể xảy ra, và tất cả hoàn toàn bằng tiếng Đức (họa hoằn lắm mới có khách Việt thôi). Do đó, việc có một nền tảng tiếng Đức giao tiếp tốt là cực kỳ quan trọng, nếu không khách đặt món hay thanh toán mình cũng không hiểu, chứ chưa nói gì đến việc phải giải thích những vấn đề phức tạp hơn với họ.

Bản thân mình cũng đã khá tự tin với vốn tiếng Đức của bản thân (Nói 93/100 B2 Goethe, khá thường xuyên tiếp xúc với người Đức) nhưng vẫn không hoàn toàn hiệu quả khi cần phản xạ nhanh với vấn đề, cũng như không thể hiện đủ sự cởi mở với khách hàng. Tất nhiên là không phải lúc nào cũng thế nhưng đôi lần mình có thể cảm nhận được sự bối rối từ họ, và hiển nhiên như vậy thì chất lượng công việc không được tốt.

Cơ bản thì trong lúc đó đôi khi đang phải suy nghĩ mình nên nói gì, nói như thế nào. Không ít lần nói vội nên phát âm không chuẩn, thành ra người nghe cũng chẳng hiểu gì. Lắm lúc mình cứ phải lẩm nhẩm trong đầu liên tục những gì cần nói để ra tới bàn là bắn ra được ngay. Đủ nội dung, đúng phát âm, chuẩn thái độ.

viec lam tai duc boi ban
Trò chuyện hiệu quả với khách là một yêu cầu quan trọng khi làm bồi bàn
(Photo by Mateus Campos Felipe on Unsplash)

Vậy nên một thông điệp mình luôn nhắc đi nhắc lại chính là hãy học tiếng Đức để giỏi thật sự rồi hãy sang đây, chứ đừng chỉ để lấy một tấm bằng nào đó cho có (bằng cách học thuộc bài nói, bài viết khi thi chẳng hạn) rồi vội đi. Ngắn hạn thì có thể đẩy nhanh quá trình, nhưng dài hạn thì cực kỳ bất lợi.

Bởi không những bạn có thể gặp nhiều khó khăn khi lo những vấn đề giấy tờ cần thiết ban đầu, mà thậm chí còn bỏ lỡ không ít cơ hội quý giá sau này. Bắt đầu từ những việc làm tại Đức để trang trải cuộc sống như bồi bàn, cho đến cơ hội thể hiện ý tưởng trong cuộc họp, thăng chức trên đường sự nghiệp hay chỉ đơn giản là hòa nhập với nền văn hóa mới nơi đây.

Đọc tiếp: Deutsch Sprachtreff: Nơi luyện tiếng Đức giao tiếp tuyệt vời

Học về văn hóa ăn uống Đức

Từ khi làm công việc này, mình có dịp quan sát và học hỏi nhiều hơn về văn hóa Đức, cụ thể là văn hóa ăn uống, qua đó phần nào có thể nhìn nhận sự khác biệt so với những gì mình biết trước đây ở Việt Nam để mở mang tầm mắt:

  • Trưa là bữa ăn khá nhanh chóng, để nghỉ ngơi giữa giờ, trò chuyện cùng đồng nghiệp, đối tác trước khi quay lại làm việc vào buổi chiều. Thế nên người Đức thường không uống thức uống có cồn vào bữa này. Ngoài ra, họ cũng ít ăn khai vị hay tráng miệng, thay vào đó chỉ tập trung vào mỗi món chính kèm nước uống nhẹ.
  • Bữa tối diễn ra thong thả hơn, người thì nhâm nhi chút rượu vang, người thì uống chút bia hay cocktail. Thực đơn thường có khai vị và món chính, đôi khi kèm cả tráng miệng. Họ thưởng thức và trò chuyện, không phải để ăn cho no như bữa trưa nữa, mà là để dành thời gian kết nối bên nhau sau một ngày dài làm việc. Đôi khi kéo dài từ tận 6 giờ chiều cho đến 10 giờ tối, quán gần đóng cửa thì họ cũng ra về.
  • Sau bữa ăn, phần lớn thực khách sẽ thêm chút Trinkgeld (tiền tip), thường là tầm 10% hóa đơn chính. Đây là một nguồn thu khá quan trọng với bồi bàn, và cũng là động lực để họ cố gắng phục vụ khách tốt. Bởi ngoài lương cứng thì đây là phần thêm cực kỳ quý giá, vì đôi khi lương bồi nghiệp dư không được cao lắm, bù thêm Trinkgeld vào thì tạm đủ sống.
  • Nếu là một cặp đôi hoặc chung một gia đình, thì họ có thể sẽ thanh toán chung. Nhưng khi đi với bạn bè, đồng nghiệp thì thường phần ai người nấy trả, phân biệt rạch ròi. Với trải nghiệm ở Việt Nam hay có người đứng ra mời, hoặc tính toán không chi tiết từng món ăn thì ban đầu mình cũng thấy khá là hay ho thú vị.

Đọc tiếp: Văn hóa Đức: Mời khách, tiệc tùng và khen chê

Kết

Vậy có thể thấy bồi bàn là một việc làm tại Đức không chỉ giúp sinh viên trang trải chi phí cuộc sống, mà còn mở mang thêm nhiều kiến thức văn hóa nữa. Tuy vậy, để có thể làm tốt công việc này thì khả năng tiếng Đức giao tiếp cũng phải tương đối tốt, do đó việc không ngừng luyện tập, trau dồi vốn ngôn ngữ của bản thân luôn là một yếu tố tiên quyết, một khi bạn đã quyết định sẽ sang đây rồi.


Leave a Comment